Trại giam Phú Sơn 4 Thái Nguyên, các phạm nhân vào cải tạo đủ mọi ngành nghề, địa vị xã hội. Họ gồm giám đốc công ty, sinh viên, gái mại dâm, nghệ sĩ… và cả những người từng làm trong ngành công an. Hành vi phạm tội của họ giờ đang phải trả giá bằng tháng ngày cải tạo, lao động, học tập. Mỗi người vào trại từ những hành vi phạm pháp khác nhau, nhưng họ đều mong cải tạo tốt để sớm về với gia đình.
Nguyễn Trần Tiến (28 tuổi, quê ở Hưng Yên), từng là một cảnh sát. Phóng viên Ngoisao.net gặp Tiến tại căng tin trại giam Phú Sơn vào buổi chiều. Anh là phạm nhân, được cán bộ trại phân công phục vụ hậu cần. Lúc đầu, Tiến còn rụt rè khi tiếp xúc, nhưng rồi anh dần cởi mở.
Tiến vào trại vì phạm tội giết người. Bố mẹ Tiến đều làm công an. Anh cũng muốn được tiếp nối ngành nghề của cha mẹ. Hết cấp 3, Tiến vào học tại trường Trung cấp Đặc nhiệm, Bộ Công an.
Sau một thời gian đào tạo, năm 2002, Tiến được phân công về Bộ Tư lệnh cảnh vệ, làm việc ở Hà Nội. “Thời gian đó, em quen và yêu một cô gái gần nơi em công tác. Hai đứa đang hoạch định cho tương lai chung”, Tiến nói, giọng trùng xuống. Hai bên gia đình cũng đã định ngày lành tháng tốt để làm đám cưới.
Phạm nhân tại phân trại 1 Trại giam Phú Sơn đi lao động về. |
Nhưng những điều tốt đẹp ở phía trước bỗng sụp đổ dưới chân Tiến, cả hạnh phúc lẫn sự nghiệp. Một buổi chiều hè, Tiến cùng ba đồng nghiệp ngồi uống nước trên phố Vạn Bảo, quận Ba Đình. Lúc đó, cả 4 người chứng kiến cảnh, một thanh niên đi xe máy suýt đâm vào hai ông bà già đi bộ dưới lòng đường.
Người thanh niên có dáng gày gò không xin lỗi còn quay lại văng tục. Thấy “nghịch cảnh” này, nhóm của Tiến đã can thiệp. Sau vài lời đe dọa rồi bỏ đi, chừng 10 phút, gã thanh niên cầm hai con dao quắm nhằm nhóm Tiến, chém tới tấp. Bị tấn công bất ngờ, Tiến và đồng nghiệp bỏ chạy một đoạn rồi bằng những thế võ đã khống chế được kẻ hung hãn. Sau khi tước được dao của anh ta, nhóm Tiến lao vào đấm đá. Nạn nhân tử vong, còn Tiến và bạn trả giá cho hành vi phạm tội của mình.
Sau khi bị TAND thành phố Hà Nội kết án, Tiến thụ án tại Trại Phú Sơn. Những tháng ngày đầu trong trại, Tiến luôn hoang mang, buồn nản. Nhưng tại nơi này, các cán bộ phân trại 1 đã giúp Tiến đổi mới về suy nghĩ. Anh hiểu rằng, mọi thứ ở phía trước vẫn còn dài. Tiến đã lao vào cải tạo, học tập để làm ngắn dần chặng đường về với xã hội.
Với nhân thân tốt, gia đình có truyền thống trong ngành vũ trang nhân dân, cũng như việc cải tạo, chấp hành nội quy của Trại giam tốt, Tiến được cất nhắc phục vụ hậu cần cho các thày giám thị. Vóc dáng cao ráo của Tiến đã giúp anh tham gia nhiều chương trình thể thao của trại như bóng đá, cầu lông… Khác với thời gian đầu thụ án, giờ Tiến hồ hởi khi nói về tháng ngày cải tạo: “Trại giam như một xã hội thu nhỏ, giờ em đã thoải mái về tư tưởng, và đã hòa đồng tốt với mọi người từ các thày đến các phạm nhân…”. 9 năm trong trại giam, Tiến đã nhận ra điều đó.
Tình cờ, phóng viên nhắc đến người yêu của Tiến. Giọng buồn, anh cho biết, những năm đầu tiên trong trại, cô ấy tháng nào cũng lên thăm một lần. Cô ấy đã thông cảm và hiểu bạn trai mình chỉ là nhất thời phạm tội. “Em tự nhủ không xứng đáng với tình yêu đó nên đã khuyên cô ấy tìm hạnh phúc cho riêng mình”, giọng xúc động, Tiến nói rồi ngước lên trần nhà để che giấu nước mắt.
Trong đợt đặc xá năm 2010, Tiến có tên trong danh sách những phạm nhân có thành tích cải tạo tốt và được xét duyệt. Tiến nghĩ đến bố mẹ đầu tiên: “Em chỉ mong muốn gắng sống tốt hơn để bù đắp cho họ”.
Anh lạc quan cho rằng, tuổi 28 chưa phải là quá muộn để một thanh niên như anh tìm lại sự nghiệp cho mình. Anh cũng mong xã hội, dư luận cho anh một cơ hội để sửa chữa lỗi lầm.
Việt Dũng