Việc mua bán này sẽ được thực hiện theo các quy trình thống nhất tại Dự thảo Nghị định về giao, bán doanh nghiệp do Nhà nước sở hữu toàn bộ vốn điều lệ đang được soạn thảo và lấy ý kiến rộng rãi.
Thực ra, việc mở rộng đối tượng của dự thảo chỉ là cách để luật hóa các cam kết của Việt Nam với Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). Song, điều quan trọng là các nhà đầu tư nước ngoài (bao gồm cả cá nhân và các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài) tới đây sẽ có cơ hội như các doanh nghiệp, nhà đầu tư cá nhân trong nước đối với các doanh nghiệp nhà nước trong diện giao, bán theo quy định.
Mối quan tâm tới thị trường giao, bán doanh nghiệp có thể “nóng” lên cùng với việc các đối tượng doanh nghiệp thuộc diện bán cũng được mở rộng. Cụ thể, ngoài các công ty nhà nước, độc lập, công ty thành viên hạch toán độc lập của tổng công ty, dự thảo đã mở rộng đối tượng tới cả các công ty và bộ phận của công ty TNHH một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu.
Đồng thời, hình thức tách doanh nghiệp quy mô lớn thành các bộ phận để bán cũng được xem là tạo thêm nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp vốn thuộc diện khó khăn trong hoạt động kinh doanh, không thể tiến hành cổ phần hóa. Như vậy, các doanh nghiệp đã chuyển đổi sang hình thức công ty TNHH một thành viên có thể trở thành đối tượng mua bán nếu hoạt động sau chuyển đổi không hiệu quả như mong muốn.
Tuy nhiên, những tranh luận đang dấy lên khi việc mở rộng đối tượng lại kèm theo điều kiện về việc doanh nghiệp không có lợi thế về đất đai. Có nghĩa, các doanh nghiệp được xem là có lợi thế về đất đai sẽ bị loại khỏi danh mục các doanh nghiệp được phép giao, bán.
Ông Bùi Ngọc Bảo, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Xăng dầu cho rằng, nếu loại trừ yếu tố đất đai, có thể chẳng bao giờ bán nổi doanh nghiệp vốn yếu kém đến mức không thể cổ phần hóa. “Nếu các doanh nghiệp này không được bán, sẽ xảy ra tình trạng doanh nghiệp không được cải thiện trong khi diện tích đất đó cũng không thể thu hồi”, ông Bảo nói.
Hơn nữa, việc xác định thế nào là không có lợi thế về đất đai lại không đơn giản. Ông Trần Tiến Cường, thành viên Ban soạn thảo dự thảo, cho biết, Ban soạn thảo đang đề nghị 3 tiêu chí để xác định không có lợi thế về đất của doanh nghiệp. Đó là có diện tích mặt bằng không quá 100 m2; không ở mặt các đường phố chính, thuộc khu trung tâm hoặc khu đất đã hoặc sẽ quy hoạch có thể tạo vị trí thuận lợi cho việc thực hiện các hoạt động kinh doanh; giá chuyển nhượng quyền sử dụng đất hoặc giá thuê đất ở vị trí tương tự trên thị trường không chênh lệch nhiều so với giá do UBND cấp tỉnh công bố hàng năm.
Tuy nhiên nhiều ý kiến cho rằng không dễ để trả lời thế nào là chênh lệch nhiều về giá? Có ý kiến chất vấn tại sao lại khống chế ở mức 100 m2. Đại diện Viện Kinh tế xây dựng (Bộ Xây dựng) cũng phản biện rằng, có những ngành nghề coi trọng đất mặt đường, song có những ngành nghề không cần vị trí đó. Và việc thực thi có thể sẽ vướng chỉ vì những câu hỏi khó này.
(Theo Đầu Tư Chứng Khoán)