Ăn trầu cau là văn hóa ở nhiều nước châu Á như Trung Quốc, Ấn Độ, Myanmar, Việt Nam... Trước đây, chuẩn mực của vẻ đẹp là sở hữu hàng răng đen nên phụ nữ thường có thói quen ăn trầu cau. Về sau, người ta nhận ra rằng món ăn độc đáo này có khả năng khiến thần kinh tỉnh táo, hưng phấn ngang với cà phê. Đặc biệt, ở Đài Loan, văn hóa ăn trầu cau từng rất phổ biến và thịnh hành trong nhiều thập kỷ, với nhiều đối tượng từ trẻ tới giả, nông thôn và cả thành thị. Thậm chí, người Đài Loan còn coi trầu cau giống như một loại "kẹo cao su" của riêng xứ sở mình. Đây cũng là hai loại cây đóng góp sản lượng nông nghiệp lớn thứ 2 ở Đài Loan.
Ở hòn đảo này, trầu cau gắn liền với hình ảnh những cô nàng nóng bỏng. Thay vì mua trầu cau về tự têm như ở Việt Nam, khách mua ở Đài Loan sẽ tìm đến những cửa tiệm trên phố, được chào mời bởi các cô nàng trẻ trung, ăn mặc gợi cảm, ngoại hình xinh đẹp. Họ được gọi với cái tên mỹ miều là "BinLang Xishi" - nghĩa là những nàng "Tây Thi trầu cau". Thoạt nhìn qua, những cửa tiệm này giống như các tụ điểm "đèn đỏ", "đèn mờ", thường là các bốt nhỏ, ốp kính trong suốt, đèn đóm nhấp nháy. Các nàng "Tây Thi" tay thoăn thoắt têm trầu cau ở phía trong, khi thấy khách qua đường thì họ nhanh chóng chạy ra chào mời, tiếp thị.
Với nghề này, càng xinh đẹp và thiếu vải thì họ sẽ càng bán đắt hàng do khách chủ yếu là đàn ông. Do đó, các cô nàng thường chỉ diện váy ngắn và áo 3 lỗ, thậm chí nhiều người còn táo bạo mặc yếm, bikini hoặc áo lót. Ngoài trầu cau, họ còn bán thuốc lá và nước giải khát kèm theo. Trái với suy nghĩ ăn mặc thiếu vải sẽ đi kèm với dịch vụ "tươi mát", phần lớn các cô nàng nói không với mại dâm.
Trào lưu của những nàng "Tây Thi trầu cau" xuất hiện vào những năm 1960 và thịnh hành nhất vào những năm 1990. Những người đẹp bán trầu đầu tiên xuất hiện ở huyện Nam Đầu. Sự thành công của chiến lược tiếp thị độc đáo đã tạo nên trào lưu trên khắp đảo Đài Loan với hình ảnh các ki ốt từ thành thị tới nông thôn và những cô nàng nóng bỏng chào mời. Thậm chí, nó còn trở thành thương hiệu của hòn đảo trên màn bạc với các bộ phim Betelnut Beauty (Người đẹp trầu cau) năm 2001, Help Me, Eros (2007). Mới đây nhất, năm 2016, đạo diễn Tony Xue phát hành bộ phim Betelnut Girls (Những cô nàng bán trầu).
Bốt bán trầu mọc trên khắp các phố lớn tại Đài Bắc, chủ yếu phục vụ tài xế, công nhân và thu hút khách du lịch. Người ta ước tính có tới 60.000 ki ốt trầu cau như vậy trên khắp Đài Loan và "Tây Thi trầu cau" được coi như một phần văn hóa độc đáo của hòn đảo này trong mắt du khách nước ngoài.
Tuy nhiên, những cô nàng này cũng phải đối mặt với không ít mặt trái. Do xuất thân từ những gia đình khó khăn, lại hành nghề dọc đường cùng với kiểu ăn mặc dễ gây hiểu lầm, những nàng "Tây Thi" trầu cau luôn phải đối mặt với những ánh nhìn thiếu thiện cảm, hiểu lầm hay miệt thị. Đôi khi, họ gặp phải những vị khách say xỉn, sàm sỡ, đề nghị qua đêm.
Những năm gần đây, nhiều chính trị gia Đài Loan đã đưa ra các chiến dịch trấn áp sự bùng nổ của ki ốt trầu cau trên toàn đảo. Họ cho rằng hình ảnh của các cô nàng mặc bikini bán hàng và việc khạc nhổ nước trầu cau sẽ khiến hình ảnh Đài Loan xấu đi trong mắt du khách. Nhiều "nàng Tây Thi" còn bị buộc tội mại dâm và bị quy kết là nguyên nhân gây ra các tai nạn giao thông cho các tài xế mải mê nhìn ngắm hoặc chơi đùa với gái bán trầu. Các nhà khoa học cũng chỉ ra rằng, ăn trầu cau là nguyên nhân gây ra căn bệnh ung thư miệng và nhiều tác hại khác cho sức khỏe con người. Do đó, những cô gái bán trầu cùng thói quen ăn trầu ngày càng trở nên vắng bóng và xuất hiện với tần suất giảm dần.
Nguyên Chi
Theo English In Taiwan, Wiki