TAND Hà Nội vừa mở phiên sơ thẩm xét xử vụ ly hôn của cặp vợ chồng trung niên. Người chồng đứng đơn xin tòa giải quyết cuộc hôn nhân hơn 20 năm.
Phiên tòa mở muộn, cặp vợ chồng có thời gian ngồi cạnh nhau trong lúc đợi Hội đồng xét xử vào làm việc. Người chồng không khỏe, thân hình gày guộc, vẫn nói chuyện bình thường với vợ. Khó ai đoán ra họ đến tòa để ly hôn.
Trước tòa, ông trình bày hơn 20 năm trước hai người tự nguyện làm đám cưới. Do điều kiện kinh tế khó khăn, họ phải sống chung cùng gia đình chồng. Ông làm giảng viên một trường đại học, còn bà công tác trong lĩnh vực bảo vệ động vật hoang dã. Cả hai hạnh phúc với cuộc sống giản dị.
Sau đó, ông được bố mẹ chia cho mảnh đất rồi cùng vợ xây căn nhà khang trang. Đến nay, vợ chồng ông có hai con gái, con lớn đang du học, còn con út học lớp 7.
"Bây giờ tuổi đã cao, tôi thấy không còn phù hợp với cuộc sống cùng cô ấy nữa. Tôi không tìm được lý do cụ thể, chỉ biết đến bây giờ rất không hợp nhau", ông trả lời nguyên nhân muốn ly hôn vợ.
Giọng mệt mỏi, ông cho hay năm 2017 đã làm đơn xin ly hôn, con gái nhỏ bảo ở với bố. Nhưng đầu năm nay, khi vợ đi nước ngoài về, bé thay đổi và muốn sống cùng mẹ, ông chấp nhận ý kiến của con.
"Tài sản của tôi chỉ là đồng lương. Tôi phải lo cho bố mẹ vì là con trưởng", ông nói và trình bày nguyện vọng giúp vợ mỗi tháng hai triệu đồng lo cho con gái nhỏ.
Khi được tòa hỏi, người vợ cho hay, cuối năm 2017 khi đang công tác nước ngoài thì nhận được thông báo chồng muốn ly hôn. "Cuộc sống vốn ngắn ngủi, từng này tuổi rồi nên tôi không muốn ly hôn", bà nói.
Bà trăn trở một gia đình xây dựng hơn 20 năm nay rồi xóa đi thì con cái sẽ như thế nào? Tình cảm vợ chồng không còn nhiều nhưng tình nghĩa vẫn còn. Mặt khác, chồng vốn ốm yếu nên bà không muốn ly hôn, để được chăm sóc ông. Tuy nhiên, trước việc chồng nhất quyết đòi chia tay, bà sẽ chấp nhận. "Chỉ mong tòa xem xét chỗ ở cho mẹ con tôi vì chúng tôi không có nhà", bà trình bày.
"Bà và con vẫn có thể ở bình thường", ông nói, song bà đáp lại: "Tôi không phải là người xin ở nhờ". Giọng nghèn nghẹn, bà bảo không nghĩ có ngày phải ra tòa như thế này. Hơn 20 năm chung sống, bà dành nhiều công sức cùng tiền bạc để xây đắp căn nhà. Hiện mẹ chồng vẫn ở trong căn nhà ấy nên khó để phân chia.
"Vậy những tài sản trong căn nhà, bà muốn giải quyết thế nào?", chủ tọa nêu. "Đồ đạc thì không đáng kể, chúng giống như con chim góp rơm xây tổ nên tôi không yêu cầu chi tiết như vậy", bà nói. Mong muốn của bà nếu tòa giải quyết ly hôn thì xem xét quá trình dài chung sống, để bà không phải ra đi tay trắng.
Chủ tọa cho hay nếu có tranh chấp sẽ dành quyền cho bà khởi kiện ở một vụ án khác. Song chủ tọa cũng giải thích với bà rằng: "Bố được thì con mới được. Giả sử bố mẹ chồng đòi lại mảnh đất thì ông cũng không được quyền sở hữu".
Trong hơn một tiếng hỏi về tài sản, nghe đối thoại giữa hai vợ chồng không có tiếng nói chung, chủ tọa đã chốt lại: "Cho dù ông bà không còn là vợ chồng, hai con gái còn có cuộc đời dài phía trước. Con ông bà rồi sẽ về làm dâu nhà người ta nên cả hai nên suy nghĩ về việc này".
Kết thúc phiên sơ thẩm, xét thấy ông kiên quyết đòi ly hôn, còn bà cũng chấp nhận, tòa đã quyết định để cả hai "đường ai nấy đi".