Bác sĩ Hoàng Bá Dũng, Trưởng khoa Tai Mũi Họng Bệnh viện Chợ Rẫy TP HCM, cho biết anh Tâm nhập viện trong tình trạng khó thở, cổ liên tục phập phồng, ở cổ vẫn còn một vết bầm vắt ngang. "Nghi ngờ bệnh nhân bị đứt khí quản, chúng tôi lập tức mổ cấp cứu và tổn thương không ngoài dự đoán. Tuy nhiên còn nghiêm trọng hơn, cả thực quản nằm sau khí quản cũng bị cắt đứt. Việc khâu khí quản và thực quản được thực hiện ngay sau đó", ông Dũng nói.
Đến sáng 3/3, tức sau hơn một tuần điều trị, các bác sĩ cho biết tình trạng sức khỏe bệnh nhân khá ổn. Người bệnh có thể nói chuyện vài câu nhưng vẫn phải được mở đường thở ở cổ và mở dạ dày để truyền thức ăn.
"Hôm đó tôi đi làm về và được bạn chở bằng xe máy. Chúng tôi chạy theo con đường tắt xuyên qua rừng cao su để rút ngắn quãng đường, nào ngờ vướng phải sợi dây kẽm ai đó giăng ngang để phơi quần áo. Bạn tôi kịp né còn tôi ngồi sau nên bị dây cắt vào cổ. Cố về đến phòng trọ xoa dầu nhưng cổ mỗi lúc một sưng to, không thể chịu đựng được nữa, tôi quyết định đi đến bệnh viện để được khám", anh công nhân người dân tộc Chăm sống tại Tây Ninh nói kể.
Bác sĩ trưởng khoa cho biết, vài tháng trước bệnh viện này cũng tiếp nhận một trường hợp chạy xe máy bị dây vướng ngang cổ gây đứt khí quản, tuy nhiên đây vẫn là loại tai nạn hiếm gặp.
"Nhìn bên ngoài tưởng không sao nhưng do độ đàn hồi của khí quản và thực quản ở bên trong khá kém nên dễ đứt. Tai nạn có thể khiến máu chảy ngược gây khó thở. Chính vì thế, trong sinh hoạt nếu sau khi bị vướng dây ngang cổ mà thấy khạc ra máu hoặc khó thở thì nên đến bệnh viện khám", một bác sĩ nói.
Thiên Chương