- Chị cảm thấy thế nào trước những ý kiến cho rằng phần giao lưu giữa nhân vật và MC của “Con đường âm nhạc” quá rời rạc và thiếu sự hấp dẫn?
- Cảm ơn khán giả đã dành cho tôi sự quan tâm. Sau mỗi lần ghi hình trực tiếp tôi đều tham khảo ý kiến của đồng nghiệp, người thân để rút kinh nghiệm. Cùng với suy nghĩ và kinh nghiệm hơn 10 năm trong nghề, tôi tự đánh giá được khả năng làm việc của mình đến đâu. Tôi đã dẫn được 7 số và có những chương trình thành công như số về nhạc sĩ Hoàng Vân, Trần Hoàn, Đức Trịnh, NSND Quang Thọ. Thậm chí đêm nhạc về Lê Minh Sơn tôi cũng cho rằng đã khá thành công, tuy rằng chưa thật hoàn hảo vì có một vài hạt sạn. Thú thực có hai số khiến tôi chưa thật hài lòng, đó là chương trình của nhạc sĩ Trần Long Ẩn và Đức Trí.
Tôi có dịp tiếp xúc với nhạc sĩ Hoàng Vân và vợ nhạc sĩ Trần Hoàn 6-7 lần tại nhà riêng. Mỗi lần gặp họ lại kể cho tôi nghe nhiều câu chuyện về những bước thăng trầm trong cuộc đời. Vợ nhạc sĩ Trần Hoàn (bà Thanh Hồng) còn đưa cho tôi đọc cuốn hồi ký do chính bà viết về chuyện tình cảm động của vợ chồng bà, trong đó có nói đến giây phút bà nhận được giấy báo tử của nhạc sĩ Trần Hoàn. Có lẽ vì hiểu về họ nên hai chương trình Con đường âm nhạc về Hoàng Vân và Trần Hoàn đã ấm áp như vậy.
![]() |
MC Mỹ Vân trong "Con đường âm nhạc" về nhạc sĩ Lê Minh Sơn. Ảnh: L.T. |
Còn trước khi ghi hình chương trình về nhạc sĩ Trần Long Ẩn và Đức Trí, tôi chỉ có vài giờ tiếp xúc trực tiếp để bàn bạc về những câu hỏi giao lưu trong đêm diễn. Bản thân tôi cũng không có điều kiện hiểu nhiều về họ bởi khoảng cách về địa lý. Do đó, chương trình chưa hấp dẫn như mong muốn của tôi.
MC là nghề “làm dâu trăm họ”, có người khen, người chê nhưng vấn đề là những lời nói ấy có chân tình hay không. Trước khi tôi nhận vai trò MC Con đường âm nhạc, có nhiều gương mặt nổi tiếng và giỏi hơn tôi như nhà thơ Đỗ Trung Quân, nhà văn Phan Huyền Thư, MC Lê Anh, người mẫu Thúy Hạnh. Tuy nhiên, mỗi người trong số họ cũng chưa thể làm hài lòng khán giả 100%. Và tôi cũng không nằm ngoài số đó. Tôi gặp khá nhiều áp lực và sẵn sàng chấp nhận những phản ứng trái chiều từ người xem bởi tôi biết, mình không thể làm hài lòng được tất cả mọi người.
- Với nhạc sĩ gai góc như Lê Minh Sơn, đáng lẽ kịch bản nên có những câu hỏi sắc bén để nhân vật thể hiện cá tính của mình, tuy nhiên chương trình vừa qua chưa làm được điều đó. Chị nghĩ sao về chuyện này?
- Nếu bạn để ý sẽ thấy ngôn từ, ý tứ tôi dùng cho Lê Minh Sơn khác hẳn những nhân vật khác. Bản thân nhạc sĩ này cũng phải thốt lên rằng “em hỏi anh khó quá, làm anh toát mồ hôi”. Đó chính là sự sắc bén đấy chứ. Nhưng nó phải được tiết chế, vừa vừa thôi, bởi vì kịch bản Con đường âm nhạc do tôi viết đã nhận được sự kiểm duyệt của lãnh đạo ban. Mục đích chính của chương trình nhằm điểm lại những tác phẩm thành công, làm nên tên tuổi của người nhạc sĩ, vì thế tôi không được phép khai thác quá sâu vào các câu chuyện đời thường của nhân vật. Bản thân tôi rất muốn chia sẻ những chi tiết thú vị xung quanh cuộc sống âm nhạc cũng như tính cách của nhân vật. Trước mỗi lần ghi hình, tôi luôn nói với họ, hãy tạo nên không khí gần gũi khán giả khi trò chuyện. Thế nhưng, điều này còn phụ thuộc vào việc nhân vật có chịu hợp tác với tôi hay không.
Tôi và Lê Minh Sơn đã biết về nhau quá rõ bởi chúng tôi từng học trong trường cao đẳng nghệ thuật Hà Nội, lại có thời gian đi diễn chung. Lê Minh Sơn rất cá tính, hay có những phát ngôn gây sốc. Vì vậy, tôi không thể chọn cách trò chuyện nhẹ nhàng như trong chương trình về nhạc sĩ Hoàng Vân hay Trần Hoàn.
- Nhìn lại chương trình vừa qua, chị hài lòng về phần dẫn của mình chứ?
- Có một hạt sạn nhỏ mà tôi cảm thấy tiếc. Trong lời ca khúc Hà Nội của tôi có đoạn “những cô gái không nói tiếng Kinh, không nói tiếng Việt mà nói tiếng núi rừng” và tôi hỏi Lê Minh Sơn “Hà Nội thì đâu có núi rừng?”. Câu hỏi ám chỉ đến Hà Nội 36 phố phường với hình ảnh cổ kính, xưa cũ và tôi muốn để nhạc sĩ trả lời rằng Hà Nội bây giờ đã mở rộng ra rất nhiều. Tuy nhiên, tôi đã không giải thích rõ câu hỏi nên mới xảy ra chuyện khán giả bị nhầm. Đây là lỗi của tôi. Ngoài hạt sạn này, tôi hài lòng với chương trình về Lê Minh Sơn.
![]() |
Mỹ Vân trẻ trung và duyên dáng ngoài đời thường. Ảnh: M.V. |
- Có một câu hỏi khác liên quan đến việc Ngọc Khuê, Tùng Dương giúp tên tuổi của Lê Minh Sơn nổi tiếng hay ngược lại, dường như là hơi thừa bởi cả ba người đều đã có một chỗ đứng riêng trong làng nhạc. Chị nói gì về chuyện này?
- Tôi không cho là thừa bởi trước đó tôi nói về thời điểm 2004 khi Lê Minh Sơn tung ra hàng loạt ca khúc cho Ngọc Khuê và Tùng Dương thể hiện. Không thể phủ nhận, hai ca sĩ này được đẩy lên nhờ các sáng tác của Lê Minh Sơn. Vì thế tôi mới đặt câu hỏi như bạn nói. Câu hỏi này nhằm giúp khán giả cảm nhận rõ ràng hơn về con đường âm nhạc mà Lê Minh Sơn đã xây dựng từ năm 2004 cho đến nay. Còn những thành công của nhạc sĩ này ở thời điểm hiện tại thì ai cũng biết.
- Ở phần giao lưu cuối cùng, sau hàng loạt câu hỏi về mối lương duyên trong âm nhạc của Lê Minh Sơn với Thanh Lam, chị lại giới thiệu phần trình diễn của Tùng Dương. Điều này khiến cho người xem bị... lạc lối. Chị lý giải thế nào?
- Trong mỗi chương trình Con đường âm nhạc đều có nhiều phần đối thoại xen kẽ với các tiết mục trình diễn, mỗi lần giao lưu lại theo một chủ đề riêng. Ở đêm nhạc Lê Minh Sơn, phần trò chuyện cuối cùng của tôi nói về sự kết hợp của nhạc sĩ với các ca sĩ Ngọc Khuê, Tùng Dương và Thanh Lam. Do kịch bản chương trình đã viết rõ, sau phần giao lưu này là hai bài hát tiếp theo của Tùng Dương nên bắt buộc tôi phải giới thiệu như vậy, còn Thanh Lam là ca sĩ chốt lại đêm diễn. Tuy nhiên, tôi cũng cảm thấy sự sắp xếp này là hơi gượng.
- Vậy có khi nào chị đi chệch kịch bản có sẵn?
- Con đường âm nhạc là chương trình truyền hình trực tiếp, kịch bản đã được duyệt nên tôi không thể thay đổi nó. Tất nhiên, tôi cũng muốn phá cách, đi chệch kịch bản nhưng cũng không được phép vượt quá khuôn khổ. 80% nội dung chương trình phải đi theo kịch bản, 20% còn lại là tôi dẫn tùy vào sự tung hứng của nhân vật.
Lương Trần thực hiện