Những nhân viên này tỏ ra hiểu biết khi xác định việc tăng lương chủ yếu phụ thuộc vào hiệu quả công việc cũng như thái độ làm việc của mình chứ không đơn giản chỉ vì tôi "cảm thấy" lương mình thấp quá. Trong đầu họ luôn kiểm soát những gì đã cống hiến và cân đối với mức lương của những người quen biết làm việc ở những công ty khác. Nhìn chung, họ là những người chăm chỉ và lạc quan vào chế độ của công ty.
Thực tế cho thấy, trong thời buổi kinh tế thị trường, đặc biệt là ở những công ty liên doanh hoặc tư nhân, không phải ông chủ nào cũng là người "biết điều". Bởi vậy, nếu chỉ biết cố gắng làm việc và hy vọng thì rất có thể họ sẽ phải hy vọng khá lâu. Những nhân viên "lạc quan" này phần lớn sẽ không nằm trong danh sách những cá nhân tạo ra cuộc bứt phá ngoạn mục trong bảng lương công ty, mặc dù sự đóng góp của họ đáng kể.
![]() |
Hãy làm cho ông ấy tin rằng tăng lương cho bạn là một việc làm có lợi cho công ty của ông ấy! |
Với hơn 50% này, đối thủ của họ trong cuộc chiến nâng mức lương là chính lối suy nghĩ thụ động của những công chức nhà nước thời bao cấp, chờ lương tăng theo từng quý, từng năm công tác, "sống lâu lên lão làng" vẫn chi phối.
Trong 2.242 người tham gia khảo sát, chỉ có 208 người (9,3%) tin rằng "sức mạnh tập thể" có thể dễ lay chuyển ý sếp nên khi muốn tăng lương, họ sẽ rủ nhau và cùng đề đạt nguyện vọng.
Cách làm này nói chung dễ phát huy tác dụng đối với một tập thể lao động mà tính chất công việc cũng như hiệu suất lao động của họ tương đương nhau (ví dụ như một nhóm công nhân trong một phân xưởng, những nhân viên làm chung một nhóm công việc...). Nhìn chung vấn đề của những nhân viên này là họ chưa đủ tự tin và mạnh dạn để đối diện với sếp và "mặc cả" mức lương họ muốn. Dù sao, đề nghị tăng lương cũng là cả một nghệ thuật.
Số còn lại (39,9%, tương ứng với 894 phiếu) sẽ gặp riêng sếp và đề nghị thẳng thắn mức lương mình muốn. Thực tế, đây là cách làm thường thấy ở các công ty nước ngoài. Nhân viên và sếp đối diện, tranh luận sòng phẳng và kết quả phụ thuộc vào khả năng thuyết phục của nhân viên bằng những gì anh ta đã cống hiến và sự hợp lý của mức lương đề xuất.
Theo các chuyên gia, gặp riêng sếp là một cách làm hiệu quả nếu bạn xác định rõ giá trị của mình và làm cho sếp cũng nhận thấy được giá trị ấy. Và lời khuyên dành cho những nhân viên này là nên tạo cho mình một con đường rút lui. Hãy tìm một công việc mới khoảng 1 tháng trước khi xin tăng lương. Nếu bạn chưa đủ tự tin và không thể không lo âu đến líu cả lưỡi khi gặp ông chủ thì hãy chọn cách đề nghị khác.
H.N.