Tham gia tập 8 "Beauty Talk" với chủ đề "Mụn trứng cá - Điều trị thế nào mới đúng cách" vào ngày 24/10, trên chuyên trang Ngôi Sao, BS CK2 Lê Thị Chi Phương, Bệnh viện Da liễu Hà Nội chia sẻ cơ chế hình thành mụn, những nguyên nhân khiến mụn tái phát và cách điều trị cũng như chăm sóc sau mụn.
Cơ chế hình thành mụn trứng cá
BS CK2 Lê Thị Chi Phương cho biết mụn trứng cá là một tình trạng của viêm nang lông ở những vùng da tăng tiết dầu và nhờn như: mặt, trán, lưng, ngực... Cơ chế sinh ra mụn khá đa dạng và có tác động cùng lúc với nhau. Đầu tiên, bệnh nhân thường có tình trạng tăng tiết dầu và nhờn. Thứ hai, cổ lỗ chân lông bị bít tắc khiến tình trạng dầu và nhờn tiết ra nhưng không thoát ra ngoài mà ứ lại phần lỗ chân lông, bã nhờn này kết hợp với vi khuẩn P.acnes trên bề mặt da sẽ gây viêm và hình thành mụn trứng cá.
Mụn trứng cá cũng có nhiều hình thái khác nhau. Khi cổ lỗ chân lông mới bít tắc, tăng tiết dầu và nhờn, mọi người sẽ chỉ thấy tổn thương là mụn sẩn, mụn nhỏ. Nhưng khi có sự tham gia của vi khuẩn, có thể xuất hiện mụn viêm đỏ, nặng hơn nữa là các cục, mụn nang và thậm chí là mụn trứng cá mạch lươn, và mụn trứng cá ác tính.
Ngoài yếu tố tại chỗ như tuyến nang lông, tuyến bã nhờn và vi khuẩn, mụn còn xuất hiện do tuổi tác, đặc biệt là nhóm tuổi dậy thì từ 14 đến 18 tuổi. Tuy nhiên, gần đây, do chế độ sinh hoạt, ăn uống, hoạt động thể chất sớm, trẻ có thể bị mụn trứng cá sớm hơn tuổi dậy thì thực sự và có thể gặp ở trẻ từ khoảng 8-9 tuổi. Ở lứa tuổi dậy thì, trẻ có sự thay đổi về hormone sinh trưởng. Lúc này, tuyến yên bắt đầu hoạt động và kích thích da tăng tiết dầu và nhờn. Bên cạnh đó, chăm sóc da không khoa học như: lười rửa mặt, không tẩy tế bào chết; hay thói quen ăn đồ chiên rán, nóng, đồ ngọt, đồ ăn nhanh... cũng khiến mụn dễ xuất hiện hơn.
Một nguyên nhân nữa khiến tuổi dậy thì dễ mắc trứng cá là hay thức khuya, dẫn tới tuyến bã nhờn bị rối loạn, tăng tiết dầu và nhờn nhưng lại không thoát ra bề mặt da mà ứ đọng, bít tắc lại tại những vùng da khô. Tình trạng này làm xuất hiện mụn sần, mụn ẩn hay mụn chìm dưới da. Bên cạnh đó, yếu tố di truyền cũng là một trong những nguyên nhân phổ biến. Nhóm người này thường có khả năng cao bị mụn trứng cá hơn so với nhóm khác do da tăng tiết dầu và nhờn ở vùng mặt hoặc mũi.
Với tình trạng tái phát mọc mụn, BS CK2 Lê Thị Chi Phương cho biết trứng cá được coi là bệnh viêm da mãn tính và tái phát. Tính chất của bệnh này liên quan tới tuổi, giới tính, yếu tố gia đình, môi trường, thời tiết và thói quen sinh hoạt. Ngoài ra, còn do người bệnh khi thấy đỡ là dừng thuốc, không theo đúng liệu trình của bác sĩ. Việc dùng thuốc không đúng liều, không đủ thời gian dễ khiến mụn quay trở lại.
Thói quen sinh hoạt, ăn uống hay việc chăm sóc da không đảm bảo cũng khiến mụn dễ dàng tái phát. Tình trạng mụn tái phát còn phụ thuộc vào tâm lý người bệnh như khi bị trầm cảm, căng thẳng thì một số người thường đưa tay lên sờ mặt và nặn bất kỳ thứ gì vướng trên đó. Hành động này hay gặp ở trẻ căng thẳng do thi cử khiến mụn đã hết nhưng do có yếu tố kích thích làm chúng quay trở lại và rất khó điều trị.
Phương pháp điều trị
BS CK2 Lê Thị Chi Phương cho rằng mụn không ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe hay tính mạng nhưng có tác động tới tâm lý, khiến người bệnh tự ti. Không ít người mong muốn loại bỏ chúng càng nhanh càng tốt nhưng do một số điều kiện khách quan, không thể điều trị làm cho tình trạng mụn tăng lên.
Ngoài ra, khi vi khuẩn P.acnes sinh sôi trên bề mặt da gây tổn thương, viêm, dù người bệnh khỏi theo cơ chế tự thân (tức là phản ứng viêm của cơ thể tự lành sau một thời gian) thì tàn tích sau mụn vẫn còn và nếu đợi trứng cá hết, làn da cũng đã bị hỏng. Do đó, mụn trứng cá không tự khỏi nếu không có tác động, không sử dụng thuốc hay biện pháp khoa học để điều trị. Nhưng điều trị không đúng cách cũng khiến lỗ chân lông bị thô và giãn rộng do mụn sẩn tồn tại lâu trong cơ thể.
Vì vậy, đầu tiên, người bệnh cần xác định rõ tình trạng mụn như: mụn vi khuẩn đơn thuần (trứng cá bọc, trứng cá mủ) hay mụn có sự tham gia của ký sinh trùng như Demodex, nấm. Điều này được thực hiện bằng cách xét nghiệm tế bào trên bề mặt da, sau đó, bác sĩ sẽ sử dụng công cụ hỗ trợ chẩn đoán tình trạng hoặc mức độ mụn như máy Visa, máy Demoscope.
Trong quá trình điều trị với bác sĩ hay các chuyên gia da liễu, người bệnh cũng sẽ được áp dụng nhiều công nghệ tiên tiến như hút mụn bằng chân không nhằm loại bỏ dấu vết trên bề mặt da với trứng cá bọc và trứng cá mụn mủ. Đồng thời, máy còn có tác dụng diệt vi khuẩn bằng công nghệ ánh sáng. Ngoài chăm sóc da, lấy mụn, các bác sĩ còn đưa thêm tinh chất, thuốc vào trong bề mặt da qua máy điện di; hay sử dụng thêm công nghệ khác trong quá trình điều trị, giúp mụn giảm viêm tích cực hơn, giảm thâm như: chiếu đèn led, công nghệ ánh sáng laser.
"Công nghệ càng phát triển, các sản phẩm điều trị mụn càng đa dạng. Nhờ đó, bác sĩ cũng là người tìm hiểu trước để giúp người bệnh có phác đồ đều trị chuẩn y khoa và cá thể hóa từng trường hợp", vị bác sĩ nói.
Một trong những phương pháp điều trị mụn được ưa thích nhất hiện nay là công nghệ chăm sóc da lấy nhân mụn kết hợp điện di tinh chất và chiếu đèn led. Sau khi hết tình trạng mụn, bác sĩ sẽ chuyển sang công nghệ khác để làm se khít lỗ chân lông, điều tiết bã nhờn trên da như sử dụng công nghệ lazer YAG để làm giảm sắc tố trên bề mặt da, sử dụng tiếp công nghệ Laser Fractional hoặc RF vi điểm giúp da giảm bớt sẹo lõm, lỗ chân lông se khít và da sẽ láng mịn hơn.
Bác sĩ Chi Phương nhấn mạnh người bệnh không nên áp dụng các liệu pháp dân gian, sử dụng các sản phẩm không rõ nguồn gốc khiến tình trạng mụn trở nên nghiêm trọng, làm cho việc chữa trị sau đó sẽ vô cùng khó khăn. Với từng tình trạng mụn, bác sĩ sẽ có những phương pháp hay loại thuốc khác nhau. Do đó, người bệnh chỉ nên tự điều trị tại nhà khi có hướng dẫn sử dụng cụ thể từ các chuyên gia để có kết quả điều trị dài lâu, giữ được làn da không mụn.
Sau khi điều trị hết mụn, mỗi người vẫn cần tuân thủ theo đơn của bác sĩ; tự chăm sóc da tại nhà bằng cách rửa mặt buổi sáng, bôi thoa dưỡng ẩm; buổi tối cần tẩy tế bào chết, làm sạch da và thực hiện các bước chăm sóc. Bên cạnh đó, duy trì chế độ sinh hoạt khoa học như: ngủ sớm, tránh căng thẳng, tránh sử dụng những thực phẩm kích thích (đồ cay, chiên rán, ngọt, béo...); ăn nhiều rau xanh và uống nhiều nước cũng rất quan trọng. Những thói quen này có ảnh hưởng trực tiếp tới làn da và sức khỏe của cơ thể.
Xem chương trình "Beauty Talk" tập 8 tại đây.
Hải My
BS CK2 Lê Thị Chi Phương hiện là Phó trưởng khoa Khám bệnh tại Bệnh viện Da liễu Hà Nội. Bác sỹ Chi Phương tốt nghiệp bác sĩ chuyên khoa II ngành da liễu tại Đại học Y Hà Nội. Với hơn 15 năm kinh nghiệm trong khám và điều trị các bệnh về da, điều trị da công nghệ cao. BS Phương từng là khách mời tư vấn, chia sẻ kinh nghiệm trong chăm sóc da bệnh lý, thẩm mỹ, chia sẻ các chuyên đề khám và điều trị các bệnh về da trên nhiều báo đài. Ngoài ra, chuyên gia còn tham gia nhiều nghiên cứu, có nhiều bài viết trên các tạp chí như Y học thực hành, Tạp chí Da liễu, tham gia trình bày các bài báo cáo khoa học tại các hội nghị chuyên ngành Da liễu. BS Chi Phương còn là giảng viên cho các khóa đào tạo về laser, đào tạo sinh viên Y khoa các trường Đại học Y học cổ truyền, đại học Kinh doanh và công nghệ. "Beauty Talk" do chuyên trang Ngoisao.net và Tập đoàn Dược mỹ phẩm châu Âu (EUPC Group) phối hợp tổ chức. Chương trình gồm 15 tập, phát sóng mỗi tuần một tập. Qua từng tập, người xem sẽ có được những kiến thức chuyên môn bổ ích về chăm sóc sức khỏe làn da, làm đẹp, với sự tư vấn của các chuyên gia nhiều năm kinh nghiệm đang làm việc tại các bệnh viện đầu ngành ở Việt Nam hiện nay. |