Ông Tạ Hữu Thanh, Phó trưởng chi nhánh miền Bắc của PA thừa nhận đã xảy ra một vài trường hợp tranh chấp giữa nơi bán vé với hành khách. "Chúng tôi kiểm tra lại, thấy lỗi thuộc về trách nhiệm của người bán (không phải là đại lý của PA). Do trên giấy tờ mà hành khách đang giữ có đóng dấu của nơi bán vé nên hãng đã yêu cầu họ đền trả vé khác", ông nói.
Ông cho hay, hiện ở Hà Nội có rất nhiều cửa hàng treo bảng ghi đại lý vé máy bay, nhưng khi có khách tìm đến mới liên hệ tới hãng PA để đặt mua vé. Rất khó quản lý những cửa hàng "đại lý" kiểu này. Khi triển khai vé giá rẻ, PA có rất nhiều mức giá khác nhau. Tương ứng với mỗi mức là những điều kiện kèm theo. Có loại vé, nếu thay đổi lịch trình, hành khách được quyền đổi trước giờ bay 2 giờ, nhưng có loại vé phải đổi trước 24 giờ, cũng có loại vé không được hoàn trả hay thay đổi gì...
Từ giữa tháng 2, PA không dùng vé giấy như bình thường nữa, các đại lý chỉ cung cấp cho hành khách tờ giấy có ghi những thông tin cần thiết. Khi hành khách mua vé, bao giờ nhân viên bán cũng phải khai báo đầy đủ thông tin thì máy tính mới cho phép thực hiện các lệnh tiếp theo, trong đó có những điều kiện đi kèm với loại vé muốn mua.
Theo quy định của PA, nhân viên bán vé phải đọc những điều kiện này cho hành khách nhưng nhiều người không chú ý nghe nên dẫn đến khiếu nại. "Để tránh tình trạng đó, sắp tới chúng tôi sẽ yêu cầu đại lý sử dụng mẫu chuẩn của hãng khi bán vé", ông nói.
Ông cho hay, giá bán phụ thuộc vào sự thỏa thuận giữa người mua và người bán. Nếu giá ghi rõ trên vé là 1 triệu đồng nhưng người mua đồng ý trả cho đại lý 50.000 đồng hay 100.000 đồng để trả phí dịch vụ thì không sao, còn nếu xuất vé mà đại lý cắt bớt, không đưa thông tin giá vào vé thì không được. Dù có tính giá dịch vụ gì đi nữa thì mức tiền (cả vé và dịch vụ) mà nơi bán vé lấy của khách cũng không được quá mức giá trần mà Nhà nước cho phép.
"Tôi khẳng định, các đại lý của PA không bao giờ làm khó khách hàng", ông Thanh nhấn mạnh.
(Theo Thanh Niên)