Ở Ấn Độ, trong số hơn 1 tỷ dân, có tới trên dưới 80% theo đạo Hindu. Ngày “tết năm mới”, của đạo này thường vào khoảng cuối tháng 10 dương lịch, hằng năm có xê xích vài ngày vì sự chênh lệch giữa cách tính “âm lịch'' và ''dương lịch”. Đây cũng là khoảng thời gian có thời tiết đẹp nhất trong năm: đã qua những ngày hè nóng bỏng (45-50 độ C trong bóng râm), nhưng chưa đến những ngày đông lạnh giá. Tết Diwali - hay còn gọi là Tết Ánh sáng - không khác nhiều lắm với cảnh Tết Nguyên đán của ta, mặc dù lễ hội Diwali của bạn có ý nghĩa, nguồn gốc và mang đậm nét văn hóa của đạo Hindu: mọi người cũng náo nức, rộn ràng, cũng mang quà cáp đi tặng nhau, xúng xính quần áo mới và chúc tụng nhau như ở ta.
![]() |
Chúc mừng cô dâu chú rể. |
Thường sau Tết Diwali là mùa cưới của các cặp thanh niên nam nữ. Nói đến lễ tập tục xã hội của người Ấn Độ, có hai điều không thể không nhắc tới đó là chuyện đẳng cấp (caste) và chuyện hồi môn (dowry). Đây là những điều nhức nhối của người dân Ấn Độ mà bao nhiêu năm nay, Nhà nước không tiếc công sức để loại bỏ, nhưng vẫn chưa thể nói là thành công.
Xã hội Ấn Độ chia thành 5 đẳng cấp rõ rệt và thông thường người ta chỉ cưới nhau trong cùng một đẳng cấp. Tận cùng của xã hội là đẳng cấp cùng đinh (được gọi là ''không thể động chạm vào - untouchable caste") và những người này thường chỉ làm công việc dọn vệ sinh, thậm chí chỉ lau nhà cửa chứ không được chạm đến chén bát, nồi xoong. Ra đường, họ chỉ cúi đầu lặng lẽ đi, không dám nhìn hoặc chạm vào một ai.
Còn chuyện hồi môn cũng là một vấn đề lớn, đau lòng. Con gái muốn kiếm được tấm chồng thì buộc phải có một số của cải để mang về nhà chồng sau khi cưới. Hiện tượng khá phổ biến là hai bên gia đình có một cuộc mà cả thực sự về món hồi môn và báo chí Ấn Độ hầu như ngày nào cũng có những tin về “cái chết do hồi môn" (dowry death): Cô dâu về nhà chồng không mang đủ số hồi môn như đã thỏa thuận, bị nhà chồng mắng nhiếc, lên án... và không chịu nổi tủi nhục, cô dâu tự tìm đến cái chết. Tùy theo đẳng cấp xã hội mà tổng số hồi môn nhiều hay ít: có thể là vàng bạc, đá quý, tiền bạc... nhưng cũng có thể chỉ là một cái xe đạp hay một chiếc xe đẩy để bán hàng rong trên đường phố.
Lễ rước dâu của đẳng cấp trung lưu trở lên thì chú rể cưỡi trên lưng voi hoặc lưng ngựa, theo sau là chiếc xe cô dâu do ngựa kéo và những con voi, con ngựa này được trang trí bằng nhiều loại thảm, khăn sặc sỡ (những công ty dịch vụ đám cưới đều rất sẵn những thứ này). Còn lớp nghèo thì chú rể cưỡi một con la, cô dâu đi sau trên một chiếc xe bò cũng do một con la kéo. Trước khi cưỡi, cả hai bên gia đình phải nhờ một người cao tuổi hoặc một pháp sư trong đạo xem "lý lịch" của cô dâu chú rể: có cùng đẳng cấp hay không, có họ hàng dây mơ rễ má gì không, có môn đăng hộ đối hay không... Đương nhiên là phải chi một khoản tiền nhỏ cho “thầy” và trong... trường hợp hai bên đã “phải lòng nhau” thì chi trước cho “thầy” một ít tiền để thầy phán cho... đúng yêu cầu!
![]() |
Ở Ấn Độ, người ta thường chỉ kết hôn với người cùng đẳng cấp. |
Người Ấn Độ khi mừng đám cưới, không có mục “phong bì” như ở ta. Họ cài những đồng tiền mới trên một chiếc quạt cho mọi người nhìn thấy và không bao giờ mừng số tiền chẵn! Chẳng hạn định mừng 100 rupi thì bao giờ cũng là 105 hoặc 112 rupi, với ước mong cho cô dâu chú rể được... thừa thãi! Đám cưới cũng có mục ăn uống, rượu chè... nhưng trước đó phải là mục cầu kinh trong khoảng một tiếng.
Nhiều người ở các quốc gia khác thường thắc mắc: con gái Ả Rập lúc nào cũng che khăn kín mặt như vậy, mấy cậu thanh niên biết đường nào mà... ngắm nghía xem đẹp hay xấu để “tìm hiểu”?
Trước hết, nên phân biệt hai loại quốc gia theo đạo Hồi. Một loại tương đối phóng khoáng hơn, như tại các thủ đô Cairo (Ai Cập), Damascus (Syria), Beirut (Lebanon), con gái ít che mạng mặt, có chăng chỉ những người có tuổi. Một loại quốc gia Hồi giáo rất... nghiêm khắc, như Kuwait, Các Tiểu Vương quốc Ả Rập (UAE), Lybia, Saudi Arabia thì đúng là ra đường “chẳng biết ai đẹp ai xấu”.
Một nhà báo Ả Rập giải thích: “Cũng không khó khăn lắm để được chiêm ngưỡng dung nhan của các cô gái đâu! Nếu hai người đã có cảm tình, thương nhau (qua ánh mắt, qua bạn bè giới thiệu) thì sẽ có lúc nào đó, cô gái ''lỡ” kéo cái khăn trùm ra để... lau mặt hoặc uống nước chẳng hạn! Tất nhiên phải là lúc không có ai ngoài cậu thanh niên kia ra và cũng chỉ đến mức đó thôi!”. Mùa cưới của thanh niên nam nữ Ả Rập thường diễn ra sau tháng lễ Ramadan (năm nay, từ ngày l5/10 đến 15/11 dương lịch), một lễ hội quan trọng nhất của những người theo đạo Hồi.
Cũng vì cái khăn che mặt này nên một đám cưới ở Kuwait hay Dubai... bao giờ cũng được tổ chức cùng lúc tại hai khách sạn 5 sao. Khách nam giới được mời riêng, khách nữ giới được mời riêng (để các bà, các cô còn được bỏ khăn trùm ra mà ăn cho thoải mái!).
Một lần, PV Người Lao Động được mời đi dự một đám cưới ở vùng nông thôn của Syria, cũng được “ngồi riêng” với các vị khách nam giới. Bắt đầu ăn uống được một lúc thì đến mục "cô dâu chú rể ra chào” (đương nhiên cô dâu choàng khăn kín từ đầu đến chân). Họ cũng chẳng đến từng bàn như ở ta, mà đứng một chỗ, chắp tay vái chào, rồi đưa nhau... vào buồng kế bên! Một lúc sau, chú rể hân hoan mang "tấm vải hạnh phúc'' ra khoe với mọi người với dấu vết chứng minh rằng cô gái vẫn giữ nguyên trinh tiết được đến hôm nay! Đó mới là lúc vui nhất của đám cưới: Mọi người vui mừng, cụng ly, các ông sui gia ôm lấy nhau, nhảy múa.
Nếu điều xảy ra không được như ý muốn mà hai đứa trẻ thương nhau thực sự thì chúng không thiếu gì cách để “tạo ra kết quả”. Còn nếu như chúng không thương nhau, chàng rể sẽ “trả lại” ông bố vợ ngay tại tiệc cưới và ông bố vợ sẽ chỉ có một việc là đưa con gái “hư hỏng” kia về nhà để... treo cổ nó lên. Pháp luật không can thiệp việc này. Đây là một vấn nạn trong xã hội các nước đạo Hồi, nhất là ở nông thôn, vùng sâu vùng xa... mà chưa làm thế nào khắc phục được.