Mỗi ngày, khoa phẫu thuật thần kinh đón 5 -10 người bị chấn thương sọ não. |
Chị Quyên cho biết, khi va chạm với ô tô, anh Hoàng Thế Cử - chồng chị Quyên - ngã văng ra khỏi xe và đập đầu xuống đường. Mũ bảo hiểm vỡ và văng ra khỏi đầu. Chiếc ô tô đi ngược chiều có tốc độ cao (có thể tới 80 km/h) nên khi va chạm đã gây chấn thương nặng. "Ngoài ra, không loại trừ mũ không đạt chất lượng, là hàng giả, hàng nhái... dù chiếc mũ chồng tôi mua mang nhãn hiệu Amoro, giá 120.000 đồng", chị Quyên nói.
Theo VnExpress, trường hợp anh Cử cũng giống nhiều người bị tai nạn giao thông phải điều trị tại khoa phẫu thuật thần kinh. Người nhà họ cho biết, dù đã đội mũ bảo hiểm khi đi xe máy song vẫn bị tổn thương vùng đầu. Theo bác sĩ Lý Ngọc Liên, Trưởng khoa phẫu thuật thần kinh, số lượng ca cấp cứu chấn thương não tại khoa trong tháng 8 chưa giảm so với tháng trước. Khoa vẫn thường xuyên bị quá tải, người bệnh nằm kín 35 giường và thêm 7-10 cáng. Theo bác sĩ Liên, bệnh viện không thống kê được số người có đội mũ bảo hiểm khi bị tai nạn, nhưng có thể chất lượng mũ bảo hiểm chưa đạt yêu cầu.
Số liệu thống kê của bệnh viện Việt Đức còn cho thấy, số người cấp cứu tại viện do tai nạn giao thông nửa đầu tháng 8 là hơn 600, tăng 30 người trong cùng thời gian tháng 7.
Theo tiêu chuẩn Việt Nam, mũ bảo hiểm phải đảm bảo các thông số như: nặng dưới 1,5 kg (loại che cả hàm), dưới 1 kg (mũ che đầu, tai, che nửa đầu); bề mặt phía ngoài của vỏ cứng và các bộ phận kèm theo phải nhẵn, không có vết nứt hoặc gờ cạnh sắc. Mũ phải chịu được va đập và hấp thụ xung động, gia tốc dội lại khi bị va đập không quá: 2.942 m/s (gia tốc tức thời). Kết cấu mũ phải đảm bảo tầm nhìn của người đi xe máy trong khi sử dụng: góc nhìn bên phải và bên trái mũ không được nhỏ hơn 105 độ. Kính chắn gió không được gây ra sự sai khác về hình ảnh, không gây ra nhầm lẫn giữa các mầu trên biển báo và đèn tín hiệu. |
Theo một số chuyên gia ngành giao thông, khi phương tiện chạy với tốc độ cao, va chạm mạnh thì mũ bảo hiểm chỉ giảm được phần nào chấn thương vùng đầu chứ không thể an toàn tuyệt đối. Theo một chuyên viên của Trung tâm quản lý chất lượng, Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng, mũ bảo hiểm theo tiêu chuẩn Việt Nam sản xuất cho xe máy đạt tốc độ 60 km/h, nếu khi vận hành mà bị ngã thì không ảnh hưởng. Song khi bị xe khác va chạm mạnh, lực xuyên thủng tăng cao thì mũ vỡ hay chấn thương là khó tránh. Vả lại, mũ bảo hiểm tuân thủ theo tiêu chuẩn Việt Nam có thể bị vỡ khi va chạm. Nếu mũ cứng quá để không thể vỡ thì sẽ ảnh hưởng tới sức khỏe người dùng.
Tuy nhiên, không loại trừ nhiều loại mũ bảo hiểm chưa đạt yêu cầu bởi thị trường mũ đang bị thả nổi. Tổng cục tiêu chuẩn đo lường chất lượng cho biết, thời gian tới sẽ kiến nghị Bộ Khoa học Công nghệ cho phép cơ quan quản lý nhà nước dán tem kiểm định chất lượng hàng hóa cho mũ bảo hiểm, thay vì hiện nay doanh nghiệp sản xuất tự dán tem cho sản phẩm của mình.