Những người sử dụng mũ bảo hiểm thường để mũ ngoài xe, sau đó lại đội vào, điều này càng làm tăng tình trạng nhiễm trùng da đầu do trong mũ bảo hiểm có phần xốp mềm rất dễ bị bám bẩn.
Từ khi có quy định toàn dân đội mũ bảo hiểm, số bệnh nhân đến Bệnh viện (BV) Da liễu TP HCM để khám những bệnh liên quan đến nấm tóc và da đầu tăng đáng kể. Tình trạng này nếu không được khắc phục sớm sẽ ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe và thẩm mỹ. Ngoài ra, việc sử dụng chiếc khẩu trang cũng cần phải lưu ý vì có thể mắc những bệnh hô hấp từ dụng cụ chắn bụi này.
Tại Khoa Khám bệnh BV Da liễu, có nhiều bệnh nhân đến khám bệnh vì gần đây họ thấy trên đầu có nhiều gàu, ngứa... Anh L., 28 tuổi, nhà ở Củ Chi, TP HCM, sau khi đến khám tại BV Da Liễu được bác sĩ chẩn đoán bị nấm tóc, nhiều gàu và rụng nhiều tóc do đầu luôn ẩm và bụi.
Bác sĩ khuyên anh nên cắt tóc ngắn để dễ hong khô sau khi gội và tuyệt đối không đội mũ bảo hiểm khi đầu còn ướt. Bác sĩ cũng khuyên những bệnh nhân nên giặt mũ bảo hiểm thường xuyên, sử dụng lớp lót bên trong mũ để tóc không tiếp xúc trực tiếp với lớp xốp của mũ rất dễ bám bụi và giữ đầu tóc khô thoáng.
Bác sĩ chuyên khoa da liễu Hồ Xuân Vương khuyến cáo, việc đội mũ bảo hiểm thường xuyên mỗi ngày dễ tăng tiết bã nhờn, tăng tình trạng đổ mồ hôi và đây chính là điều kiện cho gàu và nấm da đầu phát triển.
Nếu bệnh nhân có bệnh viêm nang lông, vẩy nến, á sừng thì việc đội mũ bảo hiểm sẽ làm tăng nguy cơ nhiễm trùng, gây ngứa da đầu thường xuyên, rất bất tiện trong sinh hoạt thường ngày. Chưa kể, đối với những bệnh nhân có cơ địa dị ứng thì sẽ bị nổi mẩn đỏ vùng trán và vùng cằm do tiếp xúc với quai nón. Vì vậy vấn đề làm vệ sinh mũ bảo hiểm là rất quan trọng.
Ngày nay, tại đô thị lớn với nhiều khói bụi như TP HCM, nhiều người đã tạo cho mình thói quen mang khẩu trang khi đi ra đường. Tuy nhiên, hầu hết mọi người chỉ muốn đeo khẩu trang để tránh nắng mà chưa ý thức được việc phòng những bệnh lây lan qua đường hô hấp nên sử dụng khẩu trang chưa đúng cách.
Theo bác sĩ Trần Trọng Uyên Minh, Khoa Mũi xoang BV Tai Mũi Họng, TP HCM, việc đeo khẩu trang là cách ngăn ngừa khá tốt sự phóng thích vi trùng còn hoạt tính lây lan, tuy nhiên những loại khẩu trang thông thường được bán nhiều ngoài đường chỉ có tác dụng che nắng. Những khẩu trang này chỉ chắn được những loại bụi lớn, còn những bụi nhỏ, virus hoặc hóa chất vẫn có thể đi vào đường thở. Khi đeo khẩu trang bình thường, có nhiều lỗ lưới trống, không khí tự do ra vào cũng chẳng khác gì không đeo; chưa nói đến khoảng hở giữa khuôn mặt và khẩu trang. Khẩu trang loại này là cái cửa rộng mở cho virus ra vào tự do.
Ở những vùng nhiệt đới như Việt Nam, một động tác đưa tay lên gãi, hay trở mặt ngoài của khẩu trang vào bên trong đã có thể đưa thẳng tác nhân gây bệnh vào cơ thể ngay tức thì nếu tay chúng ta nhiễm các loại virus có khả năng lây lan. Đối với những người đang mắc bệnh cảm hay sổ mũi, khi đeo khẩu trang sẽ làm chất dịch dính ở khẩu trang, sau đó tiếp tục sử dụng lại sẽ làm vi khuẩn gây bệnh tiếp tục lưu thông trong người sẽ làm bệnh lâu khỏi.
Cách sử dụng khẩu trang tốt nhất, theo bác sĩ Uyên Minh là nên giặt mỗi ngày, vì vậy cần có nhiều cái để thay đổi. Ngoài ra, người sử dụng nên phân biệt rõ mặt nào áp vào mũi và mặt nào đưa ra ngoài để tránh tình trạng hít bụi, vi khuẩn bám ở mặt bên ngoài khẩu trang.
(Theo Người Lao Động)