"Tôi mua mũ đúng vào lúc thị trường đang lên cơn sốt trước giờ G (ngày 15/12), cũng biết là có thể bị đắt hơn một chút, nhưng không thể ngờ được vài ngày sau giá mũ Hamin lại giảm thê thảm như thế này. Giá giảm quá nhanh và mạnh khiến tôi cảm thấy như mình bị lừa và lo rằng mình đã mua phải một chiếc mũ không đảm bảo chất lượng", anh Quân cho biết.
Chỉ một ngày sau thời điểm quy định bắt buộc phải đội mũ bảo hiểm khi ngồi trên xe máy đi vào cuộc sống, giá của rất nhiều loại mũ bảo hiểm bắt đầu hạ nhanh chóng và có sự chênh lệnh khá lớn giữa các cửa hàng kinh doanh, tùy vào sự thương lượng giữa khách hàng và người bán.
![]() |
Người bán mũ nhiệt tình ra tận đường thử mũ cho khách. Ảnh: Hoàng Hà |
Tại một cửa hàng mũ trên đường Láng, không còn cảnh người mua chen chúc nhau chọn mũ, giơ lên cho người bán xem rồi hét giá, người mua chỉ việc trả tiền như mấy ngày trước nữa. Một bác trung niên chậm rãi lựa một chiếc mũ Helmet lên, bà chủ hàng đon đả: "Trăm rưởi bác ạ! Loại này đang đắt hàng lắm!". Bác khách hàng lật qua lật lại xem xét, tỏ ý chê điểm này điểm khác. Bà chủ quán tỏ ra rất "biết điều": "Bác cứ xem đi, rồi giả vài câu, lãi vài nghìn là em bán ngay, không bán đắt đâu mà bác sợ".
Hầu hết các loại mũ giảm giá là mũ nội địa, sản xuất trong nước như Amoro, Pjico, HTL, Nasa, Napoli, Star, Star Helmet; Sufat... giá giảm từ 20.000 đến 50.000 đồng một chiếc. Những loại mũ này ngay trước thời điểm 15/12 giá cũng không đồng nhất ở tất cả các đại lý và đối tượng khách hàng thường là những người có thu nhập trung bình, không đủ điều kiện để mũ những loại mũ bảo hiểm cao cấp thương hiệu đã được khẳng định. Tên các loại mũ này cũng thường xuyên "ra, vào" các danh sách công bố không đạt tiêu chuẩn chất lượng của các cơ quan kiểm định.
Theo một người trong ngành sản xuất và kinh doanh mũ bảo hiểm, sự giảm giá đột ngột của các loại mũ này đã được tiên đoán trước. Trước giờ G, nhiều hãng mũ nội địa lao vào sản xuất tích trữ mũ và chất chật cứng trong các kho, giá bán cũng được "cân đối" với những hãng khác để có thể vừa thu hút nhiều người mua, vừa có lãi cao nhất. Nhưng sau giờ G, khi mà hầu hết mọi người dân đều đã phải có ít nhất một chiếc mũ cho riêng mình, thì số mũ còn lại trong kho sẽ phải được "giải quyết", và cách nhanh nhất là giảm giá thật mạnh.
Trái ngược hẳn với các loại mũ trên, một số hãng mũ có thương hiệu và uy tín như Protec, Honda vẫn bán mũ với giá không đổi. Anh Hoàng Anh, Giám đốc Truyền thông của Protec, cho biết: "Đến tận thời điểm này, chúng tôi vẫn sản xuất theo đơn đặt hàng từ tháng 9, bởi vậy sự bão hòa của thị trường không hề ảnh hưởng đến chúng tôi. Protec không có chính sách giảm giá, ít nhất là từ nay đến Tết Âm lịch. Chúng tôi chỉ khuyến mại giảm giá 10-20% cho những mẫu mũ mới ra mà thôi".
Anh Hoàng Anh cũng cho biết, có thể sau Tết, giá mũ sẽ giảm dựa trên giá thành nguyên vật liệu và nhân công giảm vì thị trường qua thời điểm sốt. Những hãng đang bán tống bán tháo sản phẩm của mình khi thị trường hết sốt thể hiện sự "ăn xổi" trong kinh doanh. Bất cứ nhà sản xuất kinh doanh thực thụ nào cũng biết rằng thay đổi giá cả liên tục không bao giờ là một điều tốt.
"Khi thị trường bão hòa, tính cạnh tranh lại càng cao nên tới đây, chúng tôi sẽ chú trọng vào sản xuất những loại mũ cao cấp hơn hẳn, giá thành có thể từ 500.000 đến 1.000.000 đồng một chiếc. Loại mũ này sẽ làm theo đơn đặt hàng riêng của khách, với những họa tiết thể hiện cá tính độc đáo của từng người mua... Tôi nghĩ rằng các hãng tên tuổi khác cũng sẽ có những cách làm tương tự để cạnh tranh, chứ không phải giảm giá", anh Hoàng Anh nói.
Ngọc Hà