Ngò Gai
Tết đến, cả nhà tụ họp đầy đủ. Bố mẹ tôi sống ở Hà Nội, các dì các cậu phần lớn chưa lập gia đình có đi "thoát ly" cũng về cả. Ông bà còn khỏe, năm nào cũng gói bánh chưng, nấu thịt đông, gói giò thủ, kho cá. Có "đói quanh năm, cũng phải no 3 ngày Tết mà", ông bảo vậy. Vui không tả được, chị em tôi là cháu sớm nên được ông bà và cả nhà rất cưng chiều. Bây giờ nhớ lại, thì theo cách tính của chị em tôi Tết bắt đầu từ khi chị em tôi đặt chân về đến nhà ông bà (thường là 25, 26 tháng chạp) cho đến hết ngày mồng 3 Tết, khi bà và các dì nấu món cá chuối nấu rau cần với bún.
Chắc chắn các bạn sẽ ngạc nhiên rồi vì món đó đâu gọi là món ăn ngày Tết nhưng với tôi, nó mãi mãi là món Tết ngon nhất trên đời này. Giờ đây, bà ngoại tôi đang bệnh nặng, tôi càng nhớ bà và nhớ món ăn bình dị mà ngọt ngào này của bà.
Bà bảo ăn Tết có đủ thịt cá và đồ nếp trong bụng rồi nên đến ngày mồng 3 Tết làm cơm tiễn đưa các cụ phải có món canh bún mời các cụ trước, sau là cho các cháu ăn mát ruột.
Trước Tết, khi trong làng tát ao bắt cá, bà sẽ đi lựa mua khoảng chục con cá chuối. Đây là loại cá mà trong Nam gọi là cá lóc nhưng vì là cá sống tự nhiên dưới đáy ao và thời đó người ta chỉ cắt cỏ thả xuống cho cá ăn (chứ không có các loại cám công nghiệp) nên nó nhỏ lắm chỉ bằng cổ tay của đứa trẻ như tôi thôi, nhưng thịt cá rất chắc và thơm. Rồi bà mang về, thả vào cái chum để cho mấy ngày nó sạch ruột.
Đến ngày mồng 3, chị em tôi rất hứng khởi dậy sớm để chạy ra đình làng xem họp chợ. Thực ra không phải là chợ, mà chỉ là chốc lát sớm mai mọi người trong làng mang thực phẩm của nhà ra bán để lấy khước may đầu năm nên đồ bán hàng đơn sơ lắm: mấy bó rau tươi mới hái, mấy rổ táo trái xanh xanh lẫn vàng ương và đặc biệt là những thúng bún mới làm nóng rực bàn tay.
Làng tôi nghèo, đất hẹp nên có nhiều nghề phụ, một trong những nghề đó là làm bún. Bún để ăn hay để bán cho người trong làng thì không cần làm hàng nghĩa là trông thì xấu mã hơn vì không trắng nõn nà mà lại sẫm màu hơn một chút vì nó được xay từ gạo quê nguyên chất nhưng đó mới là thứ bún ngon nhất, sạch nhất và thơm nhất mà tôi từng ăn. Bà sẽ mua một vài mớ rau cần có cái cọng trắng muốt và cực kỳ xanh tươi do mới hái, thêm một cái rổ con con đựng bún. Chỉ thế thôi, rồi bà cháu dắt nhau vui vẻ đi về.
Bà đổ cá trong chum ra cái rổ tre, bỏ thêm nắm muối hạt cho sạch nhớt. Rửa sạch cá xong, bà cho vào trong cái nồi gang lớn và bắc lên bếp luộc. Tôi nhớ cái bếp mái tranh của bà lắm, làn khói từ bếp đun bằng rạ lúa bốc lên một màu khói lam tuyệt đẹp. Nó cuốn mình với nhiều hình thù kỳ ảo trong cái lành lạnh và làn mưa mỏng manh của xuân mới. Cá dỡ ra, bà và các dì lóc thịt, còn xương cá đem ra giã nhuyễn, lọc lấy nước. Nước đó nấu cho sôi bùng lên, nêm vừa ăn rồi thả rau cần cắt ngắn- thịt cá và bún vào….
Năm nay tôi đã 36 tuổi, đi nhiều và cũng được ăn nhiều nhưng cái vị ngọt của nồi canh bún cá bà nấu thì không gì so bì nổi. Đôi lúc thèm quá, tôi cũng ra chợ mua đồ về nấu nhưng sao không tìm thấy cái vị thơm ngon đặc biệt kia. Nồi canh bà nấu không có mì chính hay bất kỳ thứ gia vị nào, chỉ là cá sống trong ao, rau mọc ngoài ruộng, bún làm từ những hạt gạo mới mộc mạc nhưng sao ngon ngọt và thơm thế! Nước canh ngọt lịm, ngọt của cá, của rau, của tình bà cháu thân thương. Màu xanh của rau cần lẫn với màu trắng của bún khiến cái miệng cái mắt thấy thèm vì mấy ngày Tết qua chỉ thấy thịt cá và đồ nếp. Ông bà sẽ múc lên một bát cúng các cụ, rồi sẽ ưu tiên múc cho chị em tôi mỗi đứa một tô. Tôi hít một hơi lấy cái mùi thơm ngon, mát ngọt và ăn sạch sành sanh. Ăn xong, mồ hôi có khi vã ra giữa khí trời se lạnh, nhưng mà thấy tỉnh táo và cái bụng êm ru, không còn réo rắt vì thiếu rau xanh nữa.
Món ăn của bà ngoại tôi không phải là món ăn Tết nhưng thành lệ, năm nào ngày mồng 3 bà cũng làm thành ra trong trí óc tuổi thơ tôi, Tết là phải có món đó. Sau mấy ngày no nê với những thức ăn truyền thống, đến lúc được ăn một bát canh bún nóng hổi có rau xanh, cá tươi thì quả thực vừa bổ dưỡng, vừa ngon miệng. Đúng là ẩm thực phải ăn đúng lúc, đúng kiểu và quan trọng nhất là nó phải chứa đựng tình cảm trong đó.
Bao năm trôi qua, tôi đã trưởng thành và cuộc đời thay đổi nhiều khiến cả chục năm tôi không được về quê ăn Tết. Ông ngoại tôi đã mất gần tròn 9 năm. Giờ đây, bà ngoại tôi 89 tuổi và cũng đang bị mệt. Tôi ở xa lắm, nghe tin bà rồi khóc và Tết đến thì nhớ thương bà vô cùng. Tôi cầu mong cho bà mạnh khỏe để sang năm nhất định mẹ con tôi sẽ về mừng bà thượng thọ bà.