Cụ thể, như tháng năm âm lịch, một số lịch treo tường và để bàn in là tháng đủ (có đủ 30 ngày âm lịch), một số lịch lại in là tháng thiếu (chỉ có 29 ngày âm lịch).
Theo ông Trịnh Tiến Điều, trưởng Ban lịch nhà nước, ngày âm lịch và dương lịch chính thức của VN dùng theo các bản lịch bloc. Đây là số liệu đúng, do Ban lịch nhà nước công bố, áp dụng chính thức trên toàn quốc trong tất cả hoạt động liên quan đến thời gian: ngày, tháng, múi giờ... Còn những sai biệt là có thể do những người làm lịch tờ đã lấy từ những nguồn khác, không phải nguồn của Ban lịch nhà nước.
Nhiều người dân nêu dẫn chứng việc tính tháng âm lịch đủ và thiếu khác nhau giữa một số lịch tờ, trong đó có bản lịch VN, lại giống như lịch của Trung Quốc. Điều này được lý giải rằng việc tính ngày tháng dương lịch và âm lịch của mỗi quốc gia căn cứ trên múi giờ chính thức của quốc gia đó. VN chọn múi giờ GMT+7 nên Ban lịch nhà nước căn cứ theo đây để tính và công bố số liệu về lịch âm và lịch dương.
Do đó, hiện nay có một số lịch âm của VN đang sai biệt so với các loại lịch của Trung Quốc, Đài Loan cũng là bình thường vì những nơi này tính lịch căn cứ vào múi giờ khác VN. Ví dụ như đến năm tới, VN và Trung Quốc sẽ ăn tết chênh nhau một ngày.
Đây là việc bình thường giữa các quốc gia, tuy nhiên các số liệu in trên lịch VN nên lấy thống nhất từ một nguồn là Ban lịch nhà nước, như thế sẽ hạn chế những sai sót như hiện thời.
(Theo Tuổi Trẻ)