Theo thống kê của Phòng CSĐT tội phạm về TTXH, Công an TP Cần Thơ, từ năm 2006 đến nay, toàn thành phố xảy ra 24 trường hợp trẻ em bị xâm hại tình dục. Riêng huyện Cờ Đỏ, từ đầu năm 2007 đến nay đã có 7 vụ. Điều này cho thấy tình trạng trẻ bị xâm hại tình dục đã đến hồi báo động.
Một trong những nguyên nhân dẫn đến thực trạng đau lòng này lại chính là do gia đình thiếu quan tâm, chăm sóc các em. Trường hợp của em Ng. ở ấp Thới Hữu, xã Đông Hiệp, huyện Cờ Đỏ là một ví dụ.
Nhà nghèo, ba mẹ Ng. đi làm ăn xa, để em lại nhà với bà nội. Bà nội đã già yếu, lại phải lao động kiếm sống nên hằng ngày Ng. được những người hàng xóm chăm sóc.
Trần Văn Phước ở gần nhà thường dụ dỗ em sang nhà chơi rồi một hôm hắn đã thực hiện hành vi đồi bại. Mỗi lần qua nhà, em Ng. được Phước cho 500 đồng mua kẹo ăn. Khi gia đình phát hiện ra sự việc thì Ng. đã bị tên Phước xâm hại tình dục 5 lần. Lúc ấy, Ng. chỉ là một đứa trẻ chưa tròn 4 tuổi.
Thương tâm hơn nữa là trường hợp của em L., 3 tuổi, ở ấp Thới Phước, xã Thới Đông, huyện Cờ Đỏ. Ba mẹ em thường vắng nhà đi làm thuê kiếm sống. L. ở nhà với ông bà ngoại.
Sát vách nhà em là nhà của Lâm Văn Tâm, 15 tuổi. Lợi dụng những lúc không có người lớn ở nhà, tên Tâm rủ em L. qua nhà chơi và thực hiện hành vi giao cấu với em. Hôm gia đình biết được chuyện thì Tâm đã nhiều lần giao cấu với L.
Còn chị H. ở phường Trường Lạc, quận Ô Môn mãi đến giờ vẫn không sao bình tâm lại được mỗi khi nhớ lại chuyện đau lòng xảy ra với con gái mình. T. (12 tuổi), con gái chị H. và Phi là người ở cùng xóm có quan hệ họ hàng với gia đình chị. Nhiều lần vào buổi trưa, chị H. đi làm cỏ mướn về đến nhà thấy cửa đóng, vào nhà thấy con gái đang ngồi cùng Phi trên võng.
Vào khoảng tháng 10/2006, thấy con gái thường mệt mỏi, làm việc thì lơ đễnh, gặng hỏi mãi T. mới kể lại mọi chuyện cho chị nghe. T. và Phi bị ảnh hưởng từ những cảnh phim có nội dung không lành mạnh. Những lúc không có người lớn ở nhà, T. và Phi đã nhiều lần thử "làm người lớn" như trong phim. Ngay sau khi biết được sự thật đau lòng của con gái, vợ chồng chị H. đã báo cho công an và tổ trưởng khu vực.
Nhưng vì lo sợ con sẽ đau buồn, xấu hổ, và cũng để giữ tiếng cho 2 gia đình vốn có họ hàng thân thuộc, hai gia đình bưng bít sự việc cho đến năm 2007.
Trong một lần cự cãi, gia đình T. đưa đơn kiện vạch mặt "yêu râu xanh" và UBND phường Trường Lạc đã trình báo sự việc lên cấp có thẩm quyền để giải quyết theo luật pháp.
Ông Nguyễn Văn Dũng, Trưởng ấp Nhơn Phú, xã Nhơn Nghĩa, huyện Phong Điền cho biết: "Khi sự việc xảy ra, gia đình hai bên tự thỏa thuận với nhau để giải quyết nội bộ, đã gây khó khăn cho chính quyền địa phương khi giải quyết hậu quả".
Vì đây là một vấn đề tế nhị nên nhiều gia đình có các em bị xâm hại tình dục đã tìm đến biện pháp tiêu cực: Chuyện lớn cố làm thành chuyện nhỏ, đến khi sự việc vỡ lở mới quyết định nhờ đến sự can thiệp của luật pháp.
Nhưng dù bằng cách nào đi chăng nữa thì các em vẫn là những đối tượng phải chịu nhiều tổn thương cả về mặt thể chất lẫn tinh thần. Nó trở thành nỗi đau dai dẳng đối với bản thân các em và gia đình.
Chị H. nói với giọng buồn buồn: "Từ lúc xảy ra sự việc đến giờ, tinh thần T. giảm sút thấy rõ. Nhiều đêm nhớ lại chuyện xảy ra với con, nghĩ đến tương lai sau này của con là tôi lại khóc. Bao nhiêu câu hỏi cứ giằng xé trong lòng tôi: Liệu sau này con mình có lập gia đình được không? Có ai chịu cưới con mình không? Làm sao để con mình có thể trở lại nét hồn nhiên, vui tươi như trước". Nói đến đây, mặt chị H. đã nhòe nước mắt.
Trẻ bị xâm hại tình dục không những bị tổn thương nặng nề về thể chất mà nó còn là nỗi ám ảnh ghê sợ có thể theo các em suốt cả cuộc đời. Vì vậy, không gì hơn là cha mẹ và người thân trong gia đình phải lưu tâm đến trẻ, đặc biệt là những mối quan hệ với người khác giới, hàng xóm để ngăn chặn kịp thời những người lớn hơn có hành vi thân mật, gần gũi không bình thường đối với trẻ.
Bên cạnh đó, các đoàn thể ở địa phương cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến Luật bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em cho từng gia đình; tăng cường công tác phổ cập và giáo dục giới tính đến tất cả các lứa tuổi, học sinh trong trường học; hướng dẫn các em biết cách tự phòng chống, tự bảo vệ bản thân.
Vấn đề giáo dục giới tính trong nhà trường nên kết hợp với công tác tuyên truyền xâm hại tình dục cần được phổ biến tới các em học sinh để các em tự có ý thức phòng tránh; không để trẻ ở nhà một mình nếu đi vắng thì phải có người thân chăm nom.
Khi sự việc xảy ra, các gia đình phải mạnh dạn tố cáo. Những đối tượng xâm hại tình dục trẻ em cần đưa ra xét xử lưu động, nhằm răn đe trong cộng đồng.
(Theo Công An Nhân Dân)