Chiều 12/10, trở lại tìm hiểu tình hình “chợ vợ” ở phường 8 quận 11, trưởng Công an phường Trần Văn Khánh khẳng định: “Mấy năm trước thì nhiều nhưng năm vừa rồi chúng tôi ra quân dẹp 95%, đến nay đã dẹp được 99% rồi. Không tin thì đi xem thử”. Tại công viên Lãnh Binh Thăng, những người dân xung quanh công viên cho biết ngược lại: “Nhiều lắm! Bây giờ các cô ấy hoạt động không rầm rộ như trước đây mà kín đáo, tinh vi hơn”.
Vừa nói xong, một chiếc xe ôm chở 3 cô gái chạy tới đỗ xịch bên dãy nhà đóng cửa đối diện công viên, bà con chỉ kịp nói “tụi nó đó” rồi lảng vào nhà vì sợ… liên lụy!
Khoảng 11 giờ trưa hôm sau, đến chợ Lãnh Binh Thăng, chỉ mới nhìn lướt qua đã thấy nhóm 5 cô gái choai choai, khoảng 16-17 tuổi, mặc quần jean wash, áo màu sặc sỡ, đội nón kết trắng ngồi đung đưa chân trên những sạp tạp hóa bị bỏ trống như đang chờ ai.
Một số tiểu thương buôn bán trong chợ kể, do quận có chủ trương thay đổi công năng chợ, lấy lại mặt bằng nên nhiều chủ sạp nghỉ bán. Những sạp bỏ trống nhanh chóng trở thành “trạm chờ” của các cô gái chuẩn bị ra mắt các ông Đài Loan, trong đó có nhiều cô rất trẻ, mặt mũi non choẹt, mặc quần áo sặc sỡ nhiều màu, nhìn là biết dân quê mới lên.
Theo lời các cựu chiến binh hay tập thể dục buổi sáng, các cô gái còn thường được “tập kết” tại trước cổng Trường Tiểu học Lạc Long Quân (đoạn giáp ranh giữa phường 8 và phường 12, quận 11). Lúc thì các cô được đưa đến bằng vài chiếc xe ôm, lúc thì đi bằng xe Toyota 12 chỗ ngồi. Từng tốp 2- 4 người chờ dẫn đi coi mắt.
Cô Nguyễn Thị Nga, ở tỉnh Đồng Tháp, là người thường xuyên được đưa đến đây đến nỗi người dân khu phố cũng quen mặt, kể với PV Sài Gòn Giải Phóng: “Em 17 tuổi, ở Sài Gòn gần một năm rồi, ngày nào cũng được chở đi hết chỗ này đến chỗ nọ nhưng vẫn chưa được ai chọn”. "Vậy thời gian qua em ở đâu?”, "Em không biết địa chỉ, khi nào mấy chú xe ôm thả em vào đúng hẻm đó thì em biết đường vào nhà. Đến nhà, leo lên gác, ăn, ngủ và lại đi cho khách chọn”. “Sao lâu vậy mà chưa tìm được chồng hả em?”, “Họ chê em… ốm!”, “Là sao?”, “Chị không biết đâu, mấy ổng bây giờ khó tính lắm. Nhiều ông còn bắt tụi em chỉ mặc áo ngoài để dễ kéo áo lên cho ổng coi!”, “Lâu không được chọn, sao em không về quê?”, “Em và mẹ giấu ba em, nói là em lên đây làm công nhân may. Giờ em cũng muốn về lắm nhưng không có tiền trả nợ cho chủ, vả lại về cũng mắc cỡ với bạn bè, đành phải chờ, biết đâu…”.
Đó chỉ là một trong số những cô gái chân lấm phèn chịu khổ vì theo đuổi ước mơ chồng ngoại. Không chỉ riêng ở quận 11 mà ở khu vực đường Aâu Dương Lân, phường 4 quận 8, công viên An Bình, quận 5… cũng là nơi “tập kết” của rất nhiều cô gái chờ “chào hàng”. Tương lai nào sẽ chờ đợi các cô hay chỉ là những số phận dở dang nơi đất lạ quê người...
Môi giới hôn nhân với người nước ngoài, đặc biệt là với người Đài Loan, có lẽ là lĩnh vực “ngon ăn” nên ngày càng nhiều doanh nghiệp cũng tham gia vào “thị trường”.
Mặc dù đã đăng ký giảm ngành kinh doanh môi giới kết hôn với người nước ngoài theo đúng quy định của pháp luật, thế nhưng trên thực tế không ít doanh nghiệp vẫn lén lút hoạt động với các phương thức tinh vi.
Công ty TNHH Việt Phước (trụ sở chính tại 27 Trần Hưng Đạo B, quận 5) và Công ty TNHH Minh Huy Hoa Sen (91/2-7-6 Sư Vạn Hạnh nối dài, quận 10) chuyên kinh doanh về tổ chức lễ cưới, kết hôn cho khách hàng hầu hết là người Đài Loan. Còn hoạt động chủ yếu của Công ty TNHH Sùng Chính (158 Nguyễn Thiện Thuật, quận 3) là tư vấn, thực hiện dịch vụ thủ tục kết hôn, định cư nước ngoài.
Theo đoàn kiểm tra, đây là phương thức trá hình cho hoạt động môi giới hôn nhân với người nước ngoài bởi dưới “mác” tư vấn kết hôn, các doanh nghiệp có thể thoải mái tổ chức các buổi “gặp gỡ” cho các ông chồng Đài Loan chọn vợ Việt Nam. Một hình thức trá hình khác là tổ chức trung tâm đào tạo, dịch vụ lao động để tập trung các cô gái lại một chỗ, sau đó cho “ra mắt chào hàng”.
Trước đây, Công ty TNHH Việt Phước và Công ty TNHH Minh Huy Hoa Sen đã từng bị đoàn kiểm tra của Bộ Tư pháp phát hiện có hành vi gom các cô gái có độ tuổi từ 18 đến 27 về nuôi dưỡng, đào tạo để chuẩn bị kết hôn với người Đài Loan.
Ngày 28/8, cơ quan công an phát hiện tại Chi nhánh Công ty TNHH Việt Phước (tại số D15-319 Lý Thường Kiệt, phường 15 quận 11) tập trung 102 cô gái trẻ, nhiều nhất là từ tỉnh Đồng Tháp: 76 cô, còn lại từ các tỉnh Hậu Giang, Kiên Giang, An Giang, Vĩnh Long, Cần Thơ, Bình Thuận. Hầu hết các cô đều không đưa ra được lý do vì sao ở đây. Do không làm rõ được hành vi môi giới lấy chồng nước ngoài nên cơ quan công an chỉ xử phạt 52 cô về hành vi không có giấy CMND.
Nếu hôn nhân dựa trên điều kiện mua bán, làm mất đi thuần phong mỹ tục của người Việt Nam (đáng lên án nhất là việc bắt các cô gái cởi hết quần áo, đi qua đi lại để những người nước ngoài lựa chọn vợ như chọn một món hàng) thì cần phải ngăn chặn.
Khoản 2 Điều 2 Nghị định 68/2002/NĐ-CP ngày 10/7/2002 quy định Chính phủ Việt Nam nghiêm cấm lợi dụng việc kết hôn nhằm mục đích mua bán, bóc lột sức lao động, xâm phạm tình dục đối với phụ nữ và trẻ em hoặc vì mục đích trục lợi khác. Dù các cơ quan chức năng nhiều lần ra quân dẹp đuổi, nhưng việc môi giới hôn nhân với người nước ngoài với mục đích kinh doanh xem ra rất khó xóa sổ. Điều này phổ biến đến nỗi một người bạn lấy chồng Đài Loan từ tình yêu kể rằng nhiều người Đài Loan quan niệm chỉ khi nào bị dị tật thì mới sang Việt Nam mua vợ. Khoản 3 Điều 21 Nghị định 49/CP ngày 15/8/1996 về việc xử phạt người có hoạt động tại Việt Nam không đúng với mục đích xin nhập cảnh, mức xử phạt từ 10 triệu đến 20 triệu đồng. Dựa vào đó, quận 11 là địa phương đầu tiên xử phạt hành chính người vào Việt Nam với mục đích xin đi du lịch nhưng lại coi mắt cưới vợ. Từ năm 2000 đến nay, quận đã xử phạt 11 đối tượng với số tiền 155 triệu đồng”. Tuy nhiên, đó chưa phải là giải pháp hữu hiệu. Ngoài việc chính quyền địa phương và các sở, ngành phải thường xuyên phối hợp kiểm tra các “điểm nóng mua bán hôn nhân” thì pháp luật trong lĩnh vực hôn nhân - gia đình có yếu tố nước ngoài cần phải được hoàn thiện hơn. Chẳng hạn hai bên phải có thời gian tìm hiểu nhau không quá ngắn trước khi kết hôn, không cho phép kết hôn trong trường hợp hai bên quá chênh lệch về tuổi tác và hình thức… Đồng thời những người bắt các cô gái cởi đồ để “xem hàng” cũng cần bị xử lý hình sự về hành vi làm nhục người khác. |