Thế nhưng, anh mõ này lại không ngừng bị xỉ vả, thậm chí hận thù. Đó là tình cảnh vừa đáng giận lại vừa đáng thương của anh “mõ phường” thời nay ở Hà Nội...
6h30 sáng thứ bảy, cổng trụ sở UBND phường Khâm Thiên (Đống Đa, Hà Nội) vắng tanh sau sợi xích sắt có ổ khóa thép. Là ngày nghỉ nhưng vẫn có một cán bộ đến làm việc buổi sáng. Đó là Trần Quang Hưng, phụ trách đài phát thanh phường! Hưng có dáng một thanh niên đi chơi phố, không kèm đồ đạc gì.
Hầu hết xã phường ở Hà Nội đều có hệ thống loa phóng thanh làm phương tiện thông tin tuyên truyền. Toàn bộ hệ thống máy móc thiết bị, đường dây cũng như phương thức hoạt động của loa phường xã được thừa kế từ thời chiến tranh. Hệ thống loa truyền thanh này chiếm một vị trí đặc biệt quan trọng trong đời sống thủ đô từ những năm sau giải phóng (1954), khi phương tiện nghe nhìn, thông tin báo chí còn nghèo nàn, thô sơ, lạc hậu.
Dẫn tôi lên tầng ba, vào gian phòng khoảng 10m2, anh nói: “Tổng đài” đây!”. Góc trong là hai chiếc máy tăng âm lớn như tủ áo. Một bộ micro và một chiếc máy quay băng cassette khá lạ mắt. Nó cao chừng 60cm, rộng 40cm, kê đứng trên mặt bàn, có quai xách trên đầu. Hưng cũng chỉ biết gọi nó là máy “đặc chủng”. Nối máy cắm điện, gõ tay thử micro, Hưng bắt đầu tác nghiệp.
Toàn bộ nội dung chương trình của buổi sáng nay đã được chuẩn bị sẵn trên bàn với hai tờ giấy và hai cuốn băng cassette. Một viết tay, gạch xóa nguệch ngoạc, một có đánh máy.
Tranh thủ xem lại nội dung lần cuối, Hưng lắp băng nhạc vào máy và bấm “xoạch!”. Không gian xì xầm của buổi sớm bỗng giãy nảy lên bởi tiếng loa phóng thanh phát ra quá lớn. Bài hát Những bông hoa trong vườn Bác tuy được thể hiện bởi một giọng ca tốt nhưng vì âm lượng khổng lồ của chiếc loa phóng thanh lắp trên cột điện đầu ngõ nên ai ở cách nó dưới 500m đều thấy khó nghe. Tắt đầu quay, Hưng ngồi ngay ngắn trước micro, mắt nhìn giấy, tập trung đọc: “Kính chào quý vị và các bạn. Xin mời quý vị và các bạn nghe chương trình của đài phát thanh phường Khâm Thiên”.
Bài đầu tiên là lời kêu gọi bà con trên địa bàn phường tham gia dọn vệ sinh công cộng. Mỗi gia đình ít nhất phải có một người để “đường phố phong quang sạch đẹp”. Bài chừng 100 từ. Âm điệu rành rẽ, mạch lạc, gọn gàng. Ở đầu và cuối câu hơi lên bổng xuống trầm khiến người ngồi nghe trực tiếp lời Hưng thì thấy dễ chịu. Nhưng bước ra khỏi phòng thì tai tôi được dồn đặc thứ âm thanh chói màng nhĩ.
Dừng nửa phút, Hưng đọc tiếp thông báo mở lớp học vẽ cho thiếu nhi do Đoàn thanh niên phường tổ chức. Đọc xong Hưng nói: “Chúng tôi xin thông báo lại...”. Sau ba lần như vậy, anh thay bằng bài hát trong băng cassette. Hát hết một bài anh lại quay vào đọc thông báo. Hưng nói: phát trong một tiếng rồi cán bộ phường xuống các cụm dân cư kiểm tra. Nếu điểm nào chưa thực hiện tốt thì lại về đài nhắc nhở, đôn đốc.
Mỗi ngày đài phát hai buổi (sáng từ 7h đến 8h, chiều từ 4h đến 5h). Có việc đột xuất thì tăng buổi, tăng thời lượng hoặc sớm muộn tùy việc. Hưng tâm sự: làm nghề đã ba năm. Một mình vừa là giám đốc, vừa là phóng viên, phát thanh viên và kỹ thuật viên của đài phường. Công việc xoay quanh đọc thông báo cắt điện, cúp nước, giao quân, vệ sinh đô thị, sinh hoạt hè, phát lương hưu, việc tang ma, họp dân phố, quyên góp từ thiện, tiêm chủng thiếu nhi, tiêm phòng chó dại...
Hay các khuyến cáo về cúm gà, lở mồm long móng gia súc... các chỉ thị về cấm lấn chiếm lòng đường, tụ tập cờ bạc, hút hít... Có vấn đề thì cán bộ chuyên ngành đưa văn bản cho đài đọc; có lúc thì chính Hưng phải rút từ các báo cáo, tổng kết, văn bản viết thành một bản thông báo, khuyến cáo, tư vấn... Có lúc tìm trên báo có những bài viết trùng với chủ trương tuyên truyền của phường thì Hưng cũng đọc trên đài.
Hưng là người trong phường, không theo học đại học nên xin vào ban văn hóa của ủy ban. Hiện anh quản lý tám cụm loa trên địa bàn phường, một hệ thống “tổng đài” và cứ ngày hai buổi đầu và cuối giờ đến phường làm việc. Mỗi buổi trên dưới một tiếng.
Buổi sáng thứ bảy hôm đó Hưng không thể tiếp tục chương trình theo đúng kế hoạch. Chương trình mới phát được khoảng 15 phút thì có tiếng đập cổng ầm ầm. Một người đàn ông có dáng công chức nhưng rất cau có nói: “Hôm nay thi. Trường đã đề nghị các anh không phát thanh cơ mà?”.
![]() |
Phát thanh viên Trần Quang Hưng. |
Hưng đon đả: “Vâng vâng, em cũng vừa nhận được điện chỉ đạo rồi! Em tắt ngay! Anh thông cảm!”. Vừa chạy vào phòng chấm dứt hoạt động của cỗ máy “đặc chủng”, Hưng vừa nói với tôi: “Đấy là giám thị coi thi bên Trường tiểu học Văn Chương (phường kế bên). Hôm nay họ tổ chức thi... Thỉnh thoảng lại phải tự “giết” chương trình bất đắc kỳ tử thế này anh ạ! Người ta hay phản ứng lắm!”. Tôi đuổi theo anh giám thị bắt chuyện.
Chắc tưởng tôi là nhân viên mới của đài, anh vùng vằng: “Con em các ông đi thi thì nhớ mang cái loa ấy đến phát cho nó nghe nhiều là nó đỗ thủ khoa đấy! Không hiểu sao cái loa quái quỉ nhà ông lại cứ chõ thẳng vào trường cơ chứ...”. Nhìn dáng điệu của anh giám thị tôi lại nhớ câu chuyện của ông bảo vệ già ở Bệnh viện Thanh Nhàn (quận Hai Bà Trưng): “Một ông bố đưa con đến chữa tai. Bác sĩ tận tình, thuốc bệnh khả quan thế nhưng ông ta nhất định đòi bế con về. Ông ấy bảo: Thầy, thuốc thì tốt nhưng cái loa phường cứ ông ổng thế kia thì tai tôi cũng sinh bệnh chứ nói gì trẻ ốm!”.
Mặc dù hầu hết các bệnh viện đều kiến nghị chuyển loa ra xa nhưng những ngày xuôi gió, ở những bệnh viện lớn nằm trên địa bàn 2-3 phường thì vẫn không tránh khỏi cảnh có tới mấy chiếc loa tung hứng, đối đáp nhau bằng những dàn âm thanh chát chúa.
Ông Đào Hồng Quân ở phường Văn Chương (Đống Đa) chua chát nói: “Tôi năm nay đã ngoài 70, khốn khổ hơn người ta là cái tai tôi chưa điếc. Sống ở khu này tôi lại hạnh phúc hơn người ta là mỗi ngày được nghe hai cái loa ở hai phường (Khâm Thiên và Văn Chương) hình như cùng cố tình phục vụ tôi mỗi giấc ngủ hay cơn ốm đau”.
Anh Hưng, đài Khâm Thiên, giải thích, phường nào cũng có một vài điểm mà người dân cùng lúc nghe hai, thậm chí ba hệ thống phát thanh của các phường khác nhau bởi vì họ nằm ở khu giáp ranh các phường. Với khả năng “phủ sóng” của mình thì không đài nào khiến bà con phải “thiệt thòi” cả. Riêng phường Khâm Thiên cũng có hai điểm là khu Đại Đồng nghe thêm đài phường Thổ Quan và cụm gần Trường tiểu học Văn Chương nghe thêm đài phường Văn Chương.
Ông Quân than, năm ngoái có một anh bạn thời chiến đấu từ miền Nam ra chơi. Hai ông già chỉ được gặp nhau có hai tiếng đồng hồ sau mấy chục năm mất tin. Vậy mà ngồi trong nhà chỉ biết nhìn nhau bởi trên đầu một cái loa nói về sinh đẻ có kế hoạch, cái loa cách đó mấy chục mét lại cứ hát xui thanh niên yêu nhau, trao nhau. Tuy chúng tôi không để ý nó nói gì nhưng nó cũng không cho chúng tôi có thể nói gì...
Ông Nguyễn Quang Vinh, phường Đại Kim (quận Thanh Xuân), nói: "Đài phường tôi còn có cô phát thanh viên ngọng. Đọc bài về sức khỏe trẻ em có từ “nôn nao” thì cô đọc là “lôn lao”. Sau phường thay một anh khác thì anh ta liên tục “À quên!”. Sau tiến bộ hơn thì “Xin lỗi các bạn”. Chúng tôi đùa: Yên tâm đi! Có ai nghe ông nói gì đâu mà biết lỗi của ông. Sợ nhất là mấy ông đài phường đọc tiếng Anh. Người ta phát âm là Dai-ia thì ông đọc là Đai-ia. Có hôm thiếu bài, các ông lấy báo viết về thái độ thách thức của Iraq với Mỹ ra đọc mà không biết rằng đó là báo cũ vì lúc này Mỹ đã đánh Iraq xong hơn một tháng rồi. Thời buổi Internet, tivi, truyền hình cáp, kỹ thuật số, báo chí, đĩa CD, DVD, đĩa nén... tràn lan chúng tôi xem, nghe, đọc không hết thì ăn nhằm gì ông loa phường...".
Bức xúc biến thành phản kháng. Ở phường Thành Công, có người đã leo lên cột, bẻ ngược loa hướng lên trời. Mưa đọng nước đầy miệng loa, lâu ngày hỏng. Ở các phường Thanh Lương, Mai Động thì loa phường nhiều lần bị cắt dây. Nhiều đơn kiện, kiến nghị, yêu cầu... xử lý, tắt, bỏ loa phường của những người bị ảnh hưởng quá nhiều bởi nó được gửi tới cơ quan chức năng.
Thậm chí chuyện này còn được một nhà báo Hong Kong hết sức quan tâm đã đến làm việc cả một buổi chiều với nhiều cán bộ thành phố có liên quan đến... loa phường. Nhà báo đó còn đặt câu hỏi: làm như vậy có phải là áp đặt thông tin không?
Đến thăm anh bạn ở phường Gia Thụy (quận Long Biên), anh là thạc sĩ công nghệ thông tin, gia đình có tivi Plasma, dàn nghe nhạc, máy tính xách tay, để bàn nối Internet. Vừa tiếp khách anh ta vừa nhấp nhỏm đưa con đi tiêm phòng. Anh bảo, phải chờ đài phường thông báo mới đi. Lần trước, chủ quan không để ý nghe, chở con chạy quanh phường, đến mấy chỗ đều không thấy danh sách. Sau mới biết là phường quy định từng cụm dân cư, tiêm có lịch. Hôm nay rút kinh nghiệm...
Buổi sáng làm việc với Hưng “giám đốc” đài phát thanh phường Khâm Thiên xong, chúng tôi ăn sáng ngay bên đường. Thấy Hưng, một người đàn ông cũng là dân trong phường nói: “May quá, gặp chú ở đây. Lúc nãy tôi không ở nhà nghe đài, không biết hôm nay cụm tôi có bị cắt nước không?”.
Anh ta kể: “Nhà làm bánh bán sáng. Hôm trước bị cắt nước mà không biết trước. Khách kêu, mỏi mồm xin lỗi. Anh bị vợ mắng vì không nghe đài phường thông báo cắt nước, để đến nỗi này... Sáng nay vợ lại đi vắng, giao cho anh việc... nghe đài phường! Tham gia câu chuyện trong quán ăn, hai mẹ con chị Nguyệt cũng đang lên kế hoạch đến trụ sở Đoàn thanh niên phường đăng ký lớp học vẽ dịp hè mà chính Hưng vừa đọc thông báo trên đài.
Tôi cũng từng nghe chuyện một ông cán bộ khó tính lại ở ngay cạnh một cột loa phóng thanh phường. Ông không ít lần mắng nhiếc, mặt nặng mày nhẹ và có phản ứng tiêu cực với cái loa, rồi với chính anh cán bộ phụ trách văn hóa phường.
Thế rồi chính ông đã đem chè thuốc, hoa quả và chai rượu đến tận đài xin lỗi, cảm tạ anh “nhà đài” nọ. Lý do, nhà ông có việc tang. Mấy bà con thân thích (với người quá cố) ở quê lên nhưng không biết tìm nhà. Tờ địa chỉ đánh rơi. May sao nghe thấy loa phường chia buồn, thông báo ngày giờ truy điệu, an táng, địa chỉ người mất thế là họ tìm được đến nơi...
Ông Phạm Quốc Bản, phó Ban tuyên giáo Thành ủy Hà Nội, nói: Hệ thống thông tin nội bộ cộng đồng cấp phường, xã, thôn, tổ là một nhu cầu không thể thiếu trong đời sống hiện nay. Thậm chí ngay cả các quốc gia phát triển hơn VN về công nghệ thông tin, truyền thông như Đức, Trung Quốc, Indonesia... thì hệ thống loa phường của họ vẫn không thể bỏ. Ở các xã thì nhìn chung không ai phản đối. Ở các phường thì chỉ những hộ sống quá gần loa hoặc những gia đình công chức, cán bộ chỉ xem phường là nơi cư trú chứ không làm việc sinh hoạt chung, thì phản đối. Nhưng nói chung các hộ dân lao động, tiểu thương, thiếu nhi, phụ lão sống và làm ăn tại địa bàn thì họ không thể thiếu loa phường. Bởi vì dân cư ngày một đông, địa bàn rộng, công việc nhiều... một ông tổ trưởng dân phố không thể đến từng nhà thông báo cắt điện, cắt nước rồi một anh cán bộ Đoàn cũng lại đến từng nhà thông báo kế hoạch sinh hoạt hè; lại một cán bộ y tế đến từng nhà thông báo lịch tiêm chủng được. Vấn đề là chúng ta phải cải tiến hình thức, công nghệ thông tin để tránh cho người không có nhu cầu vẫn phải nghe. Còn chuyện chất lượng chương trình thì cần có những qui định cụ thể về nội dung, trình độ nghiệp vụ phát thanh viên. Giải quyết vấn đề này, thành phố đã có chủ trương thay thế bằng hệ thống truyền thanh không dây. Thay vì mắc loa phóng thanh giữa các cụm dân cư thì loa sẽ được nối vào từng nhà có nhu cầu nghe. Loa sẽ tự động bật khi đài phát, ai không muốn nghe thì tắt. Âm lượng có thể chỉnh như radio dân dụng. Dự án thí điểm tại 14 xã phường đã được triển khai do Đài PTTH Hà Nội làm chủ đầu tư. Về kinh phí, Nhà nước đầu tư hệ thống tổng đài, còn thiết bị nghe ước trên dưới 100.000 đồng/chiếc cũng được trợ giá một phần, ai có nhu cầu thì lắp. Tinh thần của dự án này khiến anh “mõ phường” tốt bụng sẽ không bị xỉ vả, hận thù lại còn được xênh xang hiện đại hóa. |
(Theo Tuổi Trẻ)