Trung tâm điều khiển máy Nhà máy thủy điện Hòa Bình. |
Theo bà Nguyễn Lan Châu, Phó giám đốc Trung tâm khí tượng thủy văn trung ương, trung bình mỗi ngày mực nước hồ Hòa Bình giảm 40-50 cm. Như vậy với 96 cm còn lại, nhà máy chỉ có thể phát điện trong hôm nay và ngày mai thì chạm đến mực nước chết.
Kỹ sư Hoàng Văn Lợi, phòng kế hoạch kỹ thuật Nhà máy thủy điện Hòa Bình cho hay, hôm qua do yêu cầu của Trung tâm điều độ hệ thống điện quốc gia, nhà máy vẫn phát khoảng 9 triệu kWh, tuy nhiên chủ yếu vào giờ cao điểm, một số giờ thấp điểm cả 8 tổ máy ngừng hoạt động. Theo ông Lợi, hiện nhà máy lấy nước trong hồ ra để phát điện. Khi xuống mực nước chết, các tổ máy vẫn có thể hoạt động nhưng ảnh hưởng đến độ an toàn. Phải đến khi mực nước hồ Hòa Bình xuống 75 m (dưới mực nước chết 5 m) mọi hoạt động sẽ ngừng trệ.
Trước tình hình căng thẳng như vậy, Nhà máy thủy điện Hòa Bình vẫn quyết không đóng cửa. Nếu lũ tiểu mãn về chậm, nhà máy sẽ giữ mực nước trên 75m, nước trên thượng nguồn về bao nhiêu sẽ phát điện bấy nhiêu chứ không dùng nước trong hồ. Với lưu lượng nước về xấp xỉ 200 m3/ngày như hiện nay, nhà máy có thể phát khoảng 4 triệu kWh/ngày (công suất phát khi đủ nước là 1.400 triệu kWh).
Không chỉ Hòa Bình, Nhà máy thủy điện Thác Bà từ 3 ngày nay đã phải sử dụng cả "nước chết" để phát điện. 7h sáng nay, mực nước hồ chỉ còn 45,84 m, dưới mực nước chết là 16 cm. Công suất phát điện của mỗi tổ máy giảm từ 40 MW xuống 26 MW, sản lượng giảm từ 2-2,5 xuống 1,2 triệu kwh/ngày. "Hiện chúng tôi vẫn chạy 3 tổ máy, song với mực nước cạn kiệt như thế này thì chỉ duy trì thêm 1 tuần nữa là chạm đến 45 m, tức là mực nước không thể phát điện được", ông Nguyễn Quốc Tri, Phó giám đốc kỹ thuật của nhà máy, nói.
Phó giám đốc Tri mấy tuần nay luôn trong tâm trạng căng thẳng bởi gần 20 năm nay, Nhà máy thủy điện Thác Bà mới rơi vào tình cảnh bi đát như vậy. Trước đó, năm 1987, do nhà máy thủy điện Hòa Bình đang thi công nên thủy điện Thác Bà buộc phải gồng mình phát điện, dù mực nước chỉ đạt 44,87 m, dưới mực nước chết tới hơn 1 m.
"Nước cạn, bùn nhiều mà buộc phải phát điện sẽ làm máy rung mạnh, bánh xe công tác bị xâm thực, nhiệt độ ổ trục tăng, rất dễ xảy ra sự cố", ông Tri lo lắng. Ông càng lo hơn bởi các tổ máy đã quá già cỗi, tổ số 1 và 3 trong 34 năm nay chưa được đại tu. Tổ số 2 may mắn năm ngoái được nâng cấp. Chưa bao giờ các nhà máy thủy điện mong mưa và gần nhất là lũ tiểu mãn như bây giờ. Nói như ông Nguyễn Quốc Tri "chúng tôi như nắng hạn chờ mưa rào".
Trong khi đó, theo bà Nguyễn Lan Châu, Phó giám đốc Trung tâm khí tượng thủy văn trung ương, phải ngày 20-25/5 thì Bắc Bộ mới có lũ tiểu mãn. Điều đáng buồn là lũ năm nay rất nhỏ, dự kiến lưu lượng nước về hồ Hòa Bình chỉ đạt 1.500-2.000 m3/s, trong khi cùng kỳ năm ngoái là 7.300 m3/s. Cũng theo bà Châu, hồ Hòa Bình và Thác Bà chỉ có thể được "cứu sống" nếu có mưa ở Tây Bắc. Mấy ngày nay khu vực này đã có mưa rải rác, nhưng lượng mưa rất nhỏ như Sìn Hồ (Lai Châu) chỉ 17 mm, Lào Cai 4-14 mm, vùng hồ Hòa Bình 7 mm. Dự báo hôm nay và ngày mai, khu vực này tiếp tục có mưa, song lượng mưa sẽ không thấm tháp gì so với nhu cầu của các hồ. Cũng theo Trung tâm khí tượng thủy văn trung ương, phải đến 15/6, Bắc Bộ mới bước vào mùa mưa lũ, chấm dứt tình trạng khát nước ở các hồ thủy điện.
Hà Nội những ngày này rất nhiều khu vực bị cắt điện từ 7h đến 16-17h. Ông Nguyễn Duy Hùng, trưởng phòng điều độ Công ty điện lực Hà Nội giải thích nguyên nhân là để sửa chữa lưới điện, vào giờ cao điểm, Hà Nội tiêu thụ gần 800 triệu kWh. Tuy vẫn được điều độ đủ điện, thành phố cũng được yêu cầu chuẩn bị khả năng hạn chế sử dụng.
Bộ Công nghiệp mới chỉ đạo EVN huy động tối đa công suất các nhà máy nhiệt điện để bù lượng thiếu hụt từ các nhà máy thủy điện. Trao đổi với VnExpress sáng nay, Thứ trưởng Công nghiệp Bùi Xuân Khu cho hay, các nhà máy nhiệt điện mới chạy trên 70% công suất. Ngoài cân đối nguồn điện sản xuất trong nước, EVN có thể đề xuất phương án mua thêm điện của Trung Quốc (hiện đã quyết định mua 400 MW).