Mỗi lần trút giận lên đầu chồng xong, Xuân lại thấy ăn năn. Khi bình tĩnh thì còn sáng suốt chứ lúc đã "điên" lên rồi, Xuân cũng chẳng nghĩ được gì nhiều, chỉ biết mồm miệng gào thét, mặt đỏ tưng bừng rồi nói cho... đã tức. May thay, chồng Xuân dễ tính, giỏi "chịu trận" lại biết cách dỗ hóm hỉnh mỗi khi vợ giận dữ nên tính Xuân cũng "thuần" đi phần nào. Có lần đang bực tức thì Xuân thấy chồng ôm một cái gối rồi bảo: "Anh ôm gối, em cứ đấm, miễn là đừng làm anh phải nhập viện là được", thế là Xuân đành cười nguôi giận. Lần khác khi Xuân "bốc hỏa", chân tay văng lung tung, miệng gào lên ầm ĩ thì thấy chồng chổng mông lại, bảo: "Mông anh đây, em cứ đập cho hả". Vừa buồn cười, vừa giận chồng nên Xuân "vỗ" chồng mấy cái vào mông. Xong, cũng thấy nguôi giận hẳn. Sau những lần ấy, chồng Xuân vẫn bảo: "Có khi anh phải gửi đơn lên hội chống bạo lực gia đình thành phố xin đăng ký làm thành viên thôi".
Cũng hay "đổ giận" lên chồng nhưng Thùy (quận Đống Đa, Hà Nội) may mắn có "anh xã" tâm lý. Mỗi khi Thùy "nổi đóa" là chồng Thùy bình tĩnh "thấy ghét", còn ghé sát mặt vợ trêu: "Thôi, em đừng cáu kẻo tốn tiền mua kem chống nhăn". Xong chồng Thùy chạy tới mở cửa tủ lạnh giục vợ: "Lại đây vợ ơi, mát lắm" khiến Thùy đang giận cũng phải nguôi.
Còn Mai (Cầu Giấy, Hà Nội) vì hay bực bội quá nên được chồng in cho hẳn một tập tài liệu, nói về tác hại của các cơn giận dữ và các cách kiềm chế cáu giận. Mỗi khi Mai lên "cơn bốc hỏa", anh xã lại chạy đi tìm tài liệu và động viên: "Bình tĩnh em, bình tĩnh". Nhớ được vài cách hóa giải cơn giận trong đống photo của chồng, Mai cũng thấy bản thân điềm tĩnh và kiên nhẫn hơn.
Tính Trang (Hải Dương) khi nổi giận là có gì cũng đá, cầm gì cũng ném nhưng lại có anh chồng hiểu vợ nên mỗi khi giận, Trang đều được chồng đưa cho thứ gì đó êm êm để ném như cái gối, cái khăn... Có lần Trang đang tức ngùn ngụt thì thấy chồng cúi xuống rồi bảo: "Ném được cái đầu chồng không vợ. Chồng chẳng tìm được cái gì cho vợ ném nữa" nên bật cười rồi thôi giận.
Theo Mẹ và bé