Chị Mạch Lê Thu đang du học theo chương trình nghiên cứu sinh tại Melbourne, Australia. Con trai của chị là bé Chí Kiên, 5 tuổi, học lớp vỡ lòng tại trường tiểu học Caulfield Junior College. Hàng ngày, chị Thu chuẩn bị bữa sáng và bữa trưa cho con trai vì Australia không có hàng quán bán đồ ăn vặt như ở Việt Nam nên trẻ em đều ăn sáng tại nhà.
Như nhiều bạn hàng xóm, Chí Kiên cùng mẹ đi bộ tới trường, thỉnh thoảng, mẹ đưa bé đi học bằng ô tô. Thông thường, chị chỉ đưa bé đến cổng trường rồi để bé tự vào lớp và "thủ tục" tạm biệt của hai mẹ con cũng vô cùng nhanh chóng. Ở trước cổng trường của bé có biển báo Kiss and go (Hôn rồi đi) và cho phép phụ huynh chỉ được đỗ xe 2 phút, nếu lâu hơn thì ngay hôm sau phiếu phạt sẽ được gửi đến tận nhà qua đường bưu điện. "Mỗi lần bị phạt thì cả trăm đô sẽ ra đi dù chỉ đỗ quá quy định một phút", chị Lê Thu chia sẻ.
9h sáng, chuông báo giờ học bắt đầu và cô giáo mở cửa chào từng bạn nhỏ đang xếp hàng phía ngoài. Trong chương trình lớp vỡ lòng, trẻ em Australia được học 100 từ thông dụng nhất trong tiếng Anh. Giờ toán, học sinh làm bài cộng, trừ trong phạm vi 10, học dùng thước, dùng cân, nhận biết các hình, so sánh, đếm từ một đến 100, tìm phương hướng. Học sinh được cấp tên truy cập và mật khẩu để làm toán trên máy vi tính khoảng 50 phút tại lớp mỗi tuần.
Ngoài ra, trẻ em Australia được tham gia giờ kể chuyện (show and tell), các bạn nhỏ sẽ thuyết trình trước cả lớp. Những tiết học như thế này được bắt đầu từ khi trẻ khoảng 3 tuổi nên khi vào bậc tiểu học, trẻ em Australia đã quen với việc trình bày ý kiến trước mọi người một cách rất tự nhiên.
Giờ nghỉ bắt đầu sau 13h, Chí Kiên có 15 phút để ăn bữa trưa mẹ đã chuẩn bị. Sau đó, bé chơi trong sân trường trước khi vào học. Đây là thời gian bé thích nhất trong ngày vì được tự do chơi cầu trượt, xích đu và leo trèo trên những giàn sắt có độ cao phù hợp với trẻ nhỏ 5-6 tuổi. "Chí Kiên rất thích chơi ở sân cát vì bạn được xây lâu đài, làm đường hầm và đi tìm kho báu bí mật. Sáng kiến đưa sân cát vào trường học để trẻ em sáng tạo với cát đã được nhận giải thưởng của Sở giáo dục bang Victoria", bà mẹ trẻ cho biết.
Đến 14h, học sinh bắt đầu học các môn bằng tiếng Pháp cùng thầy cô bản xứ. Học sinh không cần phải biết tiếng Pháp từ trước vẫn có thể theo học. Mỗi tuần, lớp vỡ lòng được học tiếng Pháp 2 buổi và mỗi buổi kéo dài 90 phút.
Khi cho con học ở đây, chị Thu cho biết, ngay cả học sinh không biết nói tiếng Anh vẫn được nhận vào trường. Australia là đất nước đa văn hoá nên có nhiều người không dùng tiếng Anh như tiếng mẹ đẻ. Trường học dạy thêm tiếng Anh để đảm bảo các em mới từ nước ngoài đến có thể nói tốt tiếng Anh. Khi Chí Kiên mới sang Australia lúc 3 tuổi, nhà trẻ của bé đã xin Sở giáo dục cử một cô giáo nói tiếng Việt về trường trong vòng 2 tháng để làm phiên dịch cho bạn nhỏ.
Buổi chiều, lớp vỡ lòng học cắt dán, vẽ, gấp giấy, làm bưu thiếp, làm đồ chơi và học hát. Khi đã thuộc một bài hát, thầy trò cùng nhau đặt lời mới. Các bạn nhỏ cũng được học chơi bóng đá, bóng ném và học bơi như các lớp lớn.
Lớp học tan vào lúc 15h30 nhưng các bé được ở lại trường chơi thêm 15 phút rồi theo người lớn về nhà trước 16h. Nhiều câu lạc bộ ngoại khoá hoạt động tại trường sau giờ học như câu lạc bộ yoga, khiêu vũ, chơi đàn, bóng đá, tennis, karate, gấp giấy, nghệ thuật, học ngoại ngữ tiếng Hebrew, tiếng Nga và một nhóm phóng viên nhỏ. Như vậy, lớp vỡ lòng cũng có học thêm nhưng chỉ học thêm văn nghệ, thể thao chứ không lặp lại những gì đã được dạy trên lớp.
Chịa Thu chia sẻ, sau nửa năm Chí Kiên học lớp vỡ lòng, điều chị tâm đắc nhất đó là trường chú trọng dạy học theo nhu cầu của từng cá nhân. 2 tuần trước, cô nói Chí Kiên đã học thuộc chữ và làm toán tương đương trình độ lớp 1, vì thế cô sẽ không đặt mục tiêu học tập cho bé. Mẹ và cô cùng thống nhất trong những tháng tới sẽ chuyển sang mục tiêu giúp Chí Kiên rèn tính tự lập. Từ hôm đó, cô giao cho Chí Kiên làm nhiều việc hơn như đưa bạn đến phòng y tế, đi phát bánh mì kẹp do hội phụ huynh bán để gây quỹ cho trường...
Bên cạnh đó, nền giáo dục của Australia luôn coi trẻ em là bạn. "Mẹ của một bạn trong lớp vỡ lòng vừa qua đời. Cô giáo cùng hiệu trưởng và bác sĩ tâm lý của trường đến nói chuyện với lớp về cái chết. Ở Việt Nam, chúng ta đã quá quen với hình ảnh những em bé đeo khăn tang ngơ ngác hỏi bố đâu, mẹ đâu và người lớn nói dối là bố mẹ đi công tác xa. Nhưng ở Australia, cô giáo nói thật với các bạn rằng 'người lớn đã chết và sẽ được chôn xuống đất, đừng chờ đợi vì chúng ta không còn gặp lại họ nữa. Nếu bạn buồn hãy nói chuyện với cô'. Cô không gọi học sinh là "the kids" (các con) mà dùng từ "people" (con người). Các cô cũng khuyến khích phụ huynh coi con cái là đối tác cần được tôn trọng bình đẳng", Chị Lê Thu cho biết thêm.
Hà Thu