Chị Đặng Thúy Hằng (biệt danh Hằng Híp, 36 tuổi, Hà Nội) cầm tay học viên nắn nót tạo từng cánh hoa trên bánh, sau đó lại quay sang dặn những người phụ trợ chuẩn bị nguyên liệu chu đáo cho từng học viên.
Trong căn phòng chừng 100 m2, hàng ngày từ 9h đến 17h, chừng 20-30 người chăm chú tập tành tạo hình trên chiếc bánh kem. Mùi thơm từ bánh, từ các nguyên liệu hòa quyện ngọt ngào lan tỏa khắp căn phòng.
Hầu hết những người tìm tới lớp học của bà mẹ đơn thân Hằng Híp đều là những người đam mê làm bánh kem, đam mê tạo hình bánh.
Rẽ ngang công việc...
Chị Hằng tốt nghiệp Đại học Công nghiệp Hà Nội, làm kế toán cho 2 công ty nước ngoài vài năm. Từ cô nhân viên văn phòng, sau một lần tình cờ được bạn tặng cho chiếc lò nướng, chị Hằng đã làm bánh kem mang lên công ty, được nhiều người khen ngon. Kể từ đó, đam mê làm bánh trong người chị Hằng "được đánh thức", chị thấy làm bao nhiêu bánh cũng không đủ.
Năm 2014, chị bắt đầu từ những chiếc bánh nhỏ, học làm bánh trên mạng, được bạn bè khen và ủng hộ. Năm 2015, chị Hằng quyết định nghỉ việc, mạo hiểm bỏ số tiền 50 triệu đồng cho 3 buổi học làm bánh với thầy cô giáo người nước ngoài. Sau đó, mạo hiểm một lần nữa, chị hùn vốn với số tiền 500 triệu đồng sau hơn 10 năm đi làm tích góp, mở một quán cà phê kết hợp với phòng làm bánh cho những người cùng đam mê.

Chị Hằng 'cầm tay chỉ việc' cho những học viên mới đến.
"Mình kết hợp mở nhiều phòng bánh dành cho những người yêu thích bộ môn này nhưng không muốn đầu tư. Ví như hôm nay sinh nhật bạn trai, bạn muốn tặng một chiếc bánh do mình tự làm ra mà không muốn chi quá nhiều tiền nguyên vật liệu, thì những bạn đó có thể đến đây làm và trả chi phí bằng tiền mua một chiếc bánh", chị Hằng nói.
Để đi đến quyết định này, chị Hằng vấp phải nhiều sự ngăn cản từ bố mẹ, bạn bè, người thân. Bởi, thời điểm ấy với mức lương gần 20 triệu đồng của chị được xem là khá cao cho công việc kế toán. Con gái chỉ cần như thế sau đó lấy chồng là an nhiên.
Vốn là một cô gái có cá tính mạnh, muốn làm gì thì phải làm cho bằng được nên ở thời điểm ấy, bà mẹ 36 tuổi chưa có gì trong tay, chưa có nhà riêng, hay tài sản quý giá nào. Chị Hằng quyết định làm liều: "Mình còn trẻ, còn nhiều nhiệt huyết, còn đam mê, tại sao mình không cống hiến hết mình vì đam mê. Mình đã sống vì người khác quá nhiều rồi, một lần trong đời mình phải sống cho bản thân mình".
Nói là vậy, nhưng chị mất khá nhiều thời gian trăn trở lẫn khó khăn khi rẽ ngang sang công việc làm bánh. Từ chiếc bánh đầu tiên chị làm "xấu khủng khiếp", bánh nướng không nở, đến việc quyết tâm bỏ công việc lương cao để đi học làm bánh. Rồi, khi đó ở Việt Nam không có các lớp học làm bánh chuyên nghiệp nên phải tìm các cô giáo nước ngoài... Nhưng khó khăn lớn nhất là kinh tế, là học phí quá cao để học nghề.
"Vốn là tiền tiết kiệm đi làm suốt nhiều năm, chi tiêu tằn tiện mới có số tiền ấy. 10 năm đi làm, nếu bây giờ thất bại thì mất trắng, mất trắng thanh xuân, mất trắng mọi thứ", nghĩ đến khoảng thời gian ấy chị Hằng hơi rùng mình vì sự mạo hiểm của bản thân.
Đỉnh điểm là khi mở quán xong, chị Hằng hoàn toàn trắng tay, cảm thấy hụt hẫng, sợ hãi vì đã bỏ ra số tiền quá lớn đối với bản thân. Hơn 1 tháng căng thẳng, có lúc chị lấy sữa rửa mặt đánh răng mà không biết.
Khi mở tiệm bánh, kinh nghiệm về ngành bánh của bà mẹ đơn thân không có nhiều. Chị Hằng chỉ nghĩ đơn giản mở để thực hiện đam mê, giấc mơ được làm nhiều bánh của mình. Nhưng không ngờ thực tế lại khó khăn nhiều thứ hơn chị nghĩ. Sau đó, chị lại bỏ thêm một số vốn đi học để nâng cấp tay nghề và có thêm kiến thức kinh doanh vận hành quán tốt hơn.

hững tác phẩm nghệ thuật của bà mẹ đơn thân luôn nhận được nhiều lời khen ngợi.
May mắn sau 1 năm đầu tư, quán của chị Hằng rất đông khách, nhiều người hỏi "có mở lớp dạy làm bánh riêng không?", chị suy nghĩ và bắt đầu chuyển hướng, mở các lớp dạy làm bánh chuyên nghiệp. Ban đầu, chị chưa đủ tự tin và sẵn sàng nên chỉ mở một số buổi work shop nhỏ. Rồi duyên dạy làm bánh cũng bắt đầu từ đó.
Năm 2016, chị Hằng bắt đầu mở lớp dạy làm bánh. Năm đầu tiên, việc chiêu sinh học viên vô cùng khó khăn, có những tháng chỉ mở được 1 lớp dạy chuyên sâu. Nhưng dần dà, tiếng tăm của chị cũng nhiều người biết đến.
Hiện nay, mỗi tháng chị Hằng có 10-15 học viên tham gia đăng ký lớp học chuyên sâu dành cho những người về mở tiệm. Ngoài ra, còn nhiều lớp học dành cho những học viên ngắn ngày, đăng ký học vì đam mê. Số lượng học viên sau 5 năm của chị Hằng có khoảng 6.000 người trải dài khắp các tỉnh của Việt Nam.
"Sau mỗi khóa học, các học viên sẽ được bảo hành trọn đời, mình sẽ lập nhóm chia sẻ, hỏi han kiến thức vì sợ mọi người quên. Nhiều học viên còn trêu 'học chị Hằng chẳng sợ mai một tay nghề', khiến bản thân mình khá vui", chị Hằng tâm sự.
Chia sẻ về cách để tạo ra một chiếc bánh kem tươi nghệ thuật, chị Hằng cho biết, thường nếu người có kinh nghiệm sẽ mất khoảng 1 tiếng, còn người mới thì mất khá nhiều thời gian khoảng 3-4 tiếng, vì làm bánh kem khá tỉ mỉ, kiên nhẫn. "Từ ngày làm bánh, bản thân từ một người nóng tính đã trở nên kiên nhẫn, kiên trì rất nhiều", chị nói.
... Quyết định làm mẹ đơn thân chủ động
Tự định hướng công việc cho bản thân, thậm chí việc làm mẹ đơn thân chị Hằng cũng chủ động. Chị đã một mình nuôi con trai tên Tôm Hùm gần 4 năm nay. Cậu bé vô cùng hài hước và hóm hỉnh.
Chị Hằng cho biết, như bao đôi trai gái khác, chị và bạn trai khi đó yêu nhau được 1 năm thì chị mang bầu. Cả 2 đã định ngày kết hôn, nhưng sau thời gian, hai bên thấy không hợp và xảy ra mâu thuẫn, chị Hằng quyết định hủy hôn và sinh con một mình.
Cách đây 4 năm, việc làm mẹ đơn thân vẫn phải chịu những ý kiến vô cùng gay gắt từ mọi người xung quanh. Nhưng chị Hằng mặc kệ định kiến xã hội mà nghĩ hạnh phúc do mình quyết định. "Mình chỉ nghĩ, tại sao mọi người luôn phải cố có cuộc sống hôn nhân, nhưng sau đó không hạnh phúc dẫn đến ly hôn. Nếu không thấy hạnh phúc từ đầu thì ràng buộc nhau bằng một tờ giấy kết hôn làm gì. Nếu sống một mình vui vẻ thì việc gì phải ép buộc nhau. Hoặc nếu sống vì con thì nên cho con nụ cười thoải mái nhất, một gia đình hoàn hảo thì hẵng nghĩ đến", chị Hằng khẳng khái chia sẻ.

Từ ngày có bé Tôm Hùm, chị Hằng từ một người 'bất cần' trở nên nhu mỳ hơn.
Theo chị, nếu chị cố kết hôn với một người không phù hợp, thử tưởng tượng đi làm từ 9h đến 19h mới về, nhưng bước vào nhà không thoải mái, không có tiếng cười thì ngày hôm sau làm sao chị có năng lượng đến lớp, mà chị lại còn làm bánh nghệ thuật yêu cầu tính sáng tạo, cảm xúc rất cao.
Chính vì thế, chị lựa chọn sinh Tôm Hùm một mình. Nhưng xung quanh chị còn có bố mẹ, bạn bè, nên chị không cảm thấy cô đơn. Hơn nữa, chị là người tràn đầy năng lượng. Nếu nhiều người mang bầu cảm thấy mệt mỏi thì chị hoàn toàn ngược lại, thậm chí chị còn làm bánh đến tận ngày đi sinh.
"Câu chuyện đi sinh của tôi như câu chuyện hài. Từ phòng bánh đi sinh, đến bệnh viện bác sĩ bảo chưa sinh tôi liền xin bác sĩ: 'Chưa sinh thì cho cháu về làm nốt cái bánh', bác sĩ không cho về vì khi ấy đã vỡ ối. Khi sắp vào phòng sinh, vì là gói dịch vụ nên sẽ có người nhà vào để quay lại khoảnh khắc em bé chào đời. Bác sĩ báo: 'Gọi chồng Đặng Thúy Hằng vào', tôi ở bên trong nói to: 'Bác sĩ ơi, cháu không có chồng, gọi bạn thân cháu vào nhé' khiến các bác sĩ bật cười", chị Hằng cười nhớ lại khoảnh khắc ấy và cảm thấy có lỗi vì bên ngoài mọi người rất lo lắng, và chị không hề có chút tủi thân nào.
Từ ngày có Tôm Hùm, chị Hằng phân bổ thời gian để chơi với con. Chị dành ngày chủ nhật không nhận học viên để đưa con đi du lịch, đi khám phá. 1-2 tháng, cả gia đình sẽ đi du lịch 1 lần, từ khi 4 tuổi Tôm Hùm đã được mẹ đưa đi du lịch nhiều nơi, xa nhất là Singapore. Hai mẹ con như 2 người bạn không thể tách rời, chị Hằng đi dạy ở đâu thì con sẽ đi cùng và kết hợp du lịch luôn.
Ngày trước nếu làm xong chị sẽ đi nhậu với bạn qua đêm, thì bây giờ chị dành thời gian ấy tâm sự, chơi với con. Thỉnh thoảng, con cũng hỏi chị Hằng: "Sao ba không ở cùng con hả mẹ, có phải ba không thương con không?", bà mẹ từ tốn giải thích rằng: "Thực ra ba con cũng rất thương con, yêu con. Nhưng ba mẹ sống với nhau thì sẽ không hạnh phúc, khi đó con sẽ buồn. Nên bây giờ chúng ta tạm xa nhau để cả 3 đều vui vẻ, chứ không phải ai không yêu ai cả. Nếu ở cùng nhau tất cả chúng mình đều không vui vẻ. Như lúc con làm mẹ cáu, mẹ sẽ quát con, cũng giống như ba mẹ cãi nhau con sẽ không vui. Thế lúc mẹ quát con con có vui không? Tôm Hùm liền lắc đầu...".
Kể từ khi có Tôm Hùm, mọi thứ chị Hằng làm đều mang dấu ấn của con, như lớp học chị sẽ decor màu xanh palace vì sở thích của con. Hay như hàng ngày chị sẽ đón con đi học về, tâm sự với con vào mỗi buổi tối: "Mới tối qua, cu cậu khoe có bạn gái tên là Trang Nhung xinh hơn mẹ, khiến tôi bật cười vì sự đáng yêu của con".
Cuộc sống của 2 mẹ con hiện tại rất viên mãn. Sau 6 năm làm bánh, chị Hằng đã tậu được 2 căn chung cư (1 căn để ở và 1 căn để làm lớp học), cùng 1 xế hộp để chở gia đình đi chơi vào mỗi thời gian rảnh dỗi. Tình yêu với bánh của bà mẹ đơn thân không thay đổi: "Tôi ước 1 ngày có 48h để được làm bánh, vì 24 tiếng không đủ để làm thỏa mãn đam mê với mình".
Lê Hân