Thảo và Nguyên cưới nhau cũng hơn đã gần 2 năm nhưng mỗi khi ai nhắc đến mẹ chồng là Thảo lại thấy tủi thân. Mẹ Nguyên không đanh đá, chua ngoa, thích soi mói hay khó tính gì mà bà rất dễ tính và sống khá thoải mái. Tất cả những điều đó chỉ áp dụng cho mọi người trừ Thảo. Nguyên nhân của việc này bắt nguồn từ việc bà sợ mất lòng “cựu con dâu”.
Vợ cũ của Nguyên là người do mẹ anh mai mối. Thấy Liễu, con gái của bà bạn thân có vẻ tháo vát ngoan ngoãn nên bà ưng liền. Bà giục con trai đi xem mặt, gặp gỡ vài lần rồi quyết định chuyện hôn sự.
Ảnh minh họa. |
Hơn 35 tuổi mà chưa lấy vợ nên để làm vui lòng mẹ Nguyên chấp nhận cưới hy vọng tình cảm sẽ nảy sinh giống như mẹ anh vẫn nói: “Mẹ và bố trước kia cưới nhau có yêu nhau đâu, sau khi về mới yêu và sống với nhau rất hạnh phúc”.
Thế rồi cưới nhau chưa được vài tháng Nguyên đã không chịu đựng nổi tính khí khó chịu của vợ. Sự thực dụng, lúc nào mở mồm ra cũng nói đến tiền của vợ khiến Nguyên ngạt thở. Rồi những đối chọi trong quan điểm sống của hai vợ chồng liên tiếp diễn ra khiến Nguyên thấy chán chường.
Thiếu hòa hợp là thế nhưng cô lại rất được lòng mẹ Nguyên. Làm chuyện gì cũng hỏi ý mẹ chồng, rồi cô đứng ra lo liệu đâu ra đấy mọi chuyện khiến bà rất hài lòng. Đã thế Liễu và mẹ chồng còn rất hợp gu trong cách suy nghĩ và sở thích như cách ăn uống, nấu nướng và những thứ khác.
Vợ chồng hục hoặc nhau nhiều lần, mọi góp ý của Nguyên đều như nước đổ lá khoai nên anh đâm đơn ly dị. Việc chia tay kết thúc theo ý anh khi đứa con trai 3 tuổi được tòa xử cho ở với bố.
Một năm sau đó, Nguyên gặp Thảo. Tình cảm của họ vấp phải sự ngăn cấm của gia đình nhưng Thảo vẫn khăng khăng gắn bó cuộc đời mình với người đàn ông một lần đổ vỡ. Cô tin tưởng rằng với tình yêu mãnh liệt và chân thành, cô sẽ mang đến cho anh một hạnh phúc gia đình thực sự. Có vẻ như điều đó đã thành sự thật khi hai vợ chồng luôn vui vẻ và hòa thuận. Hạnh phúc đó sẽ trở nên trọn vẹn hơn nữa nếu Thảo không cảm thấy khó xử với tình cảm của mẹ chồng dành cho vợ cũ của Nguyên.
Từ ngày về làm dâu ngoài những câu chào hỏi xã giao hay chuyện công việc thì mẹ chồng hầu như không trao đổi gì thêm. Những món quà mà cô mua tặng bà nhân dịp 8/3 hay 20/10 hoặc các ngày lễ tết bà đều cất đi hoặc có khi vứt lăn vứt lóc ở một góc nào đó không đụng đến.
Đã thế những lần bàn công chuyện gì, bà cũng đế vào một câu: “Trước kia mọi chuyện mẹ chỉ góp ý, cái Liễu nó lo tất nên chẳng phải bận tâm gì. Tùy con làm thôi”, rồi cố nén tiếng thở dài đi về phòng.
Chưa hết, mỗi lần con dâu cũ đến thăm cháu là bà lại đóng cửa phòng ngồi tỷ tê tâm sự trong đó mấy tiếng đồng hồ. Có hôm đi làm về, Thảo thấy bà mang bao nhiêu thứ ngon trong tủ lạnh đem ra cho dâu cũ ăn rồi trách yêu “Sao con càng ngày càng gầy đi thế, phải ăn uống và chăm sóc sức khỏe chứ”.
Những lúc đó, Thảo rơm rớm nước mắt mà không nói được gì. Cô ước giá như mẹ chồng dành cho cô một chút tình cảm đó.
Nhớ lại những lần cô ốm bà không hề hỏi han lấy một câu, có khi nằm liệt vài ngày bà cũng chỉ hỏi “ốm à”. Rồi thằng bé con riêng của chồng, bà cũng tìm cách để nó xa Thảo, coi cô như con bệnh.
Một lần vô tình Thảo nghe được lời mẹ chồng với bà bạn hàng xóm: “Tôi không thể thân thiện hay tỏ ra bình thường với con Thảo được vì tôi sợ cái Liễu nó giận không đến thăm bà cháu tôi nữa”.
Dù biết mình và mẹ chồng chưa có nhiều thời gian để hiểu nhau bằng nàng dâu cũ nhưng cảm giác là một người ngoài trong gia đình nhất là trong mắt mẹ chồng khiến Thảo không muốn về nhà sau giờ làm việc.
Rơi vào hoàn cảnh giống như Thảo, Thanh Vân lại khốn khổ vì sự hiện diện với tần xuất khá thường xuyên của dâu cũ, khiến cho không khí gia đình căng như dây đàn.
Trước đây, mối quan hệ giữa Huệ, vợ cũ của Nam, với mẹ anh không thực sự thân thiết nhưng cũng không có khúc mắc gì. Nhưng từ khi anh lấy Vân, chị ta thường xuyên đến thăm bà và thân thiết với bà còn hơn cả con dâu mới.
Thỉnh thoảng, Huệ lại đến thăm bà. Khi thì tặng chai dầu, lúc lại là vài món đặc sản cô mua khi đi công tác về. Hàng vạn lý do để cô hiện diện vài ba chục phút bên nhà chồng cũ mà đa số lại là lúc Nam không có ở nhà, chỉ có Vân và mẹ chồng.
Trước mặt tập 2, Trang cười nói giả lả với mẹ Nam: “Không được làm con dâu mẹ nữa nhưng con lúc nào cũng coi mẹ như mẹ mình”.
Nếu như chỉ dừng lại việc thân mật với con dâu cũ thì Vân chẳng tủi thân nhiều như vậy. Đằng này, bà cũng chẳng thèm đếm xỉa gì đến tình cảm với thông gia mới. Có lần bố mẹ cô mời bà sang nhà chơi thì bà cáo lỗi là đau đầu không đi được. Lần khác thì bảo là bận đi họp tổ dân phố nhưng thực ra chỉ ở nhà ngồi “buôn bán” với mấy bà hàng xóm. Thế mà chỉ cần Huệ đến nhà đưa bà đi chơi với bố mẹ cô là bà đồng ý liền. Rồi bà còn gọi điện cho Huệ bảo nếu rảnh thì chở bà đi đây đi đó chơi cho đỡ buồn.
Biết tính mẹ đồng bóng, nên nhiều lúc Nam định góp ý để mẹ thay đổi nhưng Vân ngăn cản vì sợ bà nghĩ anh bị vợ xúi giục thì không hay. Nhưng thấy mẹ đối xử bất công quá, Nam đành giấu vợ góp ý về cách đối xử với nàng dâu cũ và mới cho hợp tình hợp lý, ai ngờ bà lại mắng cho một trận: “Cái Huệ không còn là vợ mày nữa nữa nhưng tao coi nó như con gái trong nhà, nên mày đừng có dạy khôn thế này thế nọ. Mày đừng có nghe lời vợ mà bênh nó chằm chặp”.
Sau cuộc to tiếng đó, Vân cũng không tránh khỏi sự liên lụy. Hàng tháng trời bà không thèm hỏi Vân mặc cho cô lễ phép, cơm bưng nước rót.
Với sự hiện diện một cách vô tư của nàng dâu cũ thì tình cảm mẹ chồng nàng dâu của cô vĩnh viễn không thể tốt đẹp lên được. Nhiều lúc cô định vận động chồng ra ở riêng nhưng lại sợ anh tự ái, sợ nhà chồng hiểu lầm.
Dù biết thời gian về làm dâu chưa nhiều mới được 5 tháng không thể so với 3 năm nhưng nếu 3 năm nữa mà tình hình vẫn vậy thì liệu cô có thể chung sống cùng bà dưới một mái nhà không?
Chuyên gia tư vấn hôn nhân gia đình công ty tư vấn tâm lý An Việt Sơn cho rằng khi quyết định lập gia đình với người đã có một đời vợ bạn cần xác định rõ ràng khó khăn mà mình phải vượt qua như: con riêng của chồng, sự so sánh của mẹ chồng giữa hai nàng dâu những kỷ niệm vui buồn của gia đình trước kia.
Về tình cảm của mẹ chồng thân thiết giữa mẹ chồng và nàng dâu cũ có thể được lý giải theo những nguyên nhân sau: do người mẹ không muốn con trai bỏ vợ, đi lấy người khác. Hơn nữa cùng cảnh phụ nữ với nhau nên bà thương vì đã lỡ một đời chồng thì khó mà có hạnh phúc khác nên chịu nhiều thiệt thòi. Chính vì thế nên bà muốn bù đắp cho nàng dâu cũ là điều dễ hiểu. Nguyên nhân khác có thề là do tâm lý thân quen, hiểu được sở thích cũng như thói quen tính tình của mẹ chồng nên các cô con dâu cũ dễ làm cho bà hài lòng.
Vì vậy, cần có thời gian để mẹ chồng và nàng dâu hiểu nhau hơn. Các cô dâu mới không nên quá vội vàng và so sánh mình với cô dâu cũ, điều này sẽ khiến có những suy nghĩ tiêu cực về mẹ chồng như vậy sẽ khó hòa hợp hơn.
Đầu tiên bạn nên nên thông cảm với những gì mà mẹ chồng đang suy nghĩ và cho bà thời gian để làm quen với sự hiện diện của mình. Bên cạnh đó kiên trì quan tâm, chăm sóc, hỏi han, trò chuyện với mẹ chồng, biết sở thích của mẹ chồng để chiều bà thì qua thời gian tình cảm mẹ con sẽ được cải thiện. Hoàn toàn tránh việc đố kỵ, hẹp hòi với dâu cũ vì như vậy sẽ khiến bà càng thương nàng dâu cũ hơn. Đối xử hòa bình, thân thiện sẽ khiến cho các nàng dâu mới thấy được thế mạnh của mình.
Ngọc Minh