Dạo này người người nhà nhà chuẩn bị đám cưới, chụp ảnh up ảnh cưới và mời cưới làm mẹ bỉm sữa giật mình: "Chúng nó bây giờ mới cưới mà con mình đã gần 2 tuổi đến nơi rồi - hư sớm quá". Không những thế, các cô không chỉ thi nhau cưới mà còn thi nhau bầu bí nữa, làm mẹ nhớ lại giây phút đón chào con đến với thế giới này.
Khi mang thai con, mẹ cũng đọc nhiều câu chuyện của các bà mẹ khác và rất tâm đắc, như khi mẹ nghén, nửa đêm dựng bố dậy, bắt đi mua bún đậu mắm tôm hay ốc luộc chẳng hạn; hay lúc vào phòng sinh sẽ dẫn bố theo kiểu gì cũng được túm tóc, bứt tai, cào cấu cho bõ ghét. Hay là được một lần trải nghiệm cảm giác thèm vôi tường như mọi người vẫn nói... Nhiều người còn dọa lúc vào phòng sinh sẽ nằm xếp hàng la liệt, chị em kêu gào thảm thiết vì đau mà nếu chưa đến lúc đẻ thì cứ nằm mà xếp hàng đã. Mẹ đã khóc khi nghĩ đến cảnh sẽ không có bố con ở bên cạnh lúc sinh con, mẹ sẽ làm thế nào nếu một mình mẹ bị đẩy vào phòng sinh rồi vật vã trong đấy. Nhưng mọi chuyện đã hoàn toàn ngược lại.
Mẹ mang thai con không nghén một ngày nào, lúc sinh con cũng chả biết đau đẻ là gì. Quá ngày dự sinh 2 hôm mà hai mẹ con mình vẫn nhởn nhơ ở nhà gặm chân gà, con trai thì nghịch ngợm mang cả tràng hoa quấn vào cổ làm ông bà nội ngoại lo sốt vó. Sáng hôm đó, mẹ đi khám, bác sĩ bảo đã xóa 50%, nếu muốn thì nhập viện để truyền kích thích cơn co để sinh con. Thế là nhập viện. Khác với những gì mẹ tưởng tượng, mẹ con mình được nằm một mình một phòng, có bác sĩ theo dõi thường xuyên và đặc biệt là luôn có bố hoặc bà bên cạnh hai mẹ con. Thở phào nhẹ nhõm lần một.
Con trai mẹ cũng cứng đầu cứng cổ lắm cơ, bác sĩ bảo là bình thường chỉ truyền 6 tiếng là xong xuôi rồi, đằng này thấy ở viện như ở khách sạn, nằm truyền tận 10 tiếng cho bõ tiền mà mặt cứ tỉnh bơ, bao nhiêu cuộc gọi đến hỏi thăm cuối cùng chỉ nhận được câu trả lời “Nó vẫn tửng từng tửng đây”.
Nói vui thì thế nhưng con trai à, mẹ sẽ không bao giờ quên được cái đêm hôm đó, cảm giác thật khó tả. Khi máy đo tim thai đã chạy hết cả một quyển dày, khi phòng sinh bên cạnh vừa mới kêu la "ối bác sĩ ơi đau quá" mà 5 phút sau đã thấy bạn ý khóc oe oe rồi, khi mẹ đã nằm đây gần nửa ngày trời và tim thai đã bắt đầu bất ổn mà con vẫn chưa ra và bố mẹ bắt đầu lo lắng. Bố chỉ biết nắm lấy tay mẹ và động viên "Mọi chuyện rồi sẽ ổn thôi".
Sáng hôm sau, bác sĩ trực sáng khám cho mẹ con mình nói: "Tim thai đang ổn định nhưng với chiều cao và cân nặng của mẹ thì chả đẻ thường được, đâu tốt nhất là nên mổ đi". Đấy khổ thế, mẹ thì chân ngắn có một mẩu, bố lúc nào cũng gọi là "Học sinh lớp 2", còn bụng thì to vượt mặt. Vì không nghén ngẩm gì nên mẹ thích gì ăn nấy, quan điểm là không sữa bầu, chỉ bổ sung vitamin cần thiết từ thức ăn hàng ngày cộng với cơ thể vốn hấp thu tốt nên bao nhiêu bổ béo vào mẹ hết. Tính đến ngày hôm đó, mẹ đã tăng lên 20 kg. Bác sĩ kết luận thế cũng phải thôi… chỉ mong con trai không thừa hưởng cái gen chân ngắn lớp 2 của mẹ.
Thế là mổ nhỉ… Kiểu này là chai nước tía tô bà nội chuẩn bị cho mẹ sinh thường chắc chắn phải bỏ đi rồi. Tắm rửa gội đầu sạch sẽ xong là mẹ con mình được đẩy lên phòng mổ. Nói chung là cũng run lắm. Cảm giác nằm trên xe đẩy và tay bố dần xa, cánh cửa phòng đóng lại thật đáng sợ. Các y tá cứ bảo "Trông mẹ này buồn buồn nhỉ". Chả phải buồn đâu mà chính là mẹ đang sợ "sắp tè ra quần" đây. Phòng mổ gì mà máy móc chằng chịt, ekip phải có đến 10 người, mỗi người một việc.
Mẹ cũng không ngờ ca mổ lại nhanh thế. Mẹ mới kịp khóc có 15 phút thôi là đã được ngắm nhìn con trai cứng đầu cứng cổ của mẹ rồi. Nhìn con đỏ hỏn, tiếng khóc to, vang, con chim thì "chuẩn men" rồi, thêm đôi chân rõ là không ngắn lắm làm mẹ chỉ biết vừa khóc vừa mỉm cười hạnh phúc. "Chào mừng con yêu, cảm ơn con đã bình an đến với bố mẹ".
Khi con được lau khô và vệ sinh dưới nôi sưởi xong xuôi, các y tá mang con đi, còn mẹ ở lại để khâu vết mổ. Lúc đấy, mẹ mới thấm mệt và đói, cảm giác chỉ muốn lả đi thôi. Có lẽ vì gần nửa ngày trong viện không được ăn uống gì nhiều theo chỉ định của bác sĩ nên cả con và mẹ đều đói. Lúc trả con về với mẹ, con bú rất mạnh, rất chịu khó ty mẹ nên chỉ 2 ngày là sữa mẹ về và hộp sữa ngoài mua dự trữ đành thanh lý.
Buồn cười nhất là bà ngoại con, bà cùng bố và bà nội đứng chờ con được đẩy ra từ phòng sinh, mong đứa cháu đầu tiên của bà đến nỗi "buồn" lắm mà không dám lơi là vị trí. Đến lúc không chịu nổi nữa, vừa rời vị trí phục kích thì con được các y tá đẩy ra khỏi phòng. Bà ngoại "giải quyết" xong liền ba chân bốn cẳng chạy theo. Bà ngoại đáng yêu quá con nhỉ!
Bà ngoại còn có một tuyệt chiêu đẻ không đau truyền cho mẹ nên trong khi các bà mẹ khác thi nhau đi xin thuốc giảm đau thì mẹ chẳng hề hấn gì. Các bác sĩ còn mắt tròn mặt dẹt, hỏi đi hỏi lại mẹ xem có đau không… Tuyệt chiêu đó chính là rượu mật gấu do ông ngoại để lại. Chống chỉ định bôi trực tiếp vào vết mổ mà chỉ được phép bôi xung quanh thôi, nhưng mà cực kì hiệu nghiệm nhé. Vết mổ sau sinh do bác sĩ khâu đẹp, được vệ sinh tốt nên nhanh liền và hai mẹ con mình khỏe re. Mẹ thấy hành trình vượt cạn của mình sướng thật!
Đã 21 tháng mà tưởng như mới ngày hôm qua. Con trai giờ đã biết nói "Con yêu mẹ", đã biết tự xúc cơm ăn, đã biết lấy thuốc cho bố uống khi bố bị ốm, đã biết tỷ thứ trên đời mà bằng tuổi con mẹ chẳng biết gì… Con trai à, mẹ thật may mắn và hạnh phúc vì có con bên cạnh. Hạnh phúc đối với mẹ đơn giản lắm. Hạnh phúc là khi con gặm hết bay một cái đùi gà, là khi con cầm lọ thuốc và uống hết sạch, hạnh phúc là khi con ngồi ị thối còn giơ tay bịt mũi mẹ, hạnh phúc là khi nhìn ngắm con yêu vừa ngủ vừa oánh bủm vào mũi bố, là mỗi ngày được bế con vào lòng cho con những dòng sữa mẹ ngọt mát, hạnh phúc là lần đầu tiên con tự mình bước đi về phía mẹ, là tiếng gọi "Mẹ…ơi…" và hạnh phúc hơn khi con ngày một trưởng thành, tự lập, tự đứng trên đôi chân của mình. Hạnh phúc là khi có bố, có mẹ và có con…
Mẹ Kem
* Những chia sẻ, kinh nghiệm của độc giả khi mang thai, sinh con, cách chăm sóc và giáo dục con xin gửi về email:nguyengiang@vnexpress.net.