Từ khi nghỉ học, bé K. phải cùng mẹ rong ruổi bán vé số mưu sinh. |
Gặp chị M. khi chị dắt cậu con trai 5 tuổi tên K. đến nhóm tham vấn Xuân Vinh (quận 1, TP HCM) lĩnh tiền trợ cấp. Vừa gợi đến chuyện học hành của K. thì chị bỗng òa khóc.
Mấy tháng trước, K. được mẹ gửi vào trường mầm non tư thục Ấu Thơ (phường Trung Mỹ Tây, quận12), nhưng mới hơn tháng đã phải nghỉ học.
Bà mẹ mếu máo: “Tôi bị chứ thằng nhỏ đâu có gì”. Cô Nguyễn Thị Thủy, hiệu trưởng Trường Ấu Thơ, giải thích, bé K. học gần một tháng rưỡi thì có một số phụ huynh yêu cầu “giải quyết” K. vì họ tin rằng “ba má nó bị sida, chắc nó cũng vậy”.
Dưới áp lực của nhiều phụ huynh, cô Thủy đã gợi ý chị M. đưa giấy chứng minh bé không nhiễm HIV. Nhưng khi có giấy xét nghiệm âm tính của K., nhiều người vẫn cứ khăng khăng “lỡ giấy giả thì sao, chứ ba má nhiễm sao thằng con không nhiễm”.
Nhiều người làm áp lực với nhà trường bằng cách cho con thôi học. Quá hốt hoảng, cô Thủy bèn mời chị M. đến nói chuyện và bé K. đành phải nghỉ học. Cô Thủy ray rứt: “Tôi thật sự chẳng biết làm sao cho phải. Tôi yêu nghề dạy trẻ nhưng không muốn ngồi nhìn đứa con tinh thần của mình bị phá sản”.
Cũng như trường hợp bé K., ở phường Bình Trưng Đông (quận 2, TP HCM) có bé T. mới 5 tuổi đời đã phải chịu cảnh thất học hơn hai năm chỉ vì nghi ngờ bị “sida”.
Mẹ bé T. là chị H. đã nộp cho trường giấy kết quả xét nghiệm HIV âm tính của bé. Để sớm giải tỏa áp lực, nhà trường dán giấy trên lên bảng thông báo nhưng phụ huynh phản ứng mạnh hơn, kết quả là bé T. phải nghỉ học.
Khi đã hết cách, cô hiệu trưởng Bùi Thị Hùng bèn gửi bé T. đến Trường mầm non Sen Hồng với hi vọng trường mới ở xa hơn sẽ không ai biết hoàn cảnh của bé nhưng dư luận vẫn không buông tha, bé T. đành phải nghỉ học.
Cả hai bà mẹ M. và H. đều dưới 30 tuổi và đều nhiễm HIV/AIDS từ chồng mình. Chị M. quê Quảng Bình vào TP HCM làm thuê, lập gia đình ít lâu mới biết chồng mình nghiện heroin.
Luật sư Đoàn Thị Phụng, phụ trách văn phòng tư vấn và trợ giúp pháp lý về HIV/AIDS, khẳng định: “Gây áp lực buộc trẻ xét nghiệm HIV, từ chối nhận trẻ nhiễm hay không nhiễm vào học cũng đều vi phạm pháp luật”.
Luật phòng chống HIV/AIDS nghiêm cấm: kỳ thị, phân biệt đối xử với người nhiễm HIV; đưa tin bịa đặt về nhiễm HIV đối với người không nhiễm HIV; bắt buộc người khác xét nghiệm HIV hoặc trình kết quả xét nghiệm HIV; từ chối tiếp nhận người nhiễm HIV vào học; kỷ luật, đuổi học HS-SV vì lý do nhiễm HIV.
Chị phải đi bán vé số, bưng bê, phụ hồ để nuôi chồng con. Con mới đầy tháng thì cũng là lúc người ta thấy xác chồng chị trôi trên sông.
Chồng chết, mỗi ngày chị đi bán vé số và gửi con vào trường mầm non, nhưng giờ thì bé K. lại tiếp tục rong ruổi kiếm sống cùng mẹ.
Chị M. ứa nước mắt: “Thằng bé cứ hỏi sao không cho nó học nữa. Thân tôi dốt nên mới khổ, chứ cháu tội tình gì mà mới chừng ấy tuổi phải khổ như tôi!”.
Còn chị H., chuyện chồng chị chết do HIV/AIDS bị tiết lộ ra ngoài nên sau này bé T. dù không nhiễm cũng bị vạ lây. Chị H. cho biết còn gửi bé đến nhiều nhóm trẻ, nhưng chỉ được 1-2 ngày là phải nghỉ.
Hai năm trước, chị tham gia một nhóm giáo dục đồng đẳng HIV/AIDS... Đang phải điều trị lao phổi trên giường bệnh, bà mẹ trẻ nặng trĩu tâm tư, trong đó có nỗi lo con trai thất học. Chị bộc bạch: “Nó cứ đòi đi học vì ở trường có nhiều bạn, nhiều đồ chơi, con nít xóm này ít chơi với nó”.
Theo cô Hùng, nhiều năm qua Trường mầm non Bình Trưng Đông đã âm thầm nhận dạy một số bé nhiễm HIV, có bé nay đã vào tiểu học. Cô chia sẻ: “Nhà trường có 250 bé, tôi rất buồn khi không vượt qua được áp lực của phụ huynh để giữ lại bé T.”.
Nhưng chẳng lẽ hễ cứ bị phụ huynh nghi ngờ thì đứa trẻ xấu số đó phải chịu cảnh thất học? Khi nào những đứa trẻ đáng thương này được đến trường?
(Theo Tuổi Trẻ)