Máy sấy quần áo được nhiều gia đình có trẻ nhỏ mua. |
Tại các siêu thị điện máy trên phố Phùng Hưng, Nguyễn Lương Bằng (Hà Nội) có nhiều loại máy sấy quần áo với nhiều nhãn hiệu khác nhau như Whirlpool, Elba, Electrolux, Nonan...do Trung Quốc, Italy, Hàn Quốc, Mỹ sản xuất, giá 5-8 triệu đồng/chiếc.
Trong đó phổ biến nhất vẫn là hàng Trung Quốc, giá cả rất phong phú. Máy Nonan được giới thiệu xuất xứ từ Thượng Hải, bảo hành 12 tháng, có hai loại giá 970.000 và 1.250.000 đồng. Loại hàng có tên Jec được quảng cáo là máy sấy thông minh, bảo hành 18 tháng, giá 850.000 đồng.
Một số địa chỉ dịch vụ tại các quận nội thành Hà Nội
Xí nghiệp giặt là thuộc Tổng công ty Du lịch Hà Nội. Xí nghiệp giặt là quân đội, F104, B1, Huỳnh Thúc Kháng (7761055). Công ty TNHH dịch vụ thương mại Hà Nội 63 Mã Mây (8246679). Cục Cảnh vệ (Bộ Tư lệnh Lăng) 63 Lý Thường Kiệt, quận Hoàn Kiếm (ĐT: 9421023). 7 Lý Nam Đế, quận Hoàn Kiếm (ĐT: 820482). 29A Nguyễn Công Trứ, quận Hai Bà Trưng (ĐT: 8211105). 249A Thụy Khuê, quận Tây Hồ (ĐT: 8473615). 172 Thái Thịnh, quận Đống Đa (ĐT: 9198638). 305 Nguyễn Văn Cừ, quận Gia Lâm (ĐT: 8733611). |
Anh Cường, nhân viên phòng kinh doanh Công ty phát triển xây dựng và xuất nhập khẩu Sông Hồng, nhà phân phối máy nhãn hiệu máy sấy Nonan, cho hay hiện tại công ty đang hết hàng, sức tiêu thụ tăng gấp 2-3 lần so với mùa xuân năm ngoái. Ngoài những gia đình có trẻ nhỏ, khách hàng mua máy sấy chủ yếu ở các khu chung cư, tập thể do nhà chật không có chỗ phơi quần áo.
Nếu như năm ngoái mỗi ngày cửa hàng này chỉ bán được 2-3 chiếc thì nay có ngày bán hơn chục cái, đông khách nhất là vào những ngày nghỉ. Đắt khách, loại hàng này lại chỉ bán theo mùa nên các ông bà chủ cửa hàng đua nhau nói thách. Trên phố Phùng Hưng, chiếc máy sưởi dầu tấm nhỏ 50x40 cm có xuất xứ Trung Quốc được “hét” tới 800.000 đồng, trong khi giá bán chỉ có 320.000 đồng, không có phiếu bảo hành của nhà sản xuất.
Ngay những cửa hàng đại lý của các nhãn hiệu Nonan, General Electric, vốn đã được hưởng hoa hồng tới 20% và có quy định không được tăng giá bán, vẫn tranh thủ tăng thêm vài chục nghìn đồng mỗi chiếc.
Thời tiết ẩm ướt kéo dài cũng là lý do khiến các hiệu giặt là đắt hàng hơn nhiều so với bình thường. Theo anh Bùi Trung Dũng, một cán bộ UBND phường, theo quy định của UBND thành phố Hà Nội, cán bộ phường phải ăn mặc lịch sự, thắt cà vạt nghiêm chỉnh để tiếp dân nên anh phải sắm vài bộ comple. Tuy nhiên, để đảm bảo quần áo sạch sẽ trong tình trạng thời tiết ẩm ướt như hiện nay thì giặt phơi tại nhà gặp rất nhiều khó khăn. Chính vì vậy anh thường phải tìm đến các tiệm giặt là. Tuy nhiên với đồng lương công chức phường, giặt là dịch vụ thường xuyên cũng là chuyện đáng phải căn ke hầu bao. Với thời tiết như hiện nay, một tuần anh có thể phải chi ra tới gần 100.000 đồng cho hai bộ comple cùng áo sơmi...
Giá giặt là ở mỗi quận trong nội thành khác nhau. Quần vải, áo sơmi dao động từ 8.000 đến 10.000 đồng/chiếc. Đắt nhất là khu vực Thanh Xuân, áo sơmi dài tay có thể lên đến 9.000 đồng/áo. Áo khoác mùa đông tùy theo chất liệu có giá dao động 20.000-35.000 đồng. Một áo khoác dạ giặt tại cửa hàng 172 Thái Thịnh có giá 35.000 đồng.
Trong khi đó cửa hàng 63 Lý Thường Kiệt nhận giặt quần áo lông vũ với giá 30.000 đồng. Quần áo bình thường thấp hơn 10.000 đồng/áo. Giá giặt khô đối với comple chênh lệch giữa các quận chỉ khoảng 5.000 đồng. Quận Hoàn Kiếm có giá 30.000 đồng/bộ. Trong khi đó tại quận Thanh Xuân và Tây Hồ giá nhích hơn 5.000-6.000 đồng/bộ.
Ngoài các tiệm giặt là tư nhân, nhiều người cũng tìm đến các khách sạn để gửi đồ giặt là. Thời tiết ấm lên, nhu cầu giặt quần áo mùa đông để cất đi cũng đang tăng mạnh. Cửa hàng 249 Thụy Khuê cho biết hiện đã có rất nhiều khách hàng mang quần áo mùa đông đi giặt để cất, nhu cầu giặt là trong những ngày gần đây tăng gấp ba lần mọi khi.
Chị Lê Minh Nguyệt, cửa hàng 249A Thụy Khuê thuộc Công ty Kim Loan, cho rằng người dân nên quan tâm đến quần áo trong thời điểm ẩm ướt như hiện nay bởi nếu các bộ comple, áo khoác sáng màu bởi nếu để ẩm có thể bị nấm mốc “ăn”, rất khó tẩy.
Đối với quần áo rét, trước khi chuyển mùa, bạn cũng nên đem đi giặt, phơi khô và đựng trong túi nilông kín. Nếu không giặt trước khi cất, chất bẩn có trên quần áo sẽ tạo ra mùi rất khó chịu, đến lúc cần sử dụng bạn có thể phải đi giặt lại.
(Theo Tuổi Trẻ)