Cầm chiếc máy hiệu B trên tay, Khoa "Mập" mỉm cười khoái trá nhưng nghe đậm nỗi xót xa: “Tốn kém hết mấy triệu bạc, lại bị bấm mất hai lỗ bằng, giờ tao mới “bắt” được mày đây!”. Khoa "Mập" đĩnh đạc nói: “Chuyện cơm áo gạo tiền. Đây là chiếc máy vừa phát hiện vừa chống lại máy bắn tốc độ của CSGT”.
Khoa ""Mập"" đích thân dẫn PV Công An Nhân Dân đến cửa hàng bán phụ tùng ôtô nơi anh ta mua món “đồ chơi” này. Chủ cửa hàng nhận ra Khoa "Mập", đon đả: “Máy dùng tốt không cậu?”. Khoa "Mập" gật đầu hỏi luôn: “Còn không, cho bạn em một chiếc?”. “Chiều qua còn hai chiếc bán hết rồi. Hay cậu dùng loại 110 USD, xài cũng được lắm?”. Chị ta quay qua nói với thằng đệ tử nãy giờ đứng nghệt mặt ra nghe. Nhận được lệnh chủ, nó nhanh nhẹn đến lạ, thoắt cái đã mang ra chiếc máy loại L của Trung Quốc.
Cách dùng rất đơn giản, chỉ cần bật nút “on” là máy hiện lên đèn đỏ, tiếng loa phát rột rẹt như đang dò radio, một nút vặn volume lớn nhỏ bên sườn trái. Điện thoại của Khoa "Mập" có người gọi đến, đèn báo của chiếc máy cũng nhấp nháy kèm tiếng kêu “bíp...bíp”.
Chị chủ cười khanh khách giải thích: “Cứ gặp các máy phát sóng đúng tần số là nó báo...”. Tôi cũng phì cười: “Thế lúc chạy, xe phải né cả điện thoại à?”. Chị ta nói: “Ồ không, súng bắn tốc độ của CSGT phát sóng mạnh lắm, không “bíp” nhỏ như thế này đâu, kêu lớn lắm, biết liền chứ!”. Chị chủ cửa hàng công nhận: “Ờ, đúng là nó có bất tiện thật. Loại này hơn một năm trước rất thịnh. Mỗi khi nhận được tín hiệu, bất kể là gì tài xế chỉ cần giảm tốc độ, thế là thoát. Lúc khan hàng chị bán đến 200 USD đấy! Còn loại giống của cậu "Mập" kia là máy cao cấp của “đa quốc gia” sản xuất tại Trung Quốc, xuất sang châu Âu; hàng xách tay về nên thất thường, không có đều”.
Viện cớ sáng sớm mai phải chở khách đi Nha Trang, tôi bảo chị ta cố kiếm cho một chiếc. Chị chủ lại quay qua thằng đệ tử, chẳng cần nói nó cũng hiểu ý, leo lên Honda phóng vù đi, dăm phút sau quay về, xách theo hai chiếc: một đã bóc vỏ (để khách xem), một còn nguyên trong hộp. Đúng hiệu B... như của Khoa "Mập", nó lớn và giống như con chuột máy vi tính kèm theo sợi dây điện lò xo một đầu cắm vào máy, đầu kia cắm vào bộ nạp điện xe ôtô. Chị chủ cửa hàng giải thích, đây là một loại máy không những phát hiện mà còn “phá sóng” súng bắn tốc độ. Lắp máy này, xe cứ chạy vô tư...
Thực ra đây là loại thiết bị hỗ trợ cho tài xế lái xe an toàn hơn, nhưng khi đưa vào Việt Nam, hiện nó mới chỉ được biết đến với tính năng “ưu việt” nhất là để... đối phó với CSGT! Giá chị chủ cửa hàng bán cho Khoa "Mập" hôm trước 220 USD; nay chị ta tăng lên 250 USD, không bớt. “Cậu không lấy thì chỉ từ giờ đến chiều cũng có người lấy ngay, không bao giờ ế”, chị ta bảo thế và cười khá thoải mái.
Copy được địa chỉ web của nhà sản xuất trên vỏ hộp, về mở mạng lên, tôi giật mình, loại máy này giá bán chỉ có 99,95 USD.
Một buổi trưa giữa tháng 7 trời nắng nóng như nung người, sau khi liên hệ với Ban giám đốc Trung tâm điều khiển giao thông thuộc Phòng CSGT Công an TP HCM, tôi được biết hiện tổ bắn tốc độ đang làm việc trên tuyến đường đi Tây Ninh, địa bàn Củ Chi. Mặc dù liên lạc bằng điện thoại di động, được chỉ tường tận nơi tổ đang “mai phục” nhưng tôi vẫn không thể tìm ra chỗ nào. Đảo qua đảo lại vài vòng, đi ngang qua một công trình đang xây dựng bên đường, nghe tiếng gọi tôi mới quay lại và nhận ra trung úy Phạm Minh Phước. Không giống như “mấy ông chăn vịt” đã “bắn hạ” Khoa "Mập", nhìn Phước giống như một tay thầu khoán. Anh đưa tôi vào nơi đồng đội đang làm nhiệm vụ.
Thiếu úy Nguyễn Hữu Tạo mình trần trùng trục ngồi chễm chệ trên ghế lái xe lu đậu ven đường, xung quanh che những miếng vải bạt rách tứa lưa. Thấy tôi, anh vơ chiếc áo thun vắt trên thành ghế định mặc vào, tôi xua tay, Tạo cũng xuề xòa: “Ông thông cảm, miễn lễ nhé, nóng chịu không nổi”. Trời nắng quá, mái che bằng sắt của chiếc xe lu sụp xuống ngang mặt thế kia làm gì mà chẳng nóng. Phước phân trần: “Lùm cây, cột điện, quán nước... chúng tôi đã sử dụng các kiểu rồi, nay phải đổi chiến thuật như thế này mới không bị lộ”.
Theo Phước, chỉ cần một xe biết thôi thì coi như cả chuyến công tác không mang lại hiệu quả nào. Cánh tài xế “phím” cho nhau bằng ám hiệu: thấy xe ngược chiều họ chỉ xuống đất, thế là đồng nghiệp chạy ngược chiều sẽ hiểu ngay rằng phía trước đang bị “mai phục”, rồi xe nọ báo cho xe kia như một phản ứng dây chuyền.
Nhưng kiểu “phím” thủ công như thế chỉ là tình huống tức thời, liệu pháp căn cơ bây giờ là phải có “đồ chơi”. Ngồi chung với thiếu úy Tạo khoảng 30 phút mà dễ có đến chục lần tôi thấy anh giơ súng lên nhưng lại hạ xuống, chiếc máy Pro Laser III loại tối tân nhất mới được trang bị cho Phòng CSGT cũng bị vô hiệu hóa. Anh bảo: “Xe đó chạy không dưới 90 km/h nhưng họ lắp “đồ chơi”. Thua!”.
Quả nhiên gặp những trường hợp này, màn hình máy vẫn hiện lên chiếc xe đang phóng như bay nhưng hoàn toàn không hiển thị tốc độ. Bằng kinh nghiệm nghề nghiệp, Tạo có thể đoán được chiếc xe đó đang chạy với vận tốc bao nhiêu nhưng không có bằng chứng, đành lẩm bẩm vài câu cho đỡ tức thôi. Tôi hỏi: “Nếu biết họ chạy quá tốc độ sao không gọi cho trạm phía trước dừng xe kiểm tra xem có thấy “đồ chơi” không?”. Tạo lắc đầu: “Không dễ. Chiếc máy nhỏ bằng bao thuốc lá, họ rút dây cắm ném tọt vào trong cốp khóa lại, chỉ 30 giây, kiểm tra gì được”.
Tôi chạy ngược lên khoảng 4 km, nơi hai chiến sĩ Trạm 1 đang kết hợp làm nhiệm vụ chặn các xe vi phạm chạy quá tốc độ. Quả nhiên, phản ứng đầu tiên của hết thảy các tài xế là... cãi! Nhẹ nhàng thì gãi tai: “Xe em chạy chậm thế mà cũng...” hoặc không ít trường hợp hùng hổ đòi xem bằng chứng. Chẳng khó, trên màn hình còn ghi rõ giờ, phút, ngày tháng, tốc độ... lúc đó mới chấp hành. Vậy nên bảo chặn những xe lắp “đồ chơi” chạy quá tốc độ nhưng không ghi lại được bằng chứng thì chỉ có nước đi hầu kiện suốt ngày.