Hà Trung Hiếu
Có tiếng ai đó gọi tôi từ nơi rất xa, xa lắm, đứt quãng trong tiếng thở mỏi mòn: Hiếu, Hiếu ơi... Đêm về, giấc ngủ trườn qua tôi rồi tuột chạy, lửa nhen lòng tôi những đám cháy... Bàng hoàng bật người dậy, đêm đã quá đêm.
Qua điện thoại, mẹ tôi nấc không thành tiếng và cố gắng áp điện thoại gần miệng bà - thúc giục: "Mẹ nói gì với cháu đi chứ!". Chắc hẳn đó là giây phút khủng khiếp nhất tôi đã từng trải qua, thấu cảm đến tận cùng sự mong manh của sự sống và cái chết. Đấy lại là phút sau cùng của một người ruột thịt, biết là vĩnh biệt mà bất lực nên mới tuyệt vọng và đau đớn tận cùng.
"Bà cảm ơn con, cảm ơn con đã để mẹ ở nhà trông bà... Thôi nhé..."
Đó là những lời nói cuối cùng bà cố trút lại cho tôi, bà không thể nói với tôi được nhiều hơn thế nữa.
"Bà ơi, tại sao, tại sao, bà ơi..."
"Thôi nhé..."
Lời nói của bà găm vào tôi những mũi dao và sẽ ám ảnh tôi như một vết nhói sâu cả mãi về sau.
Bà tôi sống tằn tiện. Từ thời trẻ đến khi về già vẫn giữ cho mình cách sống chắt bóp từng đồng, mặc dù nhà tôi không thiếu thốn gì. Nhà không có nóc, một nách hai con thêm bố mẹ già thường xuyên đau yếu. Bà tôi một mình bươn trải với công tác cơ quan, hết việc lại xoay sở với đủ thứ việc hòng kiếm gạo, kiếm cơm. Chắc bà tôi cũng yếu đuối và mong manh lắm nhưng chẳng mấy khi bà bộc lộ.
Một người đàn bà bất đắc dĩ mang trên vai hai thiên chức thì quá đỗi nhọc nhằn, tôi biết! Có lẽ vì thế nên bà mới kiệm lời, dè sẻn cả lời nựng nịu với con cái. Thi thoảng lắm tôi mới thấy bà cười, chốc lát thôi rồi vụt tắt để lại nét khắc khổ và muộn phiền phủ đầy lên hốc mắt. Mỗi lần gọi điện về nhà, bà chỉ nói với tôi đôi lời, than thở với tôi vài câu, hỏi tôi thêm dăm điều, rồi thôi. Trước khi đặt máy xuống, bao giờ cũng chỉ là: "Thôi nhé..." Hỏi ra mới biết, bà sợ cháu mình... tốn tiền.
Tôi không ngờ rằng "Thôi nhé" còn hàm nghĩa "vĩnh biệt", nhiều khi lời nói không chỉ giản đơn là lời nói.
Đã nhiều năm qua rồi nhưng tôi vẫn có thể nhìn thấy con đường quê, góc phố ban chiều, gian bếp chật với mùi khét nồng của lá khô cháy... Rất rõ. Nơi nào cũng lưu giữ ăm ắp những hình ảnh về bà, báu vật của tôi, vật báu mất rồi, tôi khóc như mưa...
Một ngày rét mướt, bà chở tôi về thăm ông ngoại. Sau xe nào là bánh, nào là kẹo, nào là... tôi với chiếc vại sành to tướng. Hai bà cháu vừa đi vừa hát: "Hoan hô các cụ trồng cây..."
Đến một quãng đường trơn, hai bà cháu ngã soài vào một hũng nước lớn. Bánh kẹo, chum vại lăn lóc bùn đường. Bà bò dậy tìm cháu trong chiếc áo mưa cuốn chặt, thấy cháu nhoẻn cười, bà rớm nước mắt. Khi đấy tôi mới lên sáu, cái tuổi đã bắt đầu biết buồn và cảm nhận được tình yêu thương. Cậu học nơi xa, mẹ tôi cũng bận bịu việc đèn sách ở trường nên nhà chỉ có hai bà cháu với nhau. Bà là người ủ cho tôi xuyên những ngày đông và quạt cho tôi suốt những ngày hạ. Lớn lên một chút, tôi quạt cho bà.
"Bà ơi, con quạt cho bà nhé: 1, 2, 3... 100, con quạt thêm này: 1, 2, 3..."
Giấc mơ tràn về, tôi ngủ lúc nào chẳng hay. Suốt thời ấu thơ, đã biết bao lần bà dắt tôi sâu vào giấc ngủ. Ước chi nếu có thể, tôi xin được đếm số lần tay bà đã mang gió về nơi tôi. Bà ơi...
Tôi lớn lên, thoát ly xa nhà. Mỗi lần về, chỉ mang được cho bà một vài lát bánh kem cuộn rồi lại ùa đi như gió thoảng. Chẳng bao giờ tôi ở lại với bà được một vài ngày hay ngồi trò chuyện, nặn gối cho bà được một lúc. Con người chẳng ai tránh được quy luật sinh-lão. Rồi cũng có ngày tôi đã nhận ra điều hiển nhiên ấy thì cũng là lúc bà tôi đã đi gần hết cuộc đời. Khi đối diện với những vết nhăn chìm sâu trên khuôn mặt của bà, tôi nhìn lại tôi: "Bà ơi, nước mắt chảy xuôi".
"Chắc lần sau mày về, thì cũng chẳng còn bà nữa đâu".
Bà nhìn tôi mênh mông, đôi mắt trũng sâu vô tận.
"Bà đừng nói thế, bà phải sống lâu, sống khỏe để con về thăm bà nữa chứ".
Giờ thì quá xa xôi, bà đã nằm sâu dưới lòng đất, biết chi chuyện nắng mưa, biết chi chuyện giá rét, biết chi chuyện khổ đau.
Vài nét về blogger:
"Âm nhạc là hơi thở, du lịch là cách đánh thức giác quan, thời trang là đam mê, trang trí nội thất giúp bản thân ngẫu hứng và sáng tạo." - Hà Trung Hiếu, hiện sống, học tập và làm việc tại Nhật Bản. - Where there is a will, there is a way. Bài đã đăng: Tâm sự với bạn về sự thay đổi của tớ, Sẽ nhớ mãi nhé, 'lễ đón đông', Bà ơi, Nhớ em, nơi ấy thu Hà Nội, Anh-em hai đường thẳng vô cực, Cho một ngày giông gió xa lắc lơ, Một sự trải nghiệm tuyệt vời, Nếu như... và hạnh phúc.