Ngày đầu tiên cầm bút, tôi viết bằng tay trái. Cha bảo: "Con cầm sai tay rồi", nhưng tôi không thể viết được bằng tay phải. Thế là, ngày đi làm, đêm cha kèm cho tôi viết.
Những ngày đó thật là vất vả đối với tôi. Tôi chỉ cầu mong cha đi ra ngoài để tôi chuyển tay cho đỡ mỏi. Nhiều lúc, tôi đã vứt bút xuống nền nhà oà khóc và nhất quyết không đi học nữa. Cha không nói gì, nhẹ nhàng nhặt bút đặt lên bàn rồi kể tôi nghe câu chuyện "Cóc kiện trời". Tôi lờ mờ hiểu ra ý nghĩa sâu xa trong câu chuyện cha vừa kể. Lối tư duy văn học trong tôi cũng bắt đầu từ đó. Mất nửa năm, tôi mới viết thạo tay phải. Điểm 10 Vở sạch - Chữ đẹp là món quà đầu tiên tôi mang về tặng cha.
Trong giờ ăn cơm, cha dặn tôi phải ngồi thế nào cho khỏi chĩa đũa vào mặt người khác, khi gắp thức ăn thì phải ra sao... Nếp sống ấy đã ăn sâu trong tôi từ những ngày ấy. Chưa bao giờ cha đánh tôi, cũng chưa bao giờ cha bắt tôi ngồi im để nghe "diễn trình lý thuyết". Cha luôn tự để cho tôi biết mình phải làm gì và và xuất hiện khi tôi làm sai hoặc thất bại. Tôi bắt đầu cuộc sống tự lập từ lúc lên 6 tuổi.
- Không có gì là không thể, hãy luôn nhìn về phía trước, ở đó con sẽ thấy mặt trời - Cha nói với tôi.
- Nhưng trời mưa thì làm chi có mặt trời hả cha?
- Con cứ cố học đi, lớn lên con sẽ thấy mặt trời trong mưa.
Tôi lớn lên mang theo dấu chấm hỏi lớn.
Ngày tôi thi ĐH, cầm đề Văn trên tay, câu "Người lái đò Sông Đà" chiếm 5 điểm, tôi thấy cánh cửa ĐH đang khép lại. Tôi chưa đọc hết tác phẩm còn chưa đọc hết huống gì phân tích!?! Tôi buông bút và gục mặt xuống bàn. Nhưng thật lạ, khi tôi nhắm mắt lại cũng là lúc hình bóng cha hiện lên.
Trong căn nhà cấp 4 thấp lè tè, cha hết ngồi lại đứng, mái đầu bạc của cha "chùng" xuống, đôi mắt mang đầy vẻ lo lắng, ưu tư. Tự nhiên, tôi thấy sợ đôi mắt lá răm của cha cụp xuống khi biết tôi trượt ĐH. "Còn nước, còn tát. Cha ơi! Con sẽ cố". Nhớ lại những lời thày giáo phân tích trên lớp và dựa vào cốt truyện, tôi ngồi dậy và bắt đầu làm bài. Ông lái đò Sông Đà chính là cha, là ông cụ Mết trong "Rừng xà nu"... Tôi viết liền một mạch ba tờ, viết trong cảm xúc, viết trong sự thôi thúc của một ánh mắt nhìn.
Ngày tôi nhận giấy báo trúng tuyển ĐH (với điểm văn được 7) tôi đã ôm cha và oà khóc.
Cha ơi! Con đã nhìn thấy được mặt trời trong mưa...
(Theo Tuổi Trẻ)