Trong khi hàng trăm nghìn thí sinh đang hồi hộp chờ đợi kết quả của kỳ thi đại học thì những học sinh được tuyển thẳng đang thảnh thơi chọn trường, chờ đợi ngày chính thức bước chân vào đại học (ĐH). Không thi mà vẫn vào ĐH. Phải chăng họ rất nhàn nhã?
Cả mùa hè lớp 11, Tiến dành trọn cho việc ôn luyện môn lịch sử mà cậu đã yêu thích. Tài liệu, sách vở thiếu thốn của một trường huyện khiến cậu phải gò mình trên chiếc xe đạp chạy suốt mấy chục cây số lên thư viện tỉnh vào những ngày thứ 7 để mượn sách.
Công sức được đền đáp khi Tiến là học sinh duy nhất của huyện được chọn vào đội tuyển đi thi học sinh giỏi quốc gia môn lịch sử. Ngay khi tập trung lên thành phố học ôn một tháng cho kỳ thi quốc gia, cậu hiểu ra mình đang cưỡi trên lưng cọp! Áp lực là một đại diện cho trường huyện, niềm tin, hy vọng của thày cô, sự kỳ vọng của gia đình đè nặng. Đối với cá nhân Tiến thì chỉ cách đoạt giải quốc gia môn lịch sử để vào thẳng đại học, nếu không, rất có thể mất hết khi một tháng trời ôn thi với "một lỗ hổng" kiến thức phổ thông, lại không có thời gian học ôn cho hai môn thi đại học còn lại là văn, địa.
Thế là Tiến phải học cật lực. Mỗi ngày, ngoài hai buổi học chính thức với thầy cô luyện thi, đêm về em chong đèn học đến 4-5h sáng. Đôi khi mọi người cùng phòng chợt tỉnh giấc khi nge Tiến ngủ mơ ú ớ gọi tên một nhân vật, tình huống lịch sử nào đó. Không chỉ riêng em, tất cả những học sinh trong đội tuyển đều chăm chú ôn luyện, thảo luận, tập hợp tài liệu, soạn bài vở. Không khí học tập khẩn trương, cạnh tranh "ngầm" giữa các thành viên đội tuyển cũng gia tăng thêm áp lực cho mỗi người.
Ngày thi rồi cũng qua, Tiến trở về nhà, gầy teo góp và bắt đầu những ngày tháng chờ đợi căng thẳng, hồi hộp, thắc thỏm. Chỉ còn gần 3 tháng là đến kỳ thi tốt nghiệp và đại học. Và giải ba quốc gia đến với Tiến như một niềm hạnh phúc to lớn. Đoạt giải rồi, cậu tiếp tục hành trình ôn thi tốt nghiệp với 6 môn và lại phải học ngày học đêm gấp đôi các bạn để bù đắp cho lượng kiến thức bị hổng trong thời gian ôn thi học sinh giỏi. Một lần nữa thành công lại đến. Với kết quả tốt nghiệp loại khá, em thở phào khi đủ điều kiện để được tuyển thẳng vào ĐH Sư Phạm.
Theo TTXVN, năm 2004 có 1.449 hồ sơ của các học sinh giỏi quốc gia đăng ký tuyển thẳng vào đại học. Tuy nhiên, trong đó có 41 học sinh tốt nghiệp trung bình, có 5 học sinh đoạt giải khuyến khích không đủ điều kiện tuyển thẳng. Trong những người được tuyển thẳng chỉ có 106 trường hợp phải chuyển sang nguyện vọng 2, nguyện vọng 3. Những con số này cho thấy đoạt giải quốc gia chưa hẳn đã có được tấm thông hành đến ĐH một cách suôn sẻ
Long (Đồng Nai) là học sinh chuyên tin từng giành được hai giải nhì quốc gia trong 2 năm lớp 11, 12. Thành tích nổi bật ấy khiến mọi người trầm trồ thán phục và Long còn đạt luôn vị trí học sinh xuất sắc nhất trường trong những năm học đó. Nhưng trong kỳ thi tốt nghiệp, cậu chỉ đạt 5 điểm môn văn. Giấc mộng tuyển thẳng ĐH tan biến. Trong khi những người bạn bình thường cùng lớp hân hoan tiến vào những ĐH tên tuổi thì Long chỉ được tuyển vào hệ cao đẳng. Cậu lầm lũi học ôn thi trong suốt một năm trời để được chính thức có tên trong danh sách thí sinh đậu ĐH năm sau. Sau này Long tâm sự: "Những thành tích đã đạt được sẽ chẳng là gì nếu không thể đặt chân vào ĐH, cái giá phải trả cho danh hiệu học sinh giỏi toàn quốc thật đắt".
Nhưng đứng lên sau thất bại như Long là một điều không phải học sinh thi quốc gia nào cũng đạt được. Nhất là trong lúc vừa ôn thi tốt nghiệp, vừa thi ĐH với những lỗ hổng kiến thức do thời gian ôn luyện thi quốc gia.
Anh đã thi rớt ĐH cũng chính vì thế. Phải nỗ lực lắm cô mới vượt qua được kỳ thi tốt nghiệp, nhưng kết quả chỉ là trung bình. Gia đình thất vọng, những người xung quanh nghi ngờ: "Học sinh trường chuyên, từng thi học sinh giỏi quốc gia mà thế đấy!". Ở nhà một năm, vừa đi làm vừa ôn thi tiếp, nhưng những ngày tháng đi làm mệt mỏi khiến cho kiến thức rơi rụng và cô thi rớt ĐH lần hai. Chán nản, cô không thi nữa. Ngày ngày, khi bạn bè trang lứa tíu tít ở giảng đường ĐH, thì Anh lầm lũi với chiếc áo công nhân đến xí nghiệp may.
Trong kỳ thi học sinh giỏi quốc gia, sự cạnh tranh rất khốc liệt để bước đến vinh quang phải đánh đổi bằng nhiều nước mắt, mồ hôi, công sức. Nhưng, ngay cả khi đạt được vinh quang rồi thì mọi việc đều chưa hẳn đã suôn sẻ.