Chị M. (Cầu Giấy) kể về lần “trót dại” đi đắp mặt chống nám của mình mới đây. Salon thẩm mỹ sử dụng bột đắp mặt được giới thiệu là theo công thức của Dương Quý Phi. Vết nám có tiền sử hơn mười năm của chị được “chẩn” là sẽ chữa khỏi sau ba tháng. 20.000 đồng/lần đắp mặt, một tháng đầu đi liên tục, hai tháng sau một tuần ba lần.
Chị M. còn được mời mua kèm hai hũ kem bôi đêm, cả hai đều không nhãn mác gì. Chủ hàng giải thích vì đây là hãng độc quyền theo đúng “công thức Dương Quý Phi” nên không tiết lộ tên.
Chị M. tuân thủ nghiêm ngặt lịch trình được bày ra, nhưng chỉ một tuần là mặt sưng vù lên, đỏ phừng phừng. Sau tháng đầu tiên của đợt trị liệu, vết sưng kèm tấy đỏ loang dần. Chị M. phải đến bệnh viện da liễu điều trị, bác sĩ đã khuyến cáo là da mặt chị có thể không hồi phục được như cũ.
Theo một chủ tiệm gội đầu trên phố Nghĩa Tân, với giá rửa mặt 5.000 đồng, đắp mặt 15.000-20.000 đồng cho khách thì không gì tiện bằng bột đắp mặt Trung Quốc. “Giá bình dân, cứ đắp 20 phút là mặt mũi sạch bong, da trắng sáng”, chị này cho biết.
Tuy nhiên, theo bác sĩ Nguyễn Thành, Trưởng khoa khám bệnh Viện Da liễu quốc gia, cơ chế mài mòn của các loại mặt nạ được quảng cáo là “chống sừng hóa, lão hóa, làm đẹp da, mịn da” khiến chị em có thể thấy những khác biệt có vẻ tích cực trong vài lần trị liệu đầu.
Sau đó, mức độ bào mòn ngày càng liên tục thì da mặt trở nên mỏng mảnh hơn, dễ bắt nắng hơn. Đó cũng chính là lý do khiến nhiều người ban đầu hăm hở đi đắp mặt vì thấy trắng ra thật, nhưng càng đắp càng đen vì da ngày càng nhạy nắng.
Đi một vòng quanh khu vực chợ đêm Đồng Xuân, không khó để tìm những sản phẩm đắp mặt đóng thành từng gói, vài ba lạng hay cả cân đang được bày nhan nhản. Khách hàng nhận diện được loại mặt nạ chủ yếu dựa vào hình in bên ngoài của túi nilông, hình củ sâm, cây lô hội. Còn xuất xứ ở đâu, ai kiểm định chất lượng thì chịu.
“Giá rẻ, chất lượng nên đắt khách lắm. Các chị đi thẩm mỹ, “bét” nhất cũng hàng trăm nghìn một lần đắp mặt. Đằng này, chỉ 60.000-70.000 đồng là đắp cả tháng", một chủ hàng đon đả mời!
Chị Nguyễn Ngọc Oanh, chủ một shop mỹ phẩm trên phố Thái Hà (Hà Nội), cho biết trước khi mở shop, chị đã có ý định mở thẩm mỹ viện và từng đi thử ở nhiều thẩm mỹ viện. “Tôi đã phát hoảng bởi các loại bột đắp mặt được quảng cáo là xách tay từ Hong Kong, nhưng giống y chang các loại bột giá rẻ mà tôi được người đưa hàng đến nhà mời mua. Các thẩm mỹ viện rẻ tiền thường pha sẵn bột mặt nạ vào các hộp và đắp cho khách hàng khi họ lơ mơ ngủ. Chẳng ai biết bột đó là gì, trừ chủ hàng”, chị Oanh nói. |
Cầm túi bột đắp mặt “nhân sâm”, ngoài có in hình một củ sâm to tướng, người mua sẽ bị hắt hơi ngay vì thứ mùi hắc hắc khó tả của túi bột.
Theo quảng cáo in trên vỏ bao nilông, thành phần của loại “mặt nạ dưỡng da” này gồm nhân sâm, ngọc trai, cánh hoa hồng và rất nhiều thảo dược tự nhiên nổi tiếng.
Còn gói bột mặt nạ “cô tiên”, mặc dù công dụng, cách dùng sản phẩm được in bằng ba thứ tiếng Anh, Trung, Nga, với những lời lẽ hoa mỹ kiểu “sản phẩm chăm sóc tốt nhất cho làn da của bạn”, nhưng tìm đỏ mắt không biết sản phẩm này sản xuất từ chất liệu gì, cơ sở sản xuất ở đâu, số điện thoại liên lạc, tên đơn vị nhập khẩu và chịu trách nhiệm tại VN.
Theo các cô chủ tiệm, loại bột đắp mặt có vô số nhãn hàng như cô tiên, nhân sâm, thanh long, hoa đồng tiền... Loại “tốt” nhất, đồng thời có giá cao nhất theo quảng cáo cũng chỉ 60.000-80.000 đồng/kg.
Mỗi lần dùng chỉ cần trộn 10-20 gram bột với nước ấm 60 độ C đắp mặt trong 20 phút. Dùng 2-3 lần/ tuần sẽ có làn da mềm mịn trắng sáng, sạch thâm nám, mụn cám, chống tia cực tím của mặt trời.
Nếu không muốn pha phách lích kích, các bà, các cô có thể chọn loại “màng đắp mặt” chế biến sẵn. Chủ yếu trong số này có xuất xứ từ Trung Quốc, được quảng cáo là chiết xuất từ bưởi, lô hội, rong biển... Giá bán buôn mỗi gói (sử dụng cho một lần đắp) chỉ 3.500 đồng, còn bán lẻ là 5.000 đồng.
Mang những loại bột này đến gặp “chuyên gia”, chị Minh Anh, chủ một thẩm mỹ viện trên phố Mai Hắc Đế (Hà Nội). Chị Minh Anh quả quyết thành phần của sản phẩm rẻ tiền này chủ yếu là cao lanh, đất sét mục đích là tạo cảm giác mát lạnh và dễ đông cứng.
Nếu da khỏe, ngoài tác dụng mát lạnh tại chỗ, sản phẩm này là vô thưởng vô phạt. Nhưng các làn da yếu ớt thì coi chừng, da có thể bị ăn mòn và dễ nổi mụn, bắt nắng, ngứa, nổi mẩn đỏ. Lý do là trong thành phần sản phẩm có những hóa chất tẩy trắng...
Chị Minh Anh cũng cho biết trên thị trường hiện có nhiều sản phẩm bột mặt nạ nhập lậu, không rõ nguồn gốc xuất xứ. “Có khách hàng của tôi đã mua một túi bột mặt nạ rong biển, sau khi dùng một tuần thấy bị ngứa. Tôi xem túi bột thì thấy nó rất hắc, sờ vào có lợn cợn như bụi bẩn”, chị nói.
(Theo Tuổi Trẻ)