Ngày 7/9, TS.BS Nguyễn Tri Thức, Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy (TP HCM), cho biết tiếp nhận cấp cứu hai bệnh nhân 52 và 56 tuổi, chẩn đoán tai biến sau tiêm filler (chất làm đầy) không rõ loại.
Hai bệnh nhân cho biết được một người xưng là "Thủy thẩm mỹ" hẹn đến nhà nghỉ ở huyện Hòa Thành, Tây Ninh, tiêm filler vùng mũi và má, lúc 10h và 11h ngày 5/9. Trong quá trình tiêm, một người được "Thủy" cho uống hai lần thuốc (không rõ loại) sau đó ngủ thiếp đi. Đến chiều tối, người này tỉnh dậy phát hiện "Thủy" biến mất cùng tài sản của chị gồm điện thoại, trang sức đeo trên người và 7 triệu tiền mặt.
Bệnh nhân còn lại bị đau nhức trong lúc tiêm nên đề nghị ngưng, được "Thủy" giải thích sẽ từ từ giảm. Sau đó, đau và sưng nhiều hơn, chị không liên lạc được với "Thủy".
"Đây là tình trạng lợi dụng tiêm filler lừa người dân, bệnh viện đã thông báo đến Sở Y tế Tây Ninh để có hướng xử lý tiếp theo", bác sĩ Thức nói.
Tại Việt Nam, Bộ Y tế quy định người thực hiện thủ thuật tiêm chất làm đầy phải là bác sĩ chuyên ngành da liễu, tạo hình thẩm mỹ, được đào tạo bài bản. Cơ sở thực hiện thủ thuật phải được cấp phép, đảm bảo nguyên tắc vô trùng khi tiêm, không sử dụng filler không rõ nguồn gốc và chất lượng.
Mới đây, người phụ nữ 26 tuổi bị áp xe ngực sau tiêm filler tăng vòng một tại một khách sạn ở TP HCM. Hồi tháng 6, người phụ nữ 27 tuổi tử vong sau tiêm filler nâng ngực tại một khách sạn ở quận 10, nghi do sốc thuốc. Không ít người bị mù mắt vĩnh viễn, tai biến không hồi phục sau tiêm filler tại những cơ sở thẩm mỹ "chui", người thực hiện không có chứng chỉ hành nghề, lén lút thực hiện.
Theo VnExpress