Vẫn chưa hết bàng hoàng, chị Nhu, mẹ của Thu, kể: “Tôi có ký hợp đồng tư vấn du học với Công ty TNHH Tư vấn Du học Quốc tế Song Du (491 Huỳnh Văn Bánh, phường 14, quận Phú Nhuận, TP HCM) nội dung là lo thủ tục du học tại Ireland với chi phí dịch thuật 500 USD, dịch vụ 700 USD nhưng bị từ chối visa nên công ty đã chuyển hồ sơ con tôi sang Trường Girne American University. Ngày 21/9, con tôi đáp máy bay sang trường này nhập học. Sau đó tôi mới biết đó là quyết định sai lầm”.
Nội dung quảng cáo của Công ty NHH Tư vấn Du học Quốc tế Song Du với câu chữ nhập nhằng “Trường American University chi nhánh tại Bắc Cyprus...” dễ đánh lừa người học. |
Chị Nhu bức xúc nói tiếp: “Trước khi con tôi đi, công ty đã tư vấn rằng: Trường này của Mỹ có chi nhánh tại Bắc Cyprus, học 6 tháng hoặc 1 năm sẽ chuyển tiếp qua các đại học của Mỹ, Anh, Australia... Nhưng khi sang đến nơi, con tôi tiếp xúc với bà Elvira Sabirova, phụ trách sinh viên quốc tế của trường, thì được trả lời 2 vấn đề trên như sau: Trường Girne American University là trường của Thổ Nhĩ Kỳ, không chịu trách nhiệm về việc chuyển tiếp qua Mỹ cho sinh viên”. Tại Việt Nam, Công ty Prudential (gia đình có ký hợp đồng bảo hiểm cho Thu) đã từ chối ký dịch vụ bảo hiểm “chết do tai nạn” vì tính chất nơi đến (không an toàn). Với 3 lý do trên, chị Nhu quyết định cho con trở về nước dù mới sau 2 tháng nhập học.
Chỉ trong 2 tháng, chị Nhu đã bỏ ra tổng cộng 9.469,5 USD cho việc đi học của con mình, gồm: 500 USD phí dịch thuật 700 USD phí dịch vụ 3.594,5 USD học phí (đã trừ học bổng có trị giá 25% học phí) 895 USD vé máy bay lượt đi 780 USD vé lượt về 3.000 USD chi phí thuê nhà, ăn ở trong 2 tháng |
Để kiểm chứng thông tin, phóng viên Người Lao Động đã vào địa chỉ website của trường (www.gau.edu.tr) thể hiện trên thư nhập học do trường gửi cho Thu và thấy lời giới thiệu sau: “Girne American University được thành lập năm 1985, là cơ sở giáo dục đại học độc lập, phi lợi nhuận. Từ khi thành lập, trường tập trung đặt trọng tâm vào việc đào tạo đại học theo hệ thống Mỹ...”. Trong phần giới thiệu không hề nói trường là chi nhánh của trường nào cả. Chỉ có là từ năm 2003, trường này có chương trình mới (áp dụng cho khoa kinh doanh, kinh tế và công nghệ thông tin) cho phép sinh viên có thể lấy 2 bằng, một của trường này và một của University of Northern Virginia, Mỹ.
Thêm vào đó, vấn đề chị Nhu quan tâm nhất là cơ hội chuyển tiếp lại quá mông lung. Quảng cáo trên phương tiện thông tin đại chúng của Công ty Song Du nhấn mạnh: “Có thể chuyển tiếp đi các nước Anh, Mỹ, Australia, Canada... dễ dàng”, nhưng trong thư điện tử trao đổi với gia đình Thu, bà Elvira Sabirova nói rõ: “Theo kinh nghiệm của tôi, sẽ dễ dàng hơn để xin visa đi Mỹ từ nước bản địa (nghĩa là trở về Việt Nam để xin). Là một trường đại học, chúng tôi không thể bảo đảm sẽ xin được visa từ Đại sứ quán Mỹ cho sinh viên. Chúng tôi chỉ giúp họ trong việc cung cấp thông tin theo yêu cầu của đơn xin cấp visa”.
Thực tế là việc chuyển tiếp còn tùy thuộc nước đến có chấp nhận visa hay không, chứ không phải 100% sinh viên đều được chuyển tiếp. Do đó, dù học 6 tháng hay 1 năm mà phía nước đến từ chối thì cũng đành chịu.
Một vấn đề quan trọng khác khiến cho chị Nhu quyết định cho con quay về đó là Thu không có cơ hội trau dồi tiếng Anh. Thu nói: “Tuy trong trường học bằng tiếng Anh nhưng người bản xứ là người Thổ Nhĩ Kỳ, họ chỉ nói tiếng Thổ nên em không thể nói chuyện với ai trong sinh hoạt cũng như để trau dồi thêm tiếng Anh. Còn tiếng Thổ thì em không muốn học!”.