Kẹt xe có khi làm tổn thất nhân mạng. Xe cấp cứu kẹt giữa vòng vây tại vòng xoay Hàng Xanh. |
"Dù chưa tính toán cụ thể thiệt hại do kẹt xe gây ra trong các tháng đầu năm 2007 nhưng với tình trạng ùn tắc giao thông tăng lên như hiện nay thì thiệt hại phải tăng nhiều so với trước đây", Phó giáo sư, tiến sĩ Phạm Xuân Mai, Trưởng Khoa Kỹ thuật Giao thông ĐH Bách khoa TP HCM, đã nhận định như thế về thiệt hại từ nạn kẹt xe ở TP HCM. Theo tài liệu nghiên cứu của Khoa Kỹ thuật Giao thông ĐH Bách khoa TP, hằng năm, nạn tắc nghẽn giao thông ở TP HCM kéo theo thiệt hại về kinh tế xã hội ước tính lên đến gần 14.000 tỷ đồng.
Liên tiếp nhiều ngày qua, người dân thành phố vô cùng khổ sở với nạn kẹt xe xảy ra trên hàng loạt các trục đường chính. Nhà ở khu vực Ngã tư Ga, phường Thạnh Lộc, quận 12, TP HCM, nhưng cơ quan ở quận 3, thành thử ngày nào anh Dương cũng đến nơi làm việc trễ, do bị kẹt xe ở đường Nguyễn Kiệm (quận Gò Vấp). Quá bực bội với nạn kẹt xe ở đoạn đường này, anh Dương quyết định chấp nhận tốn thêm tiền xăng và thời gian để đi đường vòng theo lộ trình: Quốc lộ 1A, đến ngã tư Bình Phước rồi vòng lên Quốc lộ 13, nhưng đến đường Đinh Bộ Lĩnh cũng không thể thoát được kẹt xe. Hôm sau, anh “thử nghiệm” đi theo lộ trình: Ngã tư Ga - An Sương rồi xuôi về đường Trường Chinh nhưng đến Cách Mạng Tháng Tám cũng rơi vào dòng xe cộ bủa vây... Do tình trạng ùn tắc gia tăng nên những ngày qua, người dân ở vùng ven đi vào khu vực nội thành TP HCM vào những giờ cao điểm tốn gấp đôi thời gian, tiền xăng cũng tăng lên đáng kể.
Theo tính toán của Khoa Kỹ thuật Giao thông ĐH Bách khoa TP HCM, với mức GDP trên 1.500 USD/người/năm của thành phố hiện nay, tính ra trung bình mỗi giờ người lao động làm ra hơn 0,72 USD/người thì mỗi khi kẹt xe (với thời gian kẹt xe trung bình là 45 phút) mức thiệt hại là 0,54 USD/người. Hiện với khoảng 286 xe cơ giới các loại và 4 triệu xe máy lưu thông, tính ra thiệt hại về thời gian do kẹt xe gây ra tại 60 điểm ở TP lên đến gần 7.500 tỷ đồng mỗi năm. Như vậy, hằng ngày thiệt hại về thời gian do kẹt xe gây ra trên 20 tỷ đồng.
Ông Huỳnh Thanh Nhã, Trưởng Phòng Kiểm tra và Giám sát môi trường Chi cục Bảo vệ Môi trường TP HCM, cho rằng dù chưa có kết quả quan trắc cụ thể, nhưng nếu kẹt xe tăng lên thì mức độ ô nhiễm khí thải xe máy, ô tô cũng tăng theo. Các bác sĩ về sức khỏe lao động và môi trường cho biết thêm, tình trạng kẹt xe kéo dài gây ô nhiễm môi trường ngoài ảnh hưởng xấu đến sức khỏe người dân còn gây ra các tác hại khác. Đơn cử, một người trên đường đi làm bị kẹt xe, thường thấy bực bội nên năng suất làm việc trong ngày đó sẽ giảm. Không chỉ những người lưu thông trên đường khổ sở với kẹt xe, những hộ kinh doanh ở các tuyến đường thường xuyên xảy ra ùn tắc cũng kêu trời vì buôn bán trở ngại. “Mỗi lần kẹt xe là người lưu thông tràn hết lên vỉa hè, chẳng còn chỗ cho khách đậu xe vào mua hàng”, chị Hoa, chủ tiệm quần áo trên đường Nguyễn Kiệm, quận Gò Vấp, than thở. Chưa hết, để hạn chế nạn kẹt xe, hằng năm thành phố tốn rất nhiều tiền cho việc phân luồng, bố trí lực lượng hướng dẫn giao thông...
Các chuyên gia về giao thông cảnh báo, do đến năm 2020 TP mới có thể có tàu điện ngầm, nên trong những năm tới kẹt xe ở TP sẽ còn dữ dội hơn.
Theo Phó giáo sư, tiến sĩ Phạm Xuân Mai, thời gian gần đây việc phân luồng nhiều tuyến đường vẫn không giải quyết được nạn kẹt xe bởi xe cộ lưu thông trên đường phố giống như dòng nước chảy, ngăn bịt chỗ này thì nước chảy chỗ khác. Do đó, trong khi lượng xe cá nhân không ngừng tăng lên nhưng tình trạng giao thông vẫn như cũ, phân luồng đường thoáng chỗ này thì chỗ khác sẽ ùn tắc. Ông Mai cho rằng để hạn chế kẹt xe hiện nay, chỉ có biện pháp duy nhất: giảm xe cá nhân và tăng cường phương tiện vận tải hành khách công cộng.
(Theo Người Lao Động)