Trung tâm Giao dịch chứng khoán TP HCM. |
Những NĐT mới tham gia thị trường, còn thiếu kiến thức về chứng khoán (CK) thường nhìn nhận hoạt động giao dịch từa tựa như đi buôn, tức là chớp thời cơ mua ở giá thấp và đợi giá lên cao để bán ra.
Một trong những dấu hiệu được các nhà đầu tư này sử dụng để đánh giá tình hình là khối lượng dư mua sau khớp lệnh mỗi phiên. Đối với nhiều hình thức đầu tư khác, tình hình cung cầu có thể nhận định khá chuẩn xác nhưng với TTCK, những mánh giao dịch của những cao thủ có thể khiến nhà đầu tư tay mơ phán đoán sai.
Diễn biến giá CP hiện bị tác động chủ yếu bởi quy luật cung cầu. Tuy nhiên, cầu cũng có loại cầu thật và cầu ảo. Cầu ảo dễ dàng được tạo ra bởi những NĐT nắm trong tay khối lượng CP lớn hoặc tài khoản đầy tiền. Cầu ảo được tạo ra bằng những lệnh mua mà người đặt biết chắc chắn rằng lệnh đó không được khớp hoặc có khớp thì cũng chỉ được một khối lượng rất thấp.
Với quy trình khớp lệnh định kỳ, lệnh nhập phải thông qua công đoạn thủ công tại sàn và trình tự ưu tiên khớp theo thời gian đặt lệnh. NĐT có ý định tạo cầu ảo căn cứ vào diễn biến giao dịch để đặt lệnh sát giờ khớp, thường là trong đợt giao dịch thứ ba, đủ để lệnh được vào hệ thống nhưng không được khớp.
Như vậy, khối lượng này sẽ trở thành dư mua nhưng lại không phản ánh đúng nhu cầu thị trường mà mang tính chất đổ thêm dầu vào lửa. NĐT ít kinh nghiệm chỉ biết căn cứ vào khối lượng dư mua thông báo lên tới hàng trăm ngàn CP để cho rằng cầu đang rất lớn nghĩa là giá sẽ còn tăng. Mánh này đặc biệt phát huy tác dụng trong thời điểm lượng bán quá ít và giá liên tục khớp mức trần.
"Anh ơi bao nhiêu thì mua được"? Đó là câu hỏi rất thường thấy tại các sàn giao dịch vì phần đông NĐT mới tham gia rất ít kinh nghiệm, thậm chí còn chưa đọc thông bảng giao dịch điện tử. Kỹ thuật "rải đinh" tung hoả mù trên bảng giao dịch đã được nhiều NĐT lão luyện "bật mí" từ lâu và không còn là bí mật, thậm chí người nước ngoài cũng học được và sử dụng.
Tuy nhiên, với NĐT mới chơi, tìm được giá chào hợp lý là một bài toán nhức đầu và nhanh nhất là đặt mua giá trần. Đây cũng là nguyên nhân khiến giá CP bị kích lên cao.
Kỹ thuật "rải đinh" rất đơn giản: Lợi dụng giới hạn hiển thị 3 cột giá chào mua, chào bán tốt nhất của bảng giao dịch để che đi mức giá khớp thật. Trong biên độ dao động giá 5%, nhà đầu tư có thể đặt tại nhiều mức giá khác nhau, nhưng trên bảng điện tử chỉ đủ chỗ để hiện 3 giá bán thấp nhất và 3 giá mua cao nhất.
Như vậy, chỉ cần vài lệnh đặt bán thật thấp và vài lệnh đặt mua thật cao với khối lượng tối thiểu (10 CP) là đã chiếm hết chỗ. Giá khớp sẽ là cuộc đấu trí đằng sau bảng giao dịch với các lệnh không hiện lên màn hình.
Theo lời khuyên của các cao thủ, NĐT mới nên chú ý tới mức giá khớp dự kiến. Nếu muốn mua, NĐT nên đặt trên giá khớp dự kiến vài trăm đồng là có thể mua được và nếu muốn bán có thể làm ngược lại.
Tuy nhiên, để có thể xác định chính xác giá khớp dự kiến, NĐT cần có thời gian và lượng lệnh tương đối lớn đã vào hệ thống rồi mới đặt lệnh. Cách căn cứ giá khớp dự kiến hầu như không có hiệu quả trong tình hình thị trường bốc hoả như hiện tại với số lệnh quá lớn, thậm chí được đặt ngay từ hôm trước.
Các mánh giao dịch này đang được áp dụng phổ biến do những hạn chế căn bản của phương thức khớp lệnh định kỳ. Dự kiến trong quý II/2007, TTGDCK TPHCM sẽ áp dụng phương thức khớp lệnh liên tục, các lệnh nhập vào hệ thống được khớp ngay nếu phù hợp về giá, sẽ giải quyết được tình trạng này.
(Theo Lao Động)