Uy tín của ngành dầu khí sụt giảm do tác động của vụ án. |
Sinh năm 1957 tại huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam, sau khi tốt nghiệp đại học Bách khoa, từ năm 1985-2002, Trần Quang là cán bộ Công ty Dịch vụ Kỹ thuật dầu khí (PTSC). Chức vụ cao nhất mà Quang đảm nhiệm chỉ là chức Trưởng Xưởng điện lạnh của công ty này.
Nhưng thực ra trong đường dây tham nhũng lớn trong ngành dầu khí tại Vũng Tàu, Quang "Điện Lạnh" đóng một vai trò đặc biệt quan trọng như một "ông trùm" chuyên lo công tác hậu cần. Đại bản doanh của Quang (cũng là trụ sở của một số công ty lớn do Quang điều hành) đóng ở một tòa nhà đẹp nhất trên đường Bacu, thành phố Vũng Tàu.
Công tác gần 20 năm trong ngành dầu khí, với nhãn quan "xuyên biên giới", Quang đã tìm cách làm ăn riêng bằng việc móc nối với một số đối tượng ở nước ngoài để liên kết khai thác thị trường dầu khí béo bở ở Việt Nam.
Quang đã hùn vốn với Macxim (tức Nam, quốc tịch Nga) để thành lập ra 3 công ty: Talika, Laverton và InterPet ở nước ngoài để cung cấp thiết bị dầu khí cho Xí nghiệp liên doanh dầu khí Việt Xô (VSP).
Cả 3 công ty này không đăng ký hoạt động tại Việt Nam, nhưng từ năm 1998, Trần Quang và Macxim đã mở tài khoản của 3 công ty này tại Chi nhánh ngân hàng Deustche Bank của CHLB Đức tại TP HCM, đồng thời ủy quyền cho Trần Ngọc Giao (một đàn em thân cận của Quang) làm chủ tài khoản.
Thực tế 3 công ty này đều là những công ty "ảo" để phục vụ cho việc mua bán thầu và rửa tiền của đường dây tham nhũng nói trên.
Tiếp theo, Quang và Macxim lại thành lập Công ty TNHH InterPet Việt Nam tại tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu (100% vốn nước ngoài) đưa Trần Ngọc Giao làm Chủ tịch HĐQT, Macxim làm Giám đốc, Nguyễn Lai Phong làm Phó giám đốc.
Nhưng theo kết luận của cơ quan điều tra, người thực sự điều hành hoạt động của cả 4 công ty này là Trần Quang. Còn theo lời khai của Quang tại cơ quan công an, thì vốn của 4 công ty này hiện có 1 triệu USD, trong đó Trần Quang chiếm 60%, Macxim 40%. Đáng chú ý, hàng năm các công ty này đã cung cấp vật tư, thiết bị cho VSP với trị giá từ 200 nghìn đến 2 triệu USD.
Và trong vụ án nói trên, từ năm 2000-2002, các công ty của Trần Quang đã tham gia 2 gói thầu lớn của ngành dầu khí là dự án Block nhà ở 140 chỗ và dự án sửa chữa hệ thống giàn Ballast Đại Hùng 1 cho VSP.
Dự án Block nhà ở (trên biển) 140 chỗ nằm trong tổ hợp công nghệ trung tâm 3 thuộc vòm Nam mỏ Bạch Hổ đã được Chính phủ và Bộ Kế hoạch Đầu tư phê duyệt: áp dụng hình thức đấu thầu quốc tế 2 giai đoạn. Thực hiện quyết định này, VSP đã gửi thư mời thầu giai đoạn 1 tới 18 nhà thầu, trong đó có Viện Corall thuộc nước Cộng hòa Ukraina (đây là Viện có kinh nghiệm thiết kế các công trình trên biển, đã tham gia nhiều dự án của VSP).
Do không có khả năng về tài chính, nên khi tham gia đấu thầu, đại diện của Viện Corall đã đến gặp Trần Quang để tìm đối tác liên danh. Biết được việc này, Nguyễn Quang Thường (lúc đó là Giám đốc Công ty PTSC) đã thông qua Trần Quang để gặp đại diện của Viện Corall, rồi thống nhất thành lập liên danh tham gia đấu thầu xây dựng Block nhà ở 140 chỗ.
Theo thỏa thuận này thì PTSC đứng đầu liên danh để giao dịch với chủ đầu tư VSP trong quá trình chào thầu, đấu thầu và chịu trách nhiệm về vốn, mua vật tư, thiết bị, tổ chức thi công; phía Viện Corall thực hiện thiết kế, giám sát kỹ thuật (lợi nhuận PTSC hưởng 60%, Corall hưởng 40%).
Đầu tháng 11/1999, khi biết tin liên danh PTSC/Corall trúng thầu (nhưng chưa được công bố chính thức), Dương Quốc Hà, Phó tổng Giám đốc VSP (chủ đầu tư) là Phó Hội đồng xét thầu đã thông qua Trần Quang gặp Nguyễn Quang Thường để bàn bạc và đã gặp nhau tại khách sạn Sofitel Plaza, Hồ Tây, Hà Nội.
Tại cuộc gặp này, Thường và Quang cho biết dự kiến tổng chi phí gói thầu khoảng 15,4 triệu USD. Hà hỏi xem giá Thường định bỏ thầu là bao nhiêu, Thường cho biết giá bỏ thầu là 15,5 triệu USD, còn giá "hờ" là 17,2 triệu USD. Với gợi ý rút tiền lời để chia nhau, Hà nói với Thường cứ bỏ 17,2 triệu USD sẽ vẫn được trúng thầu. Thường nói giảm đi 3%, Hà đồng ý thống nhất bỏ giá là 16,9 triệu USD, phần chênh lệch (1,4 triệu USD), Thường và Hà giao cho Trần Quang thực hiện việc rút tiền trong dự án này để chia nhau.
Theo Thanh Niên, tháng 11/1999, liên danh PTSC/Corall được công bố "trúng thầu" và VSP đã ký hợp đồng với PTSC về việc chế tạo mới Block nhà ở 140 chỗ trên biển với tổng trị giá 16.997.105 USD.
Trong dự án Block nhà ở 140 chỗ nói trên, Trần Quang đã tích cực giúp Nguyễn Quang Thường để ngoài sổ sách, không hạch toán số tiền 7.790.673 USD. Quang còn xây dựng phụ lục hợp đồng 03 để nâng giá trị vật tư, thiết bị, làm giả hợp đồng gây thiệt hại tài sản nhà nước là 2.228.674 USD; đồng thời Quang là trưởng dự án sửa chữa giàn Ballast Đại Hùng đã để ngoài sổ sách không hạch toán số tiền 1.551.110 USD; tổng cộng gây thiệt hại cho cả 2 dự án là 3.464.675 USD.
Nguyễn Quang Thường và đồng bọn đã lập hợp đồng giả số 02-00/PTSC-SERV và đã được Công ty PTSC (do Thường làm giám đốc) thanh toán thông qua 55 bộ chứng từ hóa đơn giả và chuyển trả tiền vào tài khoản của Trần Quang mở tại Deustche Bank, TP HCM được 6.708.760 USD, còn lại 1.081.912 USD chưa kịp chuyển cho Quang thì vụ án bị phát hiện.
Trong phi vụ này, Trần Quang đã 2 lần đưa tiền cho Dương Quốc Hà tổng cộng 535.000 USD; đưa cho Nguyễn Quang Thường nhiều lần tổng cộng là 400.000 USD; đưa cho Cao Duy Chính (Giám đốc Xí nghiệp dịch vụ cơ khí hàng hải, thuộc PTSC) 20.000 USD và 150 triệu đồng VN; chi cho Trần Ngọc Giao 70.000 USD.
Cơ quan điều tra xác định các hành vi phạm tội của Trần Quang đã làm thiệt hại tài sản của 2 dự án Block nhà ở 140 chỗ và giàn Ballast là 3.464.675 USD (tương đương 33,3 tỷ đồng). Và trong tổng số tiền 2.109.443 USD tham ô (từ 2 dự án) mà đường dây tham nhũng nói trên chia nhau, thì riêng Trần Quang đã chiếm 1.074.093 USD (tương đương 16,95 tỷ đồng).
Trong quá trình điều tra, gia đình Trần Quang đã nộp 21,03 tỷ đồng, nên số tiền mà Quang còn phải nộp trả cho nhà nước là 536.427 USD (tương đương 8,46 tỷ đồng VN).