![]() |
Bác sĩ Nayana Patel (giữa) và 2 bà mẹ mang thai hộ tại bệnh viện của bà ở Anand, bang Gujarat. |
Sau khi hạ sinh được một cặp sinh đôi khỏe mạnh, cô A., một phụ nữ Ấn Độ trẻ giấu tên, trao 2 đứa bé này cho một cặp vợ chồng người Mỹ gốc Ấn và biết rằng có thể cô không bao giờ gặp lại chúng. Mẹ chồng của A. nói: “Bố mẹ của cô không hề biết con mình đang làm gì. Cô ta nói dối rằng vừa sinh một đứa con trai nhưng nó đã qua đời”. Cô A., năm nay 27 tuổi, là một phần của một nhóm những bà mẹ mang thai hộ mắn đẻ nhất ở Ấn Độ. Dù việc mang thai hộ không bị xem là bất hợp pháp ở Ấn Độ nhưng công việc này vẫn phải được giữ kín ở một đất nước còn bảo thủ này.
Cô A. và 2 em chồng của mình, tất cả đều đã làm mẹ, năm ngoái cũng từng mang thai hộ và sinh con cho những cặp vợ chồng vô sinh trong lúc một người em khác cũng đang chờ đến ngày lâm bồn. Đổi lại, họ được trả một khoản tiền 100.000 rupee (khoảng 36 triệu đồng VN) cho mỗi lần mang thai hộ, một khoản tiền tương đối lớn nếu so với số tiền 44 rupee mà chồng họ kiếm được trong một ngày làm việc. Tuy nhiên, để có được số tiền này, họ phải trả một cái giá nhất định. Vì lý do tài chính, những bà mẹ mang thai hộ chuyên nghiệp này buộc phải nói dối, giấu giếm và thường là sống lẩn tránh những cặp mắt phản đối trong vòng 9 tháng trời.
Bất chấp những khó khăn trên, việc mang thai hộ đã mang lại những thay đổi về mặt xã hội tại thị trấn nhỏ Anand của bang miền Tây Gujarat. Sáu phụ nữ của thị trấn 150.000 dân này và một số làng xung quanh đã bắt đầu làm công việc mang thai hộ từ 2 năm qua, trong đó có 3 người từng mang thai hộ cho các cặp vợ chồng Ấn Độ đang sống ở Mỹ. Tất cả đều tìm cách che giấu việc mang thai hộ này vì sợ rằng nó có thể bị xem là trái đạo đức.
Dù vậy, số tiền được trả từ việc mang thai hộ đang làm thay đổi thái độ của một số người. Bác sĩ Nayana Patel, người điều hành bệnh viện trị vô sinh Akanksha ở Anand, nói: “Có một số người phụ nữ gặp phải vấn đề về tài chính nên không ngại làm công việc mang thai hộ chuyên nghiệp để kiếm tiền giải quyết những khó khăn của mình”.
Bà Patel cho rằng bà chưa nhận được bất kỳ lời phàn nàn nào từ công việc tư vấn và bảo vệ cho những phụ nữ mang thai hộ mà bà đang làm Ngược lại, bà nhận được nhiều e-mail của các cặp vợ chồng sống ở Anh và Mỹ, trong đó có cả người bản xứ. Những người này bị thu hút bởi triển vọng kiếm được một người mang thai hộ với khoản tiền 5.060 USD ở Ấn Độ, thấp hơn nhiều so với số tiền 40.000 USD nếu việc này được thực hiện ở Mỹ.
Ngành y tế Ấn Độ vào năm ngoái đã ban hành những hướng dẫn về hoạt động của khoảng 250 bệnh viện có thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm ở nước này, trong đó dự báo rằng khoảng 19 triệu cặp vợ chồng ở nước này có thể bị vô sinh. Với sự xuất hiện ngày càng nhiều của các cặp vợ chồng trung lưu ở Ấn Độ, nhu cầu về việc mang thai hộ được cho là sẽ gia tăng. Bác sĩ Mital thậm chí còn dự báo rằng Ấn Độ có thể trở thành trung tâm của loại hình “du lịch sinh sản” trong tương lai.
(Theo Người Lao Động)