>> Con đường cocain của mafia Italy
Báo cáo nói trên nêu các hoạt động bất hợp pháp chủ yếu của mafia Italy bao gồm: buôn lậu ma túy và hàng hóa khác, tống tiền, cho vay nặng lãi, bảo kê và quản lý các đường dây mại dâm. Doanh số buôn lậu hàng hóa của mafia ước gần 10 tỷ USD, trong đó có một nửa thuộc công nghiệp thời trang. Về nông nghiệp, mafia hoạt động trong ngành đánh cá, sữa, cà phê, bánh mì.
Chẳng hạn như tổ chức Camorra kiểm soát 2.500 lò bánh mì bất hợp pháp. Dạng tội phạm có tổ chức này hoạt động mạnh tại miền Nam chủ yếu tại đảo Sicily, thành phố Naples và miền Nam khu vực Calabria và Puglia. Nhiều chủ doanh nghiệp nơi đây nghĩ rằng tiền bảo kê nộp cho mafia (được gọi là pizzo) là khoản chi không thể tránh được.
Các tổ chức mafia có thể đốt nhà xưởng, xe cộ và thậm chí đánh bom nếu các chủ doanh nghiệp không nộp tiền hoặc chống đối. Báo cáo nói trên cho rằng có khoảng 20% cửa hàng ở Italy phải nộp bảo kê và tại Sicily tỷ lệ này lên đến 80%. Tổng số doanh nhân phải nộp tiền cho mafia ước khoảng 160.000 người. Tình hình này khiến giới doanh nhân nước ngoài lo ngại. Theo ông Tano Grasso, chủ tịch một ủy ban chống nạn tống tiền, trong số 100 nhà đầu tư nước ngoài vào Italy, chỉ có một người kinh doanh tại miền Nam.
Bên cạnh những nỗ lực chống mafia của chính quyền, phong trào phản kháng của giới làm ăn ngày càng mạnh hơn, nhất là sau khi trùm mafia số một Bernardo Provenzano bị bắt giữ hồi năm 2006. Ông Tano Grasso cho rằng mafia tồn tại nhờ doanh nghiệp nuôi dưỡng. Ông này vận động chống mafia từ năm 1990 và từ chối nộp tiền bảo kê cho cửa hàng của mình.
(Theo Người Lao Động)