Bác sĩ Đặng Hoàng Sơn, Trưởng Khoa Tai mũi hong Bệnh viện Nhi Đồng 1 TP HCM cho biết, trẻ đi bơi ở những nơi nước không sạch sẽ rất dễ mắc bệnh tai mũi họng. Môi trường trong tai, mũi, họng vốn có một số vi khuẩn sinh thường trú nhưng không gây bệnh. Khi đi bơi, nếu nước hồ bơi bẩn, vi khuẩn sẽ lọt vào vùng tai, mũi, họng và gây bệnh.
Trẻ bình thường nào cũng có nguy cơ mắc bệnh tai mũi họng, nhưng những trẻ đã mắc bệnh này thì nguy cơ tái phát khi đi bơi còn cao hơn. Thực tế, khoảng 40% trẻ đến Bệnh viện Nhi Đồng 1 khám bệnh do tái phát bệnh tai mũi họng nhiều lần đều có nguyên nhân từ đi bơi. Vì vậy, bác sĩ Sơn khuyên nếu trẻ đang bị bệnh lý mũi xoang thì tuyệt đối không cho đi bơi. Kể cả khi trẻ đã khỏi bệnh thì cũng phải đợi sau 3 tháng mới cho đi. Những trẻ từng mắc bệnh lý mũi, xoang khi xuống hồ bơi phải đeo kính, bịt mũi bằng nút cao su... Nếu thấy trẻ vừa hết triệu chứng (thực ra mới bớt bệnh) đã cho trẻ đi bơi thì sẽ dễ làm bệnh tái phát.
Bệnh viêm kết mạc dễ lây trong hồ bơi
Viêm kết mạc (dân gian thường gọi là đau mắt đỏ) từ hồ bơi thường do virus gây ra và dễ lây lan trong nước. Bác sĩ Trần Châu Thái, phụ trách Phòng khám mắt Bệnh viện Nhi Đồng 1 cho Người Lao Động biết, bệnh viêm kết mạc thường phát ngay triệu chứng sau khi mắc, với biểu hiện mắt đỏ, chảy nước mắt, ngứa mắt... Nếu chăm sóc không đúng cách hoặc điều trị trễ, bệnh có thể dẫn đến bội nhiễm hoặc viêm loét giác mạc. Lúc này, nếu điều trị không kịp thời, bệnh để lại sẹo giác mạc và gây mù.
Bác sĩ Thái khuyên các bậc cha mẹ nên cho trẻ đeo kính khi bơi, bơi xong nên tra các thuốc nhỏ mắt như Neocin, Cloraxin 0,4% để vệ sinh mắt và nhớ lau chùi mắt bằng bông gòn sạch, khăn sạch. Với trẻ có biểu hiện viêm kết mạc, nếu chưa có điều kiện đi khám thì có thể dùng các loại thuốc trên để nhỏ mắt, 2-3 ngày sau mà vẫn không bớt thì đưa trẻ đến bác sĩ chuyên khoa để khám và điều trị.
Bệnh não mô cầu - nguy cơ đáng sợ nhất từ hồ bơi
Theo bác sĩ Trần Thị Việt, Trưởng khoa Nhiễm Bệnh viện Nhi Đồng 2, nguy cơ mắc bệnh não mô cầu khi đi bơi tuy thấp nhưng rất nguy hiểm. Vi khuẩn não mô cầu có trong nước hồ bơi, khi xâm nhập cơ thể có thể gây ra nhiều bệnh khác nhau: đến họng gây viêm họng (sốt, đau họng), vào máu thì gây nhiễm trùng huyết (trên da xuất hiện những vùng xuất huyết hoại tử, có thể loang lổ như bản đồ), đến màng não gây viêm màng não (sốt cao, nhức đầu, nôn ói, co giật), sốc (li bì, hôn mê, lạnh tay chân). Bệnh nhân cần được cấp cứu kịp thời, nếu không sẽ dễ tử vong.
Để phòng ngừa, bác sĩ Việt khuyên nên cho trẻ tiêm phòng não mô cầu. Sau khi đi bơi, trẻ cần được sát trùng bằng những dung dịch thông thường như nước muối pha loãng hoặc những loại dung dịch sát trùng mũi-họng có bán tại nhà thuốc.
Thạc sĩ Hoàng Thị Ngọc Ngân, Trưởng khoa Vệ sinh môi trường, Trung tâm Y tế dự phòng TP HCM cho biết: Khoảng 70% hồ bơi tại TP HCM có chất lượng nước tương đối đạt yêu cầu, 30% còn lại chưa đạt, do khử trùng chưa đủ hoặc lọc nước kém. Vào những ngày nắng nóng gay gắt, khi hóa chất khử trùng trong hồ bơi dễ bay hơi và lượng người đi bơi đông hơn, chất lượng nước chắc chắn sẽ còn giảm nhiều. Vi phạm phổ biến nhất hiện nay của các hồ bơi là quá tải (cho số người vào bơi nhiều hơn quy định). Quá tải sẽ gây mất an toàn vì nhân viên cứu hộ khó phát hiện được những trường hợp say nắng, ngạt nước. Đó là chưa kể là lượng người bơi càng lớn thì chất thải trong nước càng nhiều. Nếu không bổ sung thuốc khử trùng kịp thời, nước trong hồ sẽ là nguồn lây bệnh "lý tưởng". |