Sau bốn năm thực hiện, phim Kẻ thứ ba do Lý Nhã Kỳ đóng chính cùng Han Jae Suk đã ra rạp. Đến với dự án trong vai trò diễn viên chính, người đẹp kiêm nhiệm là nhà sản xuất một cách bất đắc dĩ. Một mình cô chi khoảng 33 tỷ đồng để hoàn thiện bộ phim, sau khi nhà sản xuất ban đầu vỡ nợ. Trò chuyện với báo Ngôi Sao, cô hồi tưởng những nỗi bối rối trên phim trường.
- Tại sao chị chọn ra mắt phim vào tháng 5, thời điểm bận nhất mỗi năm của chị?
- Có lẽ đây là sự an bài của vũ trụ. Từ lúc bấm máy đến ngày phát hành, bộ phim này không lúc nào không gặp rắc rối, luôn rơi vào tình cảnh cấp bách.
Sau một năm quay, bộ phim được đạo diễn Park Hee Jun làm hậu kỳ trong giai đoạn Việt Nam giãn cách xã hội. Đạo diễn Park dựng xong, tôi mời đạo diễn Hàm Trần chỉnh sửa. Lúc này, anh Hàm khuyên tôi nên quay thêm một số cảnh và lồng tiếng lại.
Chúng tôi tập trung quay trong hai ngày nhưng mọi thứ không đơn giản. Êkíp cũ bận việc khác, tôi gần như phải thay êkíp mới. Sau mấy năm, tóc tôi đã dài hơn, tôi cũng đã thoát vai Thiên Di, phải tìm cảm xúc nhập vai lại. Cảnh sắc Đà Lạt đổi khác, chúng tôi phải dựng giả, quay ăn gian góc máy. Quá trình lồng tiếng cũng phức tạp.
Có được bản dựng cuối cùng, tôi chốt lịch 22/4 phát hành phim. Nhưng vì tháng 4 nhiều phim Việt quá, tôi phải lùi sang giữa tháng 5. Ngày 12 phim ra mắt, ngày 16 tôi bay sang Pháp dự Liên hoan phim Cannes. Sát ngày phim chiếu, tôi vẫn chưa chọn xong tủ đồ đi thảm đỏ. Tôi chỉ có mấy ngày để giao lưu khán giả, quảng bá cho phim. Tuy nhiên, tôi sẽ giới thiệu bộ phim với đối tác nước ngoài trong thời gian ở Pháp.
- Nhiều nghệ sĩ Việt Nam sau khi có chỗ đứng trong showbiz chuyển sang đầu tư, sản xuất phim. Là người 'mạnh về gạo, bạo về tiền', tại sao chị không chủ động kinh doanh ở lĩnh vực này, cho tới khi trở thành nhà đầu tư, nhà sản xuất bất đắc dĩ của phim 'Kẻ thứ ba'?
- Đầu tư ngành giải trí, đặc biệt là phim, dù ở Việt Nam hay thế giới cũng khó lường trước thắng - thua, thành - bại. Có những phim đầu tư khủng nhưng doanh thu không như ý. Có những phim bỏ vốn nhỏ, không có ngôi sao vậy mà thành công.
Đối với kinh doanh, tôi cần hiểu thị trường và nắm được vận mệnh cuộc chơi. Tôi ít khi đầu tư rủi ro lắm. Đó là lý do tôi không chơi cổ phiếu. Nhiều người nói ngành làm đẹp siêu lợi nhuận, nhưng không phải thế mạnh của tôi nên tôi không làm. Đổi lại, tôi chưa bao giờ thất bại với bất động sản và kim cương.
Làm nhà sản xuất phim bất đắc dĩ, tôi càng thấy mình không hợp công việc này. Điều hành công ty, tôi có bộ phận kế toán, bộ phận pháp lý, ai làm việc nấy, con số rõ ràng. Còn làm sản xuất phim quá nhiều việc lặt vặt, lại phụ thuộc nhiều thứ. Tổ chức đoàn xong hết nhưng trời đổ mưa, tôi không quay được. Nhắm diễn viên cho phim nhưng họ bận hoặc không thích, tôi cũng không thể mời. Tôi thuộc típ người thích nắm đằng chuôi hơn bị lệ thuộc, không thích dưới quyền ai hoặc bị chi phối quyền quyết định.
Đó là lý do một mình tôi đầu tư 33 tỷ đồng cho phim Kẻ thứ ba. Nếu mỗi người hùn một ít, tỉ lệ rủi ro sẽ thấp hơn. Nhưng nếu phim có nhiều cổ đông, tôi sẽ mang áp lực phát hành, đâu thể cất phim ba năm mới chiếu thế này. Có lúc thấy phim chật vật đủ đường, tôi đã nghĩ không chiếu rạp nữa, đưa lên mạng chiêu đãi khán giả luôn.
- Chị bối rối những gì trong lần đầu làm nhà sản xuất phim?
- Thực ra, tôi từng làm đồng sản xuất cho hai phim ở Pháp, nhưng tôi chỉ góp vốn thôi, không phải trực tiếp vận hành đoàn phim. Tôi chỉ có tài chính, không có tài lẻ chăm lo cơm nước, bối cảnh, áo quần (cười). Ra đến phim trường, tôi bối rối với mọi thứ.
Khi đoàn phim được tổ chức lại, bạn hóa trang, bạn làm tóc đã nhận công việc khác. Dù xem hình quay cũ, người thay thế cũng sẽ có phong cách khác, không thể make up hay làm tóc giống hoàn toàn. Diễn viên thoát vai cả năm, phải nuôi lại cảm xúc. Nhiều thứ đạo cụ như nhẫn cưới, đồng hồ... đã thất lạc.
Vừa đóng phim, tôi vừa phải giải quyết đủ thứ. Có hôm đang bị năm xe nước mưa nhân tạo phun ướt người, tôi vẫn phải phê duyệt chuyện mua hoa hồng, dựng giả quán cafe vì điểm quay ngày trước đã bị đập. Có hôm vừa hết cảnh, tôi nhận tin xe chở đồ ăn của đoàn bị bể bánh, phải tìm gấp đơn vị khác nấu cơm trưa. Tôi không biết làm sao, đành gửi tiền cho mọi người tự do ăn uống.
Đoàn phim này như một đám cháy, còn tôi là lính cứu hỏa, dập chỗ này rồi dập chỗ kia, không còn sức nhập vai.
- Đi qua từng đó trắc trở, chị nghĩ sao về việc tiếp tục làm nhà sản xuất, nhà đầu tư phim?
- Tôi thấy mình hợp làm doanh nhân bất động sản hơn làm phim. Nhưng biết đâu, tôi máu lên, quyết tâm làm tốt nhất vai trò này. Trước hết, tôi phải quan sát phim Kẻ thứ ba nhận phản hồi thế nào và tôi có thể đối diện với nỗi ám ảnh của chính mình không (cười).
- Lúc nhận vai chính trong 'Kẻ thứ ba', chị đã nhiều năm không đóng phim. Chị làm sao tìm lại cảm hứng diễn xuất?
- Ai cũng có thể "lụt nghề". Người Việt Nam ra nước ngoài lâu quá có thể không còn nói sõi tiếng Việt. Ngoại ngữ lâu không dùng, chúng ta cũng khó nói trôi chảy. Tôi cũng thế. Lúc trở lại với phim này, tôi đã không hình thành được cuộc đời của nhân vật Thiên Di. Đến phim trường, tôi mới bắt đầu nuôi cảm xúc bằng cách chuyện trò với Han Jae Suk.
Đúng thời gian đó, tôi có chuyện buồn tình cảm. Chính bộ phim này giúp tôi cân bằng lại tinh thần. Bởi vậy, tôi đã hứa với lòng không bao giờ quay lưng lại với nghệ thuật. Tôi sẽ hoạt động trở lại, không nhằm mục đích nổi tiếng hơn hoặc làm giàu, tôi chỉ muốn tri ân Tổ nghiệp và cám ơn khán giả. 10 năm tôi không đóng phim, mọi người vẫn yêu thương tôi.
Phong Kiều