Nhà sáng lập hãng xét nghiệm máu Theranos - Elizabeth Holmes - từng được ca ngợi là nữ tỷ phú tự thân trẻ nhất thế giới năm 2015, khi nắm giữ khối tài sản lên đến 4,5 tỷ USD. Cô được ví như Steve Jobs phiên bản nữ nhờ khả năng kêu gọi đầu tư vào Theranos. Để thuyết phục các nhà đầu tư, Holmes hứa hẹn công nghệ Theranos cho ra kết quả chính xác và khả năng phân tích nhiều loại bệnh chỉ với vài giọt máu nhỏ trích ở đầu ngón tay. Cô đã thành công hút hàng trăm triệu USD vốn cho Theranos, một phần nhờ hình ảnh nữ doanh nhân đáng tin cậy khi bắt chước cố huyền thoại công nghệ Steve Jobs.
Cựu nhân viên Theranos - Ana Arriola - cho biết khi mới thành lập Theranos, Holmes có lối ăn mặc giống những phụ nữ chốn công sở. Tuy nhiên, sau một lần hỏi Arriola - người từng làm việc tại Apple trước khi gia nhập Theranos - về phong cách của Jobs, Holmes lập tức thay đổi. Cô bị ám ảnh bởi Jobs đến mức đã sao chép lối phục sức y hệt huyền thoại công nghệ Apple. Cô chuyển sang mặc áo cổ lọ đen, quần đen năng động, son môi đỏ tươi với mái tóc được ủi duỗi thẳng hoặc búi cao.
![Hình ảnh Elizabeth Holmes - ]Nhà sáng lập hãng xét nghiệm máu Theranos trên tạp chí Forbes năm 2015. Ảnh: Forbes](https://vcdn1-ngoisao.vnecdn.net/2022/01/06/c22-5082-1641453594.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=VqvvQ2jR-T_9tqavGxeptQ)
Hình ảnh Elizabeth Holmes - nhà sáng lập hãng xét nghiệm máu Theranos trên tạp chí Forbes năm 2015. Ảnh: Forbes
Diện mạo Holmes xây dựng phù hợp với suy nghĩ rằng những ai là doanh nhân công nghệ ở Thung lũng Silicon thì người đó sẽ không phải lãng phí thời gian suy nghĩ những gì sẽ mặc, mà tập trung giải quyết những thứ quan trọng hơn. Tạp chí Esquire chỉ ra chiếc áo cổ lọ đen có lịch sử lâu đời, với hình ảnh được liên tưởng đến "thiên tài công nghệ" và "sự tự do vượt khỏi quy ước nghệ thuật đòi hỏi suy nghĩ sâu sắc và sáng tạo thuần túy". Chiếc áo cổ lọ đen cũng được xem như một tuyên bố về sự nổi loạn trong một số giai đoạn của lịch sử thời trang.
Với vẻ ngoài đó, Holmes trở nên nổi tiếng hơn. Mỗi khi xuất hiện trên các tạp chí danh tiếng bao gồm Fortune, Forbes, The New York Times Style và Glamour, nữ doanh nhân đều sử dụng trang phục đen toàn tập. Quần áo hàng ngày lấy cảm hứng từ Jobs của Holmes nổi tiếng đến mức khi cô ra tòa vì cáo buộc lừa đảo các nhà đầu tư, nhiều người làm nhái các sản phẩm như tóc vàng, áo cổ lọ đen, quần đen để bán. Chúng thậm chí còn được dùng để hóa trang trong ngày Halloween bởi những kẻ muốn mỉa mai cựu CEO.
Ngoài việc sao chép phong cách phục trang của Steve Jobs, Holmes còn bị cựu nhân viên Arriola tiết lộ cố tình nói giọng tông trầm để đem đến cảm giác quyền lực. Arriola cho biết tại một trong những bữa tiệc của công ty, Holmes uống quá chén và tiết lộ đó không phải giọng thật của mình. Cô cũng thường đeo len giãn tròng để có được đôi mắt to, tỏa sáng khi nói chuyện với người đối diện, nhằm thu hút sự chú ý và tăng tính thuyết phục với người nghe.

Phong cách của nhà sáng lập Apple - Steve Jobs - với áo cổ lọ đen đặc trưng. Ảnh: AP
Sau khi bị cáo buộc lừa đảo và phải hầu tòa, Holmes thay đổi phong cách với những bộ quần áo bình thường, có màu sắc trung tính và thường tô son hồng nhạt, thay vì đỏ như trước đây. Tờ New York Times mô tả việc Holmes thay đổi phong cách đáng ngạc nhiên khi công ty sụp đổ là "sự chuyển đổi tín hiệu thuộc loại khéo léo nhất", để "tạo ra một nhân vật khác bằng cách thay đổi ngoại hình". Cụ thể, với chiếc túi to đựng tả khi đến hầu tòa, Holmes ngụ ý nhắc mọi người rằng cô vừa sinh con, đã là một người mẹ và coi trọng những giá trị gia đình. Cô cũng để tóc uốn cong nhẹ nhàng, buông xõa chứ không giữ mái tóc quyền lực búi cao như trước.
Các nhân viên cũ Theranos khi tình cờ gặp lại Holmes đã rất bất ngờ. Họ thấy cô thay đổi như một con người khác. Cựu CEO mặc trang phục thể thao khỏe khoắn, đội mũ lưỡi trai và giọng cũng không còn trầm như trước.
Hôm 3/1, Elizabeth Holmes bị buộc bốn tội danh lừa đảo, sau phiên tòa kéo dài suốt ba tháng. Holmes đã nói dối các nhà đầu tư trong nhiều năm về tính chính xác và khả năng máy phân tích máu của công nghệ do Theranos làm chủ và gọi được hàng trăm triệu USD vốn. Những lời nói dối của Holmes bị phóng viên điều tra John Carreyrou của tờ Wall Street Journal vạch trần năm 2015. Theranos sụp đổ năm 2018. Hiện Holmes đối mặt mức án cao nhất là 20 năm tù cho mỗi tội danh. Ngày tuyên án Holmes vẫn chưa được lên lịch và cô vẫn tại ngoại. Dù bị kết tội lừa đảo, Holmes vẫn sống như bà hoàng tại một biệt thự thuộc cộng đồng dân cư giàu có nhất Mỹ ở California, Mỹ.

Elizabeth Holmes thay đổi phong cách sau khi công ty sụp đổ. Ảnh: Bloomberg
Sơn Nam (Theo SCMP)