Hình ảnh người mẫu Trung Quốc - Cai Niangniang - trên áp phích quảng cáo của hãng thực phẩm Three Squirrels từ năm 2019 gây nhiều tranh cãi gần đây do cô này được trang điểm tạo điểm nhấn vào đôi mắt xếch. Cô bị cáo buộc "cố tình gây khó chịu" và "không yêu nước".
"Tôi không xứng là người Trung Quốc chỉ vì tôi có đôi mắt híp ư? Vẻ ngoài của tôi là do bố mẹ ban tặng. Phải chăng tôi đã xúc phạm Trung Quốc ngay từ ngày tôi chào đời chỉ vì dáng vẻ của tôi. Đôi mắt của tôi chỉ có vậy, bên ngoài còn nhỏ hơn so với hình quảng cáo. Nhưng mỗi người đều có sức hút riêng", Niangniang viết trên mạng xã hội với hy vọng mọi người ngừng công kích diện mạo của cô chỉ vì không đáp ứng được thị hiếu số đông.
Luận điểm từ những người phản đối cho rằng tạo hình của Niangniang làm sâu sắc hơn định kiến của phương Tây về người Trung Quốc. Trọng tâm của cuộc tranh cãi còn cho rằng những hình ảnh như tạo hình của người mẫu này đang làm khơi lại "định kiến mắt xếch" về người châu Á, vốn nổi lên trong văn hóa phương Tây từ thế kỷ 19 và bị nhiều người châu Á ngày nay coi là "cực kỳ phản cảm".
Trong một tiểu thuyết do tác giả người Anh - Sax Rohmer - sáng tạo, nhân vật phản diện hư cấu Phúc Mãn Châu cũng được miêu tả với đôi mắt híp. Nhân vật này được xây dựng là hiện thân của "hiểm họa da vàng" - thuật ngữ xuất hiện những năm cuối thế kỷ 19, ám chỉ làn sóng nhập cư của người Trung Quốc đến các nước phương Tây. Tiến sĩ Liu Wen của Viện Hàn Lâm Sinica, Đài Loan nói trên BBC: "Thực tế có tồn tại lịch sử lâu đời trong việc sử dụng đặc điểm mắt xếch để phân biệt đối xử với người châu Á".
Tuy nhiên, quan điểm cứng nhắc của một số người Trung Quốc về hình mẫu sắc đẹp cụ thể cũng đi ngược quan điểm toàn cầu hiện nay về sự đa dạng hóa, cũng như tăng cường gương mặt châu Á trên các phương tiện truyền thông. Tiến sĩ Luwei Rose Luqiu làm việc tại Đại học Baptist Hong Kong cho biết: "Từ chối đặc điểm mắt xếch là một hiện tượng rất nguy hiểm, bởi vì nó là sự bác bỏ đa dạng thẩm mỹ".
Tờ Think China cũng trích dẫn bình luận của một người dùng mạng để cho thấy không có bất cứ chuẩn mực nhất định nào về vẻ đẹp: "Trung Quốc có dân số 1,4 tỷ người. Trong số đó có những phụ nữ xinh đẹp với đôi mắt to như Triệu Vy. Cũng có những phụ nữ tuyệt vời với đôi mắt một mí như Châu Đông Vũ. Điều đó cho thấy đôi mắt nhỏ không phải là điều gì 'xấu' hay nhằm mục đích xúc phạm".
Các chuyên gia chỉ ra quan niệm về vẻ đẹp truyền thống ở Trung Quốc thực chất rất ưa chuộng đôi mắt xếch. Điều này thể hiện qua các bức tranh từ thời nhà Đường (618-907 TCN) thường vẽ phụ nữ có đuôi mắt dài, hẹp. Tiến sĩ Jaehee Jung tại Đại học Delaware cho hay: "Mặc dù có một số thay đổi trong các triều đại khác nhau, đôi mắt nhỏ, hẹp vẫn được ưa chuộng ở Trung Quốc cổ đại".
Ngày nay, đôi mắt to tròn hai mí ở Trung Quốc được đánh giá cao đến mức nhiều phụ nữ trẻ nước này trang điểm hoặc tìm tới phẫu thuật thẩm mỹ để sở hữu đôi mắt to hơn. Một số chuyên gia cho rằng sở thích với đôi mắt to tròn của một số người Trung Quốc hiện nay đến từ ảnh hưởng của phương Tây từ những năm 1970, khi nước này bắt đầu mở cửa với thế giới và tiếp xúc với quảng cáo, giải trí nước ngoài.
Cuộc tranh cãi xung quanh đặc điểm "khuôn mặt châu Á" khiến dư luận Trung Quốc phẫn nộ thời gian gần đây bắt đầu từ tấm ảnh do nhiếp ảnh gia Chen Man chụp được trưng bày tại cuộc triển lãm LADY DIOR ở Thượng Hải. Trong ảnh, nữ người mẫu với đôi mắt xếch, khuôn mặt trang điểm u ám và bộ giáp móng tay theo phong cách thời nhà Thanh cầm trên tay túi Dior. Tấm ảnh này khiến Dior và nữ nhiếp ảnh gia Chen Man bị chỉ trích dữ dội với cáo buộc "bôi nhọ phụ nữ châu Á". Tiếp đến là vụ việc hãng thực phẩm Three Squirrels với ảnh quảng cáo có hình người mẫu Cai Niangniang nói trên, sau đó hãng ô tô Mercedez-Benz cũng hứng chỉ trích tương tự do video quảng cáo sử dụng người mẫu có đôi mắt xếch.
Duk Sun (Theo BBC)