- Chào chị, người ta thường dùng từ "rực lửa" để nói về Siu Black trên sân khấu, còn trong đời thường thì sao?
- Tôi trong đời thường cũng giống trên sân khấu: rất cởi mở, không gò bó, nghĩ thế nào sống thế ấy.
- Chị có ý định giảm cân hay muốn giữ vóc dáng như hiện tại?
- Tôi cũng có ý định giảm cân nhưng thời gian tập "sang" quá, phải mất ít nhất một tháng, trong khi tôi cứ đi diễn nhiều nơi liên tục. Có lần một cô bạn giới thiệu cho tôi món bột ốm. Tôi vào "khuôn khổ" được hai tuần nhưng gặp lại thì cô ấy cứ bảo "Chị làm em thất vọng quá! Chị là khách hàng... cứng đầu nhất đấy!". Dù sao sức khỏe cũng là điều quý giá nhất nên vẻ bề ngoài không phải là vấn đề với tôi. Với tôi, cái đẹp phụ thuộc vào việc mình có biết thế mạnh của mình hay không, có tự tin vào bản thân không. Tất nhiên không phủ nhận là gọn chừng nào, đẹp chừng đó.(cười)
Ca sĩ Siu Black. |
- Có người cho rằng vì chị là ca sĩ "made in Tây Nguyên" nên khó chinh phục một số khán giả, chị nghĩ sao?
- Không, tôi làm được đấy chứ! Mà nhiều người lại khoái cái gu "made in Tây Nguyên" của tôi đấy. Nhất là với sinh viên, gặp họ là tôi "máu" lắm, rất muốn chinh phục họ. Đôi khi họ yêu cầu hát dân ca, hát về sông nước miền Tây, thế là tôi phải "chữa cháy". "Với chị, em phải chọn những bài này này...". Thế là họ nhao lên "Em thích bài này, em thích bài kia...". Ca sĩ phải chọn phong cách và gu riêng, hướng khán giả theo "gu" của mình chứ không thể chiều theo họ. Tôi không thể hát những ca khúc mang giai điệu dân ca bởi tôi theo dòng nhạc khác.
Tôi biết là khán giả của dòng nhạc dân ca trữ tình sẽ khó tiếp nhận mình. Tôi cũng phải tìm cách lôi cuốn họ theo mình, khi họ đã "khoái" mình thì mình hát bài gì họ cũng chịu. Vừa rồi tôi hát ở Cà Mau, không ngờ khán giả lại khoái "món" Tây Nguyên. Một khán giả nữ vừa gật gù vừa đung đưa lắc theo nhịp, rồi bảo: "Cô làm tôi muốn nhảy theo cô đấy!" Lần sau cô lại về nữa nha".
Tôi cũng có hát một số ca khúc trữ tình nhẹ nhàng đấy chứ: Chiều xuân, Đâu phải bởi mùa thu, Không phải em, Bức thư tình đầu tiên, Vì đâu... Tới đây tôi sẽ hát thêm các ca khúc của Tuấn Khanh, Hà Dũng, Krajanplin. Dù vậy, tôi vậy tôi vẫn chung tình với dòng nhạc "lửa" Tây Nguyên, vì đó là tình yêu của tôi.
Với tôi điều tối kỵ nhất là cố làm mọi thứ ngoài khả năng của mình để chứng minh đẳng cấp này nọ.
- Nhiều ca sĩ, nhóm nhạc rock thường sáng tác những ca khúc riêng như là sự khẳng định bản thân. Còn chị thì sao?
- Không phải là tôi chưa nghĩ đến nhưng tôi nghĩ mình không đủ sức để làm. Muốn viết bài hát phải dành thời gian và tâm huyết, tôi không thích làm việc nửa vời hoặc làm cho có. Đừng cố nặn ra một "nhạc sĩ Siu" nào đó để những người nghe nhạc phải thốt lên "Ca khúc gì khiếp quá!" vì họ bị nghe những bài khủng bố. Cái đó còn dã man hơn giết họ!
Nhiều ca sĩ trẻ thường mượn truyện sáng tác để đánh bóng cho mình, rất nguy hiểm. Tôi không phủ nhận những người có tài năng và nỗ lực thực sự nhưng thật lòng tôi rất không thích kiểu muốn làm "sang" mình bằng cách gán mác "nhạc sĩ".
- Làm giám khảo chương trình Việt Nam Idol, chị rất thẳng thắn khi nhận xét thí sinh. Chị không sợ họ tự ái sao?
- "Thần tượng" thì phải định hình phong cách riêng và mỗi lần xuất hiện phải mới mẻ. Việc "làm mới" của ca sĩ rất quan trọng. Mình không đổi mới mà cứ bước ra sân khấu thì chưa đợi khán giả chán, mình đã tự chán mình rồi. Khi đã thành công thì phải tiếp tục phấn đấu, đừng để vừa trở thành sao lóe trên bầu trời mà đã tưởng mình là hành tinh vĩnh cửu.
Tóm lại, thần tượng âm nhạc phải biết mình là ai, đang làm gì. Phải đi trước khán giả để định hướng thẩm mỹ cho họ nhưng không đi trước quá xa. Ngược lại, nếu chiều khán giả thì sẽ đánh mất bản sắc riêng.
Tôi nói thẳng vì bản thân mình thí sinh không tự thấy điểm yếu, thế mạnh của mình. Tôi đang giúp họ mà. Nếu họ giận thì tôi cũng đành chịu. Nếu sau này nhờ tự ái mà thành công thì họ phải cảm ơn Siu Black.
- Chị nói mình thành công nhờ "cái họ Siu của mẹ". Vì sao vậy?
- Tất nhiên là không thể ngồi dưới gốc đợi sung rụng, mà phải leo lên cây hái quả. Nghề nào mà chẳng phải có gắng bằng sức lực của chính mình, đặc biệt là với những người thiểu số thường tự ti về bản thân. Nhiều khi tôi cũng phải đi xin bài hát mới của nhạc sĩ, nghe họ hứa là phải ngồi phục canh để "cướp" ngay tại chỗ.
Người Tây Nguyên hơi thụ động, thiếu tự tin khi hòa nhập. Tôi muốn giúp họ ra khỏi cái ao phẳng lặng. Tiếc rằng nhiều ca sĩ vừa vượt ra khỏi buôn làng lại quên gốc của mình. Tôi rất khó chịu với một số em rời buôn vài bữa lại làm như không biết tiếng Ba Na.
- Chị đã tạo được ấn tượng riêng khi mang cả voi, cồng chiêng vào liveshow của mình: Nhưng có những khán giả khó tính cho rằng chị hơi... tự nhiên chủ nghĩa. Chị nghĩ sao?
- Tôi chỉ muốn mang cho khán giả món ăn "lạ" một chút. Tôi mang một góc Tây Nguyên xuống phố phục vụ khán giả. Khán giả có thể xem phong cách Tây Nguyên, nghe nhạc Tây Nguyên mà không cần phải tới Tây Nguyên. Tôi không đến nỗi bảo thủ, không biết lắng nghe nhưng tôi nghĩ mình mang hình ảnh Tây Nguyên phục vụ khán giả với cả trái tim thì tự nhiên một chút cũng chấp nhận được, phải không?
- Không gian văn hóa cồng chiêng trong lòng chị thế nào?
- Tôi cảm nhận cái hồn chân chất của quê mình. Người Kinh đánh cồng chiêng theo bản nhạc nên giai điệu và tiếng cồng khác với người Tây Nguyên. Người Tây Nguyên đánh cồng chiêng theo bản năng, được truyền miệng từ đời này qua đời khác chứ không qua sách vở. Họ tự tạo nhịp nên giữ nhịp rất giỏi. Đi đâu tôi cũng nhớ tiếng cồng chiêng quê mình vì nó không lẫn với âm thanh của nhạc cụ nào trên thế giới. Khi hát, tôi cũng giữ nhịp và cảm nhận âm nhạc bằng cách của người Ba Na.
- Người đàn ông bao giờ cũng thích có người phụ nữ "nép" vào họ một chút. Cá tính chị khá mạnh, điều đó có ảnh hưởng như thế nào đến cuộc sống của chị?
- Hạnh phúc lớn nhất của người phụ nữ là được "nép", được "tựa" vào ai đó. Riêng tôi phải tự lo cho mình mọi thứ, tự bươn chải, làm chủ cuộc sống gia đình và con cái. Nhìn ngoài ai cũng tưởng tôi hạnh phúc. Thật sự tôi cũng không ngờ gia đình tôi lại đổ vỡ sau 17 năm sống chung. Tôi nghĩ có thể thói quen tự quyết định mọi thứ ảnh hưởng đến hạnh phúc gia đình. Nhưng cũng còn một vấn đề khác là người ta có đủ khả năng để mình có thể "nép" vào hay không.
- Nhưng nếu chị biết bằng lòng với những gì mình có, có thể mọi chuyện đã khác, chị nghĩ sao?
- Có thể vậy! Tôi rất muốn níu kéo gia đình mà không được bởi hai người ở hai thái cực khác nhau. Nếu tôi cứ là một Siu Black ngày xưa thì có thể mọi chuyện đã khác. Tôi "muốn sống bên anh trọn đời, như núi Chưpông đứng bên mặt trời" mà không được.
Siu Black và nhạc sĩ Nguyễn Cường. |
- Chị rất hay hát nhạc Nguyễn Cường nên nhiều người còn tưởng hai người... yêu nhau. Chị nói sao đây?
- "Tưởng" là bình thường vì chúng tôi thấy hợp nhau. Tôi thích ca từ, giai điệu, ý tứ trong các bài hát của anh Nguyễn Cường. Đó là cái "yêu" của một học trò với thày, em đối với anh, một ca sĩ với một nhạc sĩ, là sự gặp gỡ của tâm hồn.
Trong chương trình truyền hình trực tiếp Con đường âm nhạc của Nguyễn Cường, tôi từng nói: "Em yêu anh". Trên sân khấu cũng không hiếm lúc anh ấy cũng nói về tôi theo cách đó. Khán giả có tưởng tượng một chút cũng không sao, bởi thực tế tôi có "thích" anh Cường thật (cười).
- Khi dừng sự nghiệp ca hát, chị sẽ làm gì?
- Tôi sẽ mở một quán cà phê mang tên Siu Black ở thành phố, sẽ chọn một số em "made in Tây Nguyên" để đào tạo ca sĩ. Tôi vẫn luôn muốn mang nét đẹp Tây Nguyên, con người Tây Nguyên "xuống phố" để nhiều người biết đến không gian văn hóa cồng chiêng, biết người Tây Nguyên luôn nồng nàn như ngọn lửa rừng và cái bụng rất chân tình.
Vài nét về ca sĩ Siu Black Siu Black sinh tại thị xã Kon Tum. Chị theo học thanh nhạc tại trường Nghệ thuật dân tộc Dăk Lăk. Sau khi ra trường, chị tham gia đoàn nghệ thuật Dăk Lăk. Năm 1993, chị trở thành ca sĩ tự do. Siu Black liên tục gặt đạt các huy chương vàng hội diễn chuyên nghiệp toàn quốc năm 1984, 1986, 1989, 1992, 1994, 1995, 2002, 2004; giọng hát vàng ASEAN 1996 tại Nhật... Tên tuổi của chị gắn liền với các ca khúc về Tây Nguyên: Em muốn sống bên anh trọn đời, Còn yêu nhau thì về, Bức thư tình đầu tiên, Và ta vừa thấy mặt trời... |
(Theo Pháp Luật TP HCM)