Ông P. ngụ huyện Cai Lậy (Tiền Giang) là chủ một lò mổ heo khá lớn. Gần nhà ông có chàng thanh niên tên T. vốn bị bệnh tâm thần. Thấy anh T. bị bệnh mà lại hiền lành, dễ thương nên ông động lòng, hay rủ về nhà mình chơi.
Những lúc tỉnh táo, T. tỏ ra rất siêng năng, tháo vát. Thấy vậy, ông P. hứa nếu T. đến ở làm việc chăm chỉ sau này ông sẽ gả con gái cho. Vì ông P. có đến 4 người con gái chưa chồng nên T. rất tin tưởng. Kể từ đó, anh thường xuyên ăn ngủ ở nhà ông P..
Ngày cũng như đêm, T. làm việc rất hăng say, không biết mỏi mệt để lấy lòng "nhạc gia" tương lai. Ba, bốn giờ sáng anh đã dậy nấu nước sôi, cạo lông heo... rồi chở thịt heo đi bán. Trưa về thì đi ruộng, làm cỏ vườn, cỏ lúa hoặc làm chuyện nhà.
Sợ con mình lên cơn làm chuyện bậy bạ hoặc chửi bới gây mích lòng, cha của T. đề nghị để cho anh về nhưng ông P. vẫn bỏ ngoài tai, nói: "Không sao đâu! Nó nói chuyện đàng hoàng lắm. Gia đình tôi coi nó như là con ruột!". Thấy ông P. nhiệt tình, tốt bụng như vậy, cha của T. cũng yên tâm, thầm cảm kích vì từ nay đứa con bị tâm thần của mình có thêm một người cha nữa.
Để khuyến khích, ông P. còn cho con gái mình đi theo "chơi" mỗi khi T. ra chợ. Có "người đẹp" kề cận, T. càng thêm vững lòng để mơ tưởng tới một kết cục tốt đẹp là cũng có vợ như bao người khác. Nhưng rồi ngày tháng thoi đưa, T. đã làm "công quả" hơn 3 năm mà vẫn không thấy ông P. gả con gái cho mình. T. "nhắc nhở", ông P. và "cô vợ tương lai" cứ hẹn lần hẹn lữa. Hết ông P. lỗi hẹn rồi tới con ông P. Chuyện kéo dài tháng này qua tháng khác. Cho rằng cha con ông P. hứa lèo, lừa gạt mình nên T. nổi máu điên, vác dao chém ông P. tét đầu.
Theo kết quả giám định, tỷ lệ thương tật của ông P. là 16% nhưng do T. là người tâm thần nên không bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Hai ngày sau khi vụ việc xảy ra, cha của T. đến bệnh viện thăm nom. Ông P. vui vẻ tiếp chuyện và nói: "Tôi khỏe rồi. Anh về lo trị bệnh cho cháu đi. Nó và anh đâu có dính tới vụ này". Vì tình làng nghĩa xóm và thấy cũng có phần trách nhiệm nên cha của T. vay mượn được 4 triệu đồng để phụ tiền thuốc men cho ông P..
Tưởng chuyện đã xong, nào ngờ vài tháng sau, ông P. lại kiện ra tòa yêu cầu cha của T. phải bồi thường hơn 34 triệu đồng tiền thuốc men, chi phí chăm sóc, thu nhập bị mất... Ông P. cho rằng cha của T. phải có trách nhiệm với hành vi của con mình. Ngược lại, cha của T. không đồng ý vì cho rằng lỗi này xuất phát từ lời hứa gả con của ông P. Hai bên không thỏa thuận được mức bồi thường nên đã dắt nhau ra tòa. Cuối cùng tháng 12/2005, TAND tỉnh đã xử buộc cha của T. phải trả cho ông P. hơn 26 triệu đồng.
Theo cha của T., việc xét xử của tòa chưa được khách quan. Sự việc xảy ra là do ông P. tự chuốc lấy khi biết rõ T. bị tâm thần mà vẫn cố tình để anh ở lại nhà mặc dù ông đã cảnh báo nhiều lần. Mặt khác, căn cứ xác định thiệt hại để bồi thường không rõ ràng, có nhiều điểm bất hợp lý. Ông không được xem các hóa đơn tiền thuốc, đồng thời tòa cũng chưa tính đến tiền công lao động mà người con trai tội nghiệp của ông phải nai lưng ròng rã làm cho ông P. trong suốt 4 năm qua.
Ông T. đã đến nhờ các cơ quan tư vấn pháp luật tại TP HCM để làm đơn xin xem xét kháng nghị giám đốc thẩm bản án.
(Theo Pháp Luật)