3h sáng ngày 18/2, nước từ thượng nguồn đổ mạnh về sông Ô Lâu và sông Nhùng, cùng với mưa to nước sông dâng cao đã gây nên lũ lớn ở một số địa phương thuộc huyện Hải Lăng (Quảng Trị). Ngay trong đêm, hàng trăm người dân ở các xã có hệ thống đê bao bảo vệ đồng ruộng gồm: Hải Hòa, Hải Dương, Hải Thành và Hải Sơn đã đổ xô ra đồng hộ đê bảo vệ lúa vụ đông-xuân và màu.
Do nước ở thượng nguồn đổ về rất mạnh, chênh lệch với nội đồng 1,5-2 mét nên nỗ lực bảo vệ đê của người dân ngày càng khó khăn. Khoảng 9-10h sáng, hàng chục đoạn trên 11 km đê bao đã bị vỡ, nước tràn qua với tốc độ rất lớn; vào lúc 3h30 chiều ngày 18/2 thêm 30m đê nữa ở xã Hải Hòa bị vỡ.
Trận lũ tháng giêng đã làm hơn 3.000 ha lúa và màu các loại bị ngập lụt, hư hại toàn bộ; 44 ha hồ nuôi cá, tôm bị trôi, nhiều tuyến đường và cầu cống bị lũ lụt gây sạt lở, hư hỏng. Ông Nguyễn Văn Hòa, một nông dân ở xã Hải Dương cho biết: "Đây là trận lũ đặc biệt vào tháng giêng, hơn 30 năm nay mới xuất hiện".
Sáng ngày 18/2, Ban chỉ huy phòng chống lụt bão của tỉnh Quảng Trị và huyện Hải Lăng đã về vùng lũ để kiểm tra và chỉ đạo công tác hộ đê. Ông Nguyễn Văn Bài, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Trị cho biết: Sở đã xuất kho thêm 4.000 bao cát để tiếp tục bảo vệ những đoạn đê xung yếu và hàn khẩu những đoạn đê bị vỡ. Chiều ngày 19/2, toàn bộ số bao cát đã được vận chuyển đến những chỗ nguy hiểm nhất để chặn dòng nước chảy hàn gắn lại thân đê.
Tại vùng lũ sáng 19/2, nước sông Ô Lâu đã rút nhưng dòng chảy vẫn còn cuồn cuộn. Hai bên tuyến quốc lộ 49 từ Mỹ Chánh dọc xuống các xã Phong Hòa, Phong Bình (huyện Phong Điền, Thừa Thiên - Huế) thẳng xuống Ngũ Điền, những đồng ruộng mênh mông vẫn còn trắng một màu nước.
Ông Lê Phước Phú, Chủ tịch UBND xã Phong Bình, cho biết, khoảng 2h sáng ngày 18/2, mưa to làm nước trên sông Ô Lâu đột ngột dâng cao, nước chảy băng qua những điểm thấp của tuyến quốc lộ 49 tràn vào đồng ruộng, tuyến đê Siêu Quần bị đe dọa nghiêm trọng. Xã đã huy động hơn 200 người cùng phương tiện ghe thuyền, chặt cây đóng cừ và dùng bao tải cát để cứu đê. Ông Nguyễn Văn Thiên, 70 tuổi, ở thôn Siêu Quần cho biết, sinh sống cả đời ở vùng quê nhưng kể từ sau năm 1973 đến nay mới thấy có một trận lũ vào tháng giêng trái khoáy như vậy.
Chiều 18/2, các tuyến đê Siêu Quần (xã Phong Bình), đê Chính An (xã Phong Chương) và đê Nhất Đông (Phong Hòa)... đã bị vỡ. Nước lũ dâng cao làm tắc nghẽn giao thông nhiều đoạn trên tuyến quốc lộ 49 và chảy băng vào nội đồng, làm ngập khoảng 2.000 ha lúa và hoa màu. Tình hình lũ lụt diễn ra quá bất ngờ làm cho lãnh đạo huyện cũng không trở tay kịp. Nhờ người dân tại chỗ đã biết chủ động đối phó nên chưa có thiệt hại về người.
UBND huyện Phong Điền đang huy động toàn bộ phương tiện máy móc ở các trạm để bơm tiêu úng. Tuy nhiên, nếu trong vòng 5 ngày tới, nước lũ trong vùng nội đồng không tháo ra hết thì toàn bộ diện tích lúa đông-xuân đang kỳ đẻ nhánh sẽ mất trắng. Trước đó, Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Thừa Thiên - Huế chỉ có thể dự báo không khí lạnh và mưa chứ không thể dự báo có lũ xảy ra.
Đợt mưa to trái mùa cuối tuần qua làm mực nước sông Kiến Giang ở huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình dâng cao hơn 1,5m đã làm ngập úng gần 2.000 ha lúa vụ đông xuân mới gieo cấy, hơn 50.000m3 đất đê bao bị vỡ và sạt lở nghiêm trọng. Tỉnh Quảng Bình đang khẩn trương hàn khẩu các tuyến đê bị vỡ, tập trung máy bơm về huyện Lệ Thủy bơm nước chống úng, xuất giống dự trữ cho nông dân kịp thời khắc phục hậu quả đợt mưa lớn trái mùa này.
(Theo Thanh Niên)