Còn gần một tháng nữa mới đến ngày cưới của tôi, nhưng mọi việc chuẩn bị cho cái ngày trọng đại ấy đã được dự liệu cách đó cả nửa năm. Nào xem ngày tháng hợp với tuổi cô dâu chú rể, ngày đó có “sao” xấu, “sao” tốt nào không. Sau đó là một loạt các công việc được liệt kê, điều đầu tiên và quan trọng nhất là gom tiền. Cả tôi và vợ chưa cưới đều là nhân viên nhà nước, thu nhập không phải quá thấp, nhưng sau mấy năm đi làm cũng không dành dụm được bao nhiêu. Nhìn vào bản danh sách các thứ cần mua, việc cần làm thấy hoa cả mắt. Nào ăn hỏi, in thiếp mời, thuê áo cưới, chụp ảnh, mua nhẫn... Rồi sắm sửa chuẩn bị cho cuộc sống gia đình sau khi cưới như giường, tủ...
Việc chọn được cửa hàng cho thuê áo cưới và chụp ảnh không quá đắt với thu nhập cũng là cả một vấn đề. Có đủ loại giá cá, kiểu dáng từ rẻ là 1 triệu đồng/bộ đến đắt là 3 triệu đồng/bộ. Sau khi xem xét, tham khảo nhiều cửa hiệu cả có tiếng và không nổi tiếng vẫn chưa biết nên dừng lại ở đâu.
Người bạn vừa cưới vợ năm ngoái bảo: “Ở Cầu Giấy có một hiệu váy cưới nhỏ thôi, nhưng chụp ảnh và trang điểm được lắm, đến thử đi”. Đúng là hiệu váy cưới nhỏ thật, ngày ngày vẫn đi qua nhưng tôi không để ý. Được cái giá cả ở đây phù hợp với túi tiền, váy cưới cũng khá đẹp và mới, nhân viên phục vụ tận tình. Thuê váy và trang điểm 1,2 triệu, chụp ảnh 20.000 đồng/kiểu. Sau khi đặt tiền, chụp ảnh, thấy mình như nhẹ đi được một phần nào.
Người bạn tôi nói đùa “Chưa hết đâu, những thứ tưởng như vớ vẩn còn tốn nhiều”. Quả thật, tiền complet cho chú rể, áo dài cho cô dâu, hai bà mẹ... cũng ngốn mất mấy triệu nữa. Rồi lại lo tiền để mua sắm phòng cưới, giản tiện nhất cũng phải mua được bộ giường, tủ, chăn ga gối đệm. Không dám nhìn ngó vào những cửa hàng nội thất lớn, dạo một vòng đường La Thành cũng tìm được một bộ thích hợp với giá 3 triệu đồng, cùng với 2 triệu đồng nữa cho chăn ga gối.
Thiếp mời, lên tận phố Hàng Mã chọn “phôi” về đặt in riêng, cũng mất gần 2 triệu, rồi tiền hoa cô dâu, hoa trang trí xe, hoa đặt bàn, phông bạt, bàn ghế... cũng tốn kém không ít tiền, dường như thứ nào vào mùa cưới cũng lên giá. Hiện nay nhiều đôi nam nữ muốn đến được với nhau phải dành dụm tiền cưới trong nhiều năm hoặc phải tính toán thật chi ly để tiết kiệm. Anh bạn tôi cũng chuẩn bị cưới vui mừng khoe: “May quá, thoát được khối tiền rồi. Ảnh cưới thì nhờ bạn chụp, áo cưới, trang điểm cô dâu thuê ở hiệu quen, xe cũng mượn được rồi... Nhưng lại phải bỏ tiền sửa phòng vì nhà chật quá”. Tự nhiên tôi lại thấy mừng vì mình không phải lo đến phòng ở, bớt khoản nào hay khoản đó.
Bố mẹ đứng ra lo cho chúng tôi lễ ăn hỏi, nếu không thì chắc tôi chỉ có nước “thôi không cưới nữa” vì không biết lấy đâu ra tiền khi nghe nói đến cái giá 3.000 đồng/một quả cau có dán chữ hỷ. Tiệc cưới thì đặt ở một nhà hàng quen nhỏ gần nhà cho đỡ tốn kém. Anh bạn tôi sau khi chạy ngược chạy xuôi để thuê chỗ đặt tiệc than thở: “Mình lo muộn quá, chỗ nào cũng đặt trước cả 3-4 tháng rồi, bây giờ chỉ còn những chỗ như các khách sạn lớn, nhưng ở đó đắt quá, tiệc rẻ nhất cũng hơn 500.000 một bàn sáu, quá sức của mình”. Loay hoay mãi anh cũng nhờ người quên thuê được ở một nhà hàng trên phố Ngọc Khánh với giá 450.000 đồng/bàn sáu người. Thế là vẫn phải “cười méo mó".
Những trường hợp có bạn bè, gia đình để nhờ vả như tôi mà vẫn còn phải chạy vạy long đong. Không biết những thu nhập thấp mà phải tự thân vận động không biết phải xoay xở thế nào.
Tuy nhiên, theo Sài Gòn Tiếp Thị, có những đám cưới ở quê cũng được tính toán để giản tiện tối đa, có nhiều người chỉ tốn khoảng 15 triệu đồng cho tất cả các khoản. Đám cưới vẫn vui, đông đủ bạn bè, người thân và gia tộc, cưới xong cô dâu chú rể “nhẹ gánh” để chí thú làm ăn. Nhưng nhiều nhà diện tích chật hẹp, chỗ tiếp khách còn phải kê nhờ ra đường, nói gì đến việc tổ chức ăn uống tại nhà. Trước khi có ý định lấy vợ, mọi người bảo: "Nếu không có trong tay 20 triệu, đừng có nghĩ đến cưới”, tôi ra sức cãi làm gì mà nhiều đến thế, bây giờ mới thấy số tiền đó chưa thấm vào đâu...