![]() |
Ca sĩ Vi Thảo biểu diễn tại phòng trà M&Tôi. |
Trong tiếng nhạc dồn dập đến “nhức óc”, không gian quán bar 259 trên đường Trần Hưng Đạo, TP HCM, một quán bar tập trung khá nhiều ca sĩ trẻ triển vọng, vốn đã chật hẹp càng thêm ngột ngạt với hơi người và khói thuốc. Cô ca sĩ trẻ Như Ý đang thực hiện những bước nhảy khá điêu luyện minh họa cho ca khúc “When you look at me? (Christina Milian) mà cô đang trình bày. Dường như khán giả ở đây không mấy người để ý đến giọng ca của cô. Thỉnh thoảng, họ ném tia nhìn lên sân khấu khi có một hiệu ứng âm thanh đặc biệt (được thu sẵn trong MD) và khi cô ca sĩ nói lời tạm biệt.
Như Ý tâm sự: “Nhiều lúc chúng tôi rất tủi thân, bởi khách ở quán bar ít khi để ý đến sự hiện diện của ca sĩ, tiếng hát bị át bởi tiếng nói chuyện ồn ào của khách. Nhưng chính điều đó càng khiến tôi phấn đấu để đi lên”. 19 tuổi, đáng lẽ ra ở cái tuổi này cô có thể bắt đầu bước chân vào giảng đường đại học nhưng cái tên Như Ý xuất hiện trên các sân khấu quán bar, phòng trà ở TP HCM đã 2 năm nay. Tốt nghiệp trung cấp thanh nhạc Trường Cao đẳng Nghệ thuật Đồng Nai, một mình lên TP HCM lập nghiệp, hàng đêm Như Ý đi hát kiếm tiền trang trải cuộc sống và ấp ủ ước mơ trở thành “ngôi sao” ca nhạc.
Theo Người Lao Động, khởi nghiệp bằng giải 4 Tiếng hát Truyền hình năm 2002, Như Ý dễ dàng được mời vào biểu diễn ở một số phòng trà, quán bar lớn. Nhưng với cô, đây chỉ là công việc tạm thời. “Điều tôi mong muốn là trở thành ca sĩ độc quyền của một công ty nào đó”, Như Ý nói. Và may mắn cũng đã mỉm cười với cô khi cô được Công ty Siêu mẫu Tinh Hoa ký hợp đồng ca sĩ độc quyền 3 năm. Giọng Như Ý hào hứng: “Có thể cuối năm nay tôi sẽ có một album riêng và không đi hát ở quán bar nữa”. Để thoát khỏi kiếp ca sĩ phòng trà, Như Ý phải chấp nhận ký một hợp đồng mà cô chỉ được hưởng 40% lợi nhuận kiếm được thông qua công ty này.
Nhưng không phải ai cũng sớm gặp may mắn như Như Ý. Có rất nhiều ca sĩ trẻ khác đang hát ở quán bar, phòng trà như Mai Khôi, Vi Thảo, Kiên Chi, Uyên Thanh,... cũng đang nuôi hy vọng trở thành ngôi sao. Những ca sĩ trẻ này hằng đêm đang chắt mót khoản tiền thù lao ít ỏi ở các phòng trà, quán bar để thực hiện một CD riêng với kỳ vọng “nhờ album đầu tiên này, mình có cơ hội trở thành “sao”.
“Như mưa ngày nào thắm ướt vai em. Như mưa ngày nào khuất lấp sao đêm. Thương em ngày nào khóc ướt môi mềm”... (Thương nhau ngày mưa- Nguyễn Trung Cang), cả khán phòng yên lặng say theo từng lời ca của Mỹ Dung. Có người bảo rằng “giọng ca của Mỹ Dung như có ma lực”.
Thuộc nhóm ca sĩ hát nhạc trữ tình, tiền chiến hay nhất tại các phòng trà hiện nay nhưng Mỹ Dung mới chỉ 25 tuổi. Ngày Mỹ Dung rời gia đình ở Bình Thuận vào TP HCM nhập học tại Nhạc viện TP HCM cũng là ngày cô nghĩ phải tìm một việc làm để nuôi thân. Mất nửa năm tìm kiếm, cuối cùng cô cũng được nhận vào hát ở một phòng trà. Công việc của cô ở đây là có mặt lúc 20h30 và hát liên tục hay lấp chỗ trống cho những ngôi sao đến trễ. Miệt mài ca hát trong một tháng trời, có lúc cô nghĩ hình như mình đang bị đối xử tệ ở phòng trà này, nhưng rồi cô tự nhủ “dù sao mình cũng còn mới và công việc ở đây rất ổn định, cứ kiên nhẫn chờ”. Và chỉ còn vài ngày nữa thôi cô sẽ được nhận tháng lương đầu tiên. Nhưng điều bất ngờ và đáng buồn là cô đã không được nhận khoản tiền công đầu đời vì phòng trà đã đóng cửa và ông chủ nơi này không có một lời nhắn nào dành cho cô. Tìm được việc làm ở một phòng trà khác, cô lại gánh chịu sự chèn ép từ người biên tập chương trình của phòng trà.
Ngoài tiền cát-xê bằng phân nửa đồng nghiệp (40.000 đồng/đêm), cô còn thường xuyên không có giờ diễn vì những lý do đại loại như “anh quên sắp chương trình” hay “hôm nay nhiều ngôi sao lắm, em đợi mai hát nhé”. Nhưng chính số khán giả hâm mộ cô ngày càng tăng nhanh đã đưa cô thoát khỏi những trở ngại như thế. Cho đến nay, cát-xê đã tăng lên nhưng hằng đêm cô phải diễn 6, 7 điểm mới có thể đủ trang trải tiền ăn học cho 3 đứa em và chi phí sinh hoạt của 4 chị em tại thành phố, kể cả cha mẹ ở quê. Mỹ Dung cho biết, bản thân cô cũng rất mong một ngày mình được nổi danh như nhiều ngôi sao ca nhạc khác. Thế nhưng “nếu nổi tiếng mà xả thân như nhiều ca sĩ khác phải chịu thì chẳng thà cứ đi hát như hiện nay. Bởi tôi muốn được nổi danh bằng chính sức lực, tài năng của mình. Có như thế tôi mới có được một vị trí vững vàng và lâu bền”.
Có nhiều ca sĩ chẳng bao giờ tìm thấy cơ hội thực hiện ước mơ trở thành ngôi sao ca nhạc. Và họ đã chấp nhận “chôn chân” trong các quán bar, phòng trà. Trường hợp của ca sĩ Lê Vi đang biểu diễn ở phòng trà M & Tôi là một ví dụ. Cô đã mất bản hợp đồng độc quyền với một trung tâm sản xuất băng đĩa nhạc chỉ với lý do đơn giản “một ca sĩ đã có gia đình rất khó để đánh bóng tên tuổi” dù giọng ca của cô được nhiều người yêu mến.
Còn Nguyên Thảo, hát rất hay và một ngoại hình bắt mắt nhưng cô không thể bỏ công việc hiện tại để làm theo những điều khoản của công ty muốn ký độc quyền với cô. Lê Vi tâm sự: “Nếu không được đi hát trong một thời gian như yêu cầu của họ thì tôi chẳng biết mình sẽ sống như thế nào nữa”. Không giống như trường hợp của Lê Vi, Nguyên Thảo, những ca sĩ như Tố Phương, Phương Đài, Tấn Trung, Trung Kiên, Ngọc Xuân... rất được khán giả ở các quán bar, phòng trà mến mộ cũng khó có cơ hội tỏa sáng trên sân khấu ca nhạc vì dòng nhạc mà họ theo đuổi và yêu thích là những ca khúc nhạc ngoại. Vì vậy, họ chỉ còn cách chọn phòng trà, quán bar làm chốn dừng chân và kiếm sống.