Lê vừa bước vào hành lang phòng khám của bác sĩ Sơn, là Trưởng khoa Tai - mũi - họng của một bệnh viện, đã nhìn thấy khoảng chục bệnh nhân đang cầm ống xông thuỷ tinh dí thẳng vào mũi. Trong số đó có cả hai em bé chừng 2-3 tuổi ngồi trên đùi mẹ khó nhọc hít hơi thuốc.
Vị bác sĩ thăm bệnh cho Lê làm việc trong tâm trạng vô cùng mệt mỏi. "Sao? Viêm mũi phải không? Há họng!" và "Rồi! Ra xông đi". Lê cũng phải chịu trận như những bệnh nhân khác là 20 phút ngồi với cái ống thủy tinh mà lòng lo lắng vì không biết đã bao nhiêu người dí mũi vào dụng cụ này cũng như không hiểu nó được vô trùng ở mức độ nào.
Giá xông mũi "ngoài giờ" tại các phòng mạch tai - mũi - họng để trị các bệnh về viêm mũi - viêm xoang cũng rất khác nhau.
Một cơ sở ở quận Gò Vấp, do một bác sĩ của Bệnh viện 175 chỉ lấy bệnh nhân với giá 5.000 đồng/lần xông nhưng nếu cũng xông như vậy, cùng một thứ thuốc nhưng giá thu lại là 10.000 đồng/lần tại một phòng mạch tư chỉ cách đó 1km. Tại khu vực quận 3 lại áp giá tới 20.000-25.000 đồng/lần... Tuy nhiên, điều đáng nói ở đây là không thể cứ cho bệnh nhân xông mũi một cách tuỳ tiện.
Bác sĩ Nguyễn Phương Hòa Bình, Trưởng khoa Hô hấp của Bệnh viện Nhi đồng II TP HCM bức xúc: "Việc các phòng mạch tư tai - mũi - họng cho bệnh nhân xông mũi bừa bãi là rất phổ biến. Về chuyên môn thì không phải cứ thấy viêm mũi, ngạt mũi, thấy ho là cho bệnh nhân xông mũi. Nhất là trẻ con".
Bác sĩ Bình cho biết, bệnh viện từng nhận được rất nhiều trường hợp trẻ em bị viêm phế quản thể hen suyễn, nhưng do các bà mẹ không biết đưa con đến phòng mạch tư cho uống thuốc không đúng cách, dùng thuốc kháng sinh bừa bãi cũng như xông thuốc không đúng, khi đưa đến bệnh viện thì bệnh của bé đã quá nặng. Đặc biệt là thuốc xông mũi tại các phòng mạch tư hiện nay không được các cơ quan chức năng kiểm tra.
Thông tin từ cuộc họp của Đoàn Giám sát Quốc hội vào tháng 3 vừa qua về công tác khám chữa bệnh cho nhân dân tại TP HCM cho biết, 80% bác sĩ của các bệnh viện công đang có phòng mạch tư hoặc tham gia cộng tác khám chữa bệnh ngoài giờ. Thường các phòng khám đều ghi hoạt động từ 16h30 hoặc từ 17h đến 20-21h.
Nhưng thực tế tại rất nhiều phòng mạch tư, bác sĩ đã có mặt ngay từ 15-16h. Như vậy, trung bình một ngày họ phải làm việc tới 12 tiếng. Chưa kể những ca trực đêm thường xuyên. Với cường độ lao động như vậy, liệu chất lượng công việc có đảm bảo?
Theo CAND, ngoài tình trạng giá cả rất lộn xộn, hiện tượng các bác sĩ phòng mạch tư vừa kê đơn vừa bán thuốc đang rất phổ biến.
Bác sĩ Nguyễn Đức An, Chánh Thanh tra Sở Y tế cho biết, sáng 6/5, Phòng thanh tra Sở Y tế đã phải xử lý một phòng mạch tư với mức xử phạt là 21.500.000 đồng vì chỉ với 2 chai nước biển cùng 2 ống thuốc bổ (Becozyme), nhưng đã tính bệnh nhân với giá 2.500.000 đồng.