![]() |
Ảnh minh họa. |
Minh và Thủy cùng quê Hưng Yên, gặp nhau khi vào ĐH. Tình yêu và cuộc sống sinh viên xa nhà khiến họ đến với nhau rất gần và kết quả là không ít lần Minh phải đưa Thủy đi giải quyết hậu quả. Cách đây 10 năm, xã hội vẫn còn rất khắt khe đối với chuyện quan hệ tình dục trước hôn nhân. Mỗi lần dính bầu, hai người lại phải dắt díu nhau đi tìm một địa chỉ kín đáo nào đó để phá thai.
Tốt nghiệp, Minh và Thủy làm đám cưới. Cha mẹ hai bên nhìn con dâu, con rể khỏe mạnh, đẹp đẽ, yêu nhau thắm thiết đều hài lòng và đã bàn nhau chuyện nuôi nấng, chăm bẵm các cháu sau này. Nhưng số phận trớ trêu khi qua năm đầu tiên tin vui vẫn chưa đến. Một vài lời thắc mắc, hỏi han... Hai vợ chồng cũng hơi ngạc nhiên vì ngày trước nếu thiếu cẩn thận một chút là Thủy dính bầu lập tức.
Hết năm thứ 2, bố mẹ chồng bắt đầu nói với hàng xóm là con dâu có vấn đề, trông đẹp đẽ thế mà "điếc" còn bố mẹ vợ thì lo lắng âm thầm giục con đi chữa chạy. Thủy và Minh vừa buồn vừa hoang mang, hỏi hết bác sĩ này, bệnh viện nọ để đến khám và xin tư vấn. Kết quả xét nghiệm ở Viện Phụ Sản Trung ương cho thấy cả hai vẫn bình thường, thành tử cung của Thủy tuy hơi có vấn đề một chút nhưng không ảnh hưởng nhiều đến việc thụ thai. Thế là cả hai vợ chồng đành về và tiếp tục đợi chờ...
Một năm, rồi hai năm trôi qua, căn nhà vắng tiếng trẻ con đã buồn lại càng buồn thêm vì những lời gièm pha thậm chí hắt hủi từ phía nhà chồng. Không chỉ có Thủy tủi thân vì mình như bông hoa mà không có nhụy, anh Minh cũng sống trong mặc cảm và luôn nghĩ rằng việc vợ không sinh nở được là hậu quả của những lần nạo phá thai trước kia và mình phải chịu trách nhiệm. Anh Minh còn luôn bị áp lực từ phía cha mẹ yêu cầu phải sinh con nối dõi vì anh là con trưởng, thậm chí không ít lần anh bị triệu tập tới những cuộc họp đại gia đình long trọng để bàn chuyện bắt anh bỏ vợ để lấy người khác...
Càng đối đầu với những chuyện đó, anh Minh càng thương vợ và đến năm thứ 5 sống cảnh vợ chồng son, anh quyết định đưa vợ lên Hà Nội. Họ thuê nhà, vừa học thêm vừa đi làm để sống, bỏ lại sau lưng tất cả dư luận và lời mắng chửi, dọa từ con của bố mẹ.
Hai vợ chồng cứ nương tựa vào nhau mà sống như thế suốt 5 năm sau đó. Chưa một lần nào tia hy vọng về con cái lóe lên, mặc dù, tất cả tiền bạc anh chị đã đổ hết vào việc chạy chữa. Đến một hôm, anh Minh nói với vợ bằng giọng vô cùng bình tĩnh: "Em ạ, anh nghĩ mình không có con thì âu cũng là số phận rồi. Anh rất thương em và chỉ mong em cũng hài lòng với cuộc sống này và từ nay đừng nghĩ về chuyện con cái nữa. Chúng mình sẽ sống với nhau thế này đến già". Chị Thủy chỉ còn biết gục đầu vào vai anh mà khóc....
Bỗng nhiên cuối năm ngoái, chị Thủy thấy khang khác trong người. Bản năng của người phụ nữ mách bảo chị đây không phải là trận ốm mệt thông thường. Lén chồng đi ra hiệu thuốc, chị lúng túng hỏi người bán hàng mua dụng cụ thử thai. Về nhà, chị chui ngay vào phòng tắm làm theo hướng dẫn. Một phút ngồi nhìn cái que thử thai đang chuyển màu, tim chị như ngừng đập. Rồi khi cái vạch hồng thứ hai hiện lên, chị khóc ngất trong nhà tắm, bao nhiêu tủi hổ, đau buồn, khát khao... 10 năm qua như trút cả được ra. Đến khi anh Minh nghe tiếng khóc đẩy cửa bước vào, nhìn qua là anh biết ngay sự tình. Chị ngẩng lên và cũng nhìn thấy anh đang khóc...
9 tháng chị mang bầu là 9 tháng hai vợ chồng sống lâng lâng hạnh phúc. Những trận nghén ghê gớm khiến chị không còn sức để nôn, người gày sọp đi nhưng cứ qua cơn nghén là thấy chị cười. Anh Minh đi đâu cũng mau mau chóng chóng về chăm vợ. Bố mẹ chồng nghe thấy chị có thai cũng liên tục lên thăm. Chị lúc này mới dám ngẩng mặt nhìn bố mẹ chồng và cũng quên hết những khắc nghiệt của họ trước kia...
Gần 9 tháng, chị trở dạ và được cả đoàn đến gần 20 người nhà đưa vào viện. Anh Minh thắp hương trên bàn thờ tổ tiên, khấn lạy: "Trời có thương thì xin thương cho trót!". Chị Thủy sinh mổ một cậu con trai 3 kg trong tiếng cười và nước mắt của cả dòng họ. Ai biết chuyện cũng bảo: "Đúng là ở hiền gặp lành. Phải người khác thì chắc bỏ nhau lâu rồi".
Ngày càng có nhiều cặp vợ chồng lấy nhau khá lâu mà không có con. Nhiều đôi cũng đã chạy chữa khắp nơi, tốn cơ man tiền của nhưng rồi hy vọng vẫn chỉ là hy vọng. Sức ép của dư luận và gia đình, dòng tộc khiến cho 10 cặp hiếm muộn thì có đến 7-8 cặp nản chí và chia lìa. Vợ chồng ông bà Hương - Bình ở phố Quan Thánh, Hà Nội cũng nhiều lần đứng trước bờ vực ly hôn chỉ vì lấy nhau đến 15 năm mà vẫn không thể có con. Suốt từng ấy năm, hai vợ chồng vừa phải hứng chịu những lời bàn tán, dèm pha ác ý bên ngoài lại vừa phải đương đầu với sức ép thậm chí những tối hậu thư bắt bỏ vợ từ cha mẹ hết lần này đến lần khác...
Ông Bình tâm sự: "Trong những tình cảnh như thế này, chỉ có tình thương và cái nghĩa vợ chồng sâu nặng mới có thể gắn kết được chúng tôi với nhau. Càng buồn, càng cô đơn thì chúng tôi lại càng thấy thương nhau hơn". Còn bà Hương chỉ ngậm ngùi: "Là phận đàn bà mà không sinh nở được, tôi lúc nào cũng sống trong mặc cảm mình có lỗi với chồng và nhà chồng; nhất là thấy ông ấy khó khăn cũng không bỏ mình thì càng thương hơn, càng bù đắp cho ông ấy nhiều hơn nên có lẽ vì thế mà tình nghĩa càng sâu đậm".
Tin rằng sẽ không thể nào có con nữa, ông bà thôi chạy chữa, cũng thôi tích cóp, tiết kiệm mà thường xuyên đi du lịch, mua sắm, trang hoàng nhà cửa, vườn tược... sẵn sàng chờ đón tuổi già.
Đùng một cái, đến năm ông Bình 50 tuổi, bà Hương 43 thì tự nhiên bà thụ thai. Bà đến bệnh viện khám thai, được liệt vào dạng "sản phụ cao tuổi", cần được chăm sóc, theo dõi đặc biệt. Thế là từ lúc có bầu đến lúc sinh nở, cứ đúng hẹn bác sĩ, ông Bình lại bắt taxi đưa bà đi khám... Trông hai vợ chồng trẻ ra đến chục tuổi.
Đủ ngày đủ tháng, bà Hương sinh một cô con gái. Đứa trẻ không có sữa mẹ nhưng lớn rất nhanh và khỏe mạnh. Hễ gặp ai là ông Bình đều hân hoan khoe về "cô chủ nhỏ", "công chúa nhỏ" của mình một cách say sưa và tự nhận hai vợ chồng mình là "oshin già" của con một cách sung sướng. Ông kể, con bé thường ngủ ngày, chơi đêm, hai vợ chồng già nhất định không cho oshin động tay vào mà thay nhay bế con đi rong chơi cả đêm, tự tay cho con ăn và thuê hẳn một bác sĩ về tắm rửa... bận bịu cả ngày mà ông bà cứ líu lo nói chuyện với con như còn trẻ lắm. Mỗi khi cho con ra ngoài đi dạo, người không biết hỏi: "Ông bà bế cháu đi chơi à?", ông hào hứng nói ngay: "Con chúng tôi đấy, con đầu lòng đấy!" và lúc nào cũng bảo: "Con bé là phần thưởng lớn nhất mà trời phật ban cho gia đình tôi!".
Con cái bình thường đã là quý, đối với những gia đình hiếm muộn thì đúng là "lộc trời". Không ít gia đình đã tan vỡ vì thiếu tiếng bi bô con trẻ, nhưng cũng có nhiều cặp vợ chồng xác định "sống với nhau một ngày nên nghĩa". Đứa con xuất hiện đúng vào những lúc tưởng như không còn hy vọng nữa đúng là phần thưởng cho những đôi vợ chồng thủy chung, biết bảo vệ nhau trước sóng gió cuộc đời.
M.T.