Hùng Kỳ (22 tuổi) đang làm việc tại một xưởng gỗ ở miền nam Hàn Quốc với mức lương khoảng 30 triệu đồng mỗi tháng. Cách đây 8 tháng, Kỳ cùng 23 người Việt Nam đến Hàn Quốc bằng con đường du lịch, nhưng mục đích là ở lại làm việc bất hợp pháp. Tuy nhiên, chỉ có Kỳ và một đồng hương ở Nghi Xuân (Hà Tĩnh) thành công. “Sau khi kiểm tra an ninh trót lọt, em và người đó chạy một mạch khỏi sân bay”, Kỳ kể.
Kỳ gọi đó là cuộc “vượt biên lịch sử”, làm thay đổi cuộc đời của bản thân và gia đình. Khi đã cách xa khu vực an ninh sân bay, Kỳ lên taxi với mẩu giấy viết địa chỉ của hai người Việt đang làm việc chui. Những người này đều do “cò” sắp xếp, có trách nhiệm giúp Kỳ tìm việc và lo chỗ ở an toàn trong thời gian đầu.
Đoàn 21 người “đi du lịch” còn lại sau đó bị an ninh sân bay chặn, không cho nhập cảnh vào Hàn Quốc. “Họ kiểm tra hồ sơ và phát hiện trong đoàn có người từng làm việc ở đây rồi bỏ trốn và bị bắt. Cả đoàn phải về nước, em may mắn đi ra trước rồi chạy luôn chứ không cũng phải quay về”, Kỳ nói.
Để sang Hàn Quốc bằng đường du lịch, gia đình Kỳ phải bỏ ra hơn 12.000 USD. Trong đó, 10.000 USD đưa cho “cò” sau khi đã an toàn trên đất khách. Nhằm qua mặt công ty du lịch và lực lượng an ninh, “cò” thường hướng dẫn khách hàng làm những bước nhỏ, như tu sửa nhan sắc, cách ăn mặc cho đến dáng di mà theo Kỳ nói là để “cho giống con nhà có điều kiện” đi du lịch.
Ngoài ra, trước đó những lao động này phải bỏ tiền qua một số nước như Thái Lan, Singapore… để du lịch một vài ngày. “Bọn em đi là để thể hiện trong hồ sơ từng du lịch nước ngoài, là con nhà giàu. Chứ thực ra, qua Singapore và Thái Lan chỉ ở trọ tiết kiệm tiền, nếu sau đó nhập cảnh Hàn Quốc không thành, chúng em chỉ mất số tiền đi du lịch và một số khoản nhỏ”, Kỳ cho hay.
Ngoài hình thức du lịch, nhiều lao động sang Hàn Quốc thông qua chương trình hợp tác lao động giữa chính phủ hai nước, sau đó bỏ trốn. Đình Khiêm (30 tuổi, quê Nghi Xuân, Hà Tĩnh) là một trong số đó. Anh Khiêm cho rằng đi theo hình thức này rất khó và phải chờ đợi lâu mặc dù chi phí thấp. “Hiện đi qua đây nhiều nhất là bằng đường du học và đi biển gần bờ rồi vượt ra ngoài sống chui. Mặc dù bị bắt khá nhiều nhưng họ vẫn liều lĩnh nhằm có thu nhập cao hơn và đi dễ dàng, nhanh hơn”, lao động gần 5 năm làm việc tại Hàn Quốc kể.
Đến Hàn Quốc làm việc chui bằng con đường du học, An Kiều (20 tuổi) kể, tốt nghiệp THPT cậu lập tức làm hồ sơ du học Hàn Quốc. Xã Cương Gián (Nghi Xuân, Hà Tĩnh) quê Kiều được mệnh danh là giàu nhất nước, phần lớn do đi Hàn Quốc. Chính vì vậy từ khi ngồi trên ghế nhà trường, Kiều cũng như nhiều bạn khác biết rằng đằng nào tương lai cũng sẽ đi xuất khẩu lao động nên chẳng hứng thú lắm với việc học hành.
Gần một năm trước, Kiều bay sang Hàn Quốc bằng con đường du học. Tuy nhiên, chỉ ít ngày sau khi nhập học, cậu bỏ trốn ra ngoài sống chui lủi. “Nếu qua đây học thì phải đóng học phí rồi ký túc xá mất một khoản tiền lớn, lại không có thời gian đi làm. Em phải trốn ra ngoài rồi đến nhà người thân nhờ xin việc”, Kiều nói và cho rằng đi bằng con đường này khá đơn giản, nếu học bạ tốt thì tốn ít tiền và nhanh bay hơn. Mọi bước để sang Hàn gần như đã có “cò” lo bằng khoản lót tay hậu hĩnh. Với 15.000 USD chi phí ban đầu, Kiều có thể phải làm việc hơn một năm mới lấy lại vốn. Nếu bị bắt bây giờ, gia đình đành ôm nợ.
Theo một số lao động đang làm việc bất hợp pháp tại Hàn Quốc thì càng ngày nhà chức trách nước này càng khắt khe trong việc quản lý người lao động Việt Nam. Tuy nhiên, “cò” đã kịp nghĩ ra những thủ đoạn tinh vi để đưa người qua Hàn Quốc. Cách đây nửa năm, Hiếu (24 tuổi) được “cò” đưa qua Hàn Quốc bằng con đường phẫu thuật thẩm mỹ. Sau khi đến thẩm mỹ viện chỉnh sửa một chút ở vùng miệng, Hiếu bỏ trốn và tìm đến chỗ người quen đã hẹn sẵn để ở nhờ và xin việc làm giúp. Cũng giống như Hùng Kỳ và An Kiều, Hiếu xin được giấu tên thật vì sợ bị nhà chức trách Hàn Quốc bắt.
Trước đó, ngày 12/1, đoàn khách 155 người Việt đến đảo Jeju theo chương trình tour 6 ngày do Công ty Woori Club Travel (Hàn Quốc), tên giao dịch ở Việt Nam là Enjoy Korea tổ chức. Công ty này thuê chuyến bay riêng của một hãng hàng không Việt Nam, bán chỗ cho các công ty Việt Nam gom khách.
Một hướng dẫn viên phụ trách đoàn có mặt trong chuyến đi Jeju vừa qua cho biết, theo lịch trình, họ sẽ ở lại đảo 6 ngày, đi tham quan các điểm như làng văn hóa, miệng núi lửa, công viên tình yêu, con đường huyền bí, đá đầu rồng...và về nước vào ngày 17/1.
Hướng dẫn viên này cho biết, tình trạng khách bỏ trốn diễn ra trong suốt thời gian lưu lại đảo. Toán khách đầu tiên gần 10 người bỏ trốn ngay sau khi hoàn tất thủ tục tại sân bay. Một số khác về đến khách sạn mới trốn trong khi nhóm khách của Viettrantour ở lại trên đảo chơi vài ngày sau rồi trốn. Riêng một khách của Hanoi Redtours thì đến ngày kết thúc tour (17/1) mới trốn trước khi lên máy bay về nước.
Biết tin khách bỏ trốn, các hướng dẫn người Việt đã khai báo với cảnh sát địa phương và nhờ hỗ trợ tìm kiếm. Khi bị bắt lại, một số khách khai rằng họ lạc đường, đang tìm về khách sạn. "Mỗi đoàn chỉ có một hướng dẫn viên, khách ở phòng riêng nên việc họ ra ngoài hoặc trốn vào ban đêm, dẫn đoàn không quản lý xuể", hướng dẫn viên này nói.
Trong số 59 du khách Việt trốn ở lại đảo Jeju, Công ty cổ phần đầu tư vận tải du lịch Hoàng Việt có 32 người (22 người đã bị phía Hàn Quốc bắt giữ); Công ty cổ phần thương mại và lữ hành quốc tế Thế giới mới có 4 người;Công ty TNHH du lịch và thể thao Việt Nam có 8 người (5 người đã bị bắt); Công ty cổ phần Hanoi Redtours có một người.
VnExpress